1 triệu căn nhà ở xã hội có giúp thị trường bất động sản thoát khó?
Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn về tín dụng, cơ cấu nguồn hàng và tính thanh khoản. Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội theo nhiều chuyên gia nếu triển khai sẽ là đòn bẩy hỗ trợ thị trường thoát khỏi khó khăn.
- 05-04-2023HoREA: Lãi suất 8,2%/năm hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vẫn rất cao
- 03-04-2023Chính phủ chính thức phê duyệt đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội, tập trung triển khai gói 120.000 tỷ đồng
- 31-03-2023Đột phá nhà ở xã hội
Những nút thắt của thị trường
Thị trường bất động sản đang gặp khó khăn lớn về nguồn vốn từ việc kiểm soát tín dụng, trái phiếu. Các doanh nghiệp bất động sản các chủ đầu tư đang trong tình trạng thiếu vốn, đói vốn, khó tiếp cận với các kênh huy động vốn như tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh khó khăn về nguồn tín dụng, cơ cấu sản phẩm của bất động sản cũng đang có những dấu hiệu của sự bất hợp lý, không phù hợp nhu cầu thực, tồn kho trên thị trường chủ yếu đến từ bất động sản cao cấp. Nguồn cung ghi nhận mức cao nhất ở phân khúc đất nền, sau đó đến căn hộ cao cấp, trung cấp. Giá bất động sản bị đánh giá cao, không phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đánh giá, trong khi đó, nguồn cung dự án nhà ở thương mại trung bình, giá rẻ mới tiếp tục khan hiếm, kéo dài từ những năm trước. Còn căn hộ bình dân chiếm tỷ trọng thấp nhất, chỉ với với 4%.
“Việc giảm giá bán sâu chỉ diễn ra với các dự án bị thổi giá quá cao so với giá trị thực và các sản phẩm ít tính sử dụng cao. Còn lại, căn hộ, nhà ở phục vụ nhu cầu thật tại các thành phố lớn giá khó giảm khi nhu cầu vẫn lớn, chi phí đầu vào của các dự án bất động sản luôn tăng” - ông Nguyễn Văn Đính nói.
Nguồn cung bất động sản khan hiếm do doanh nghiệp bất động sản vướng mắc thủ tục pháp lý của các dự án đang triển khai. Hàng nghìn dự án trên cả nước gần như không được phê duyệt thủ tục đầu tư, đặc biệt là việc phê duyệt giá đất, nghĩa vụ tài chính nộp tiền sử dụng đất đang gặp rất nhiều vấn đề do các chính sách chồng chéo. Thực trạng này đã diễn ra trong nhiều năm nay do những tồn tại trong cơ chế, trong luật.
Kỳ vọng vào “đòn bẩy” 1 triệu căn nhà ở xã hội
Trước những khó khăn của thị trường bất động sản, Nghị quyết 33 là Chính phủ đưa ra các giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được nhanh chóng tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng với đó là có biện pháp xử lý phù hợp cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn như giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ…
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng đồng tình với phương án này của Chính phủ, cần có chương trình hoãn, giãn nợ quốc gia cho tất cả doanh nghiệp sắp đến hạn, nhưng chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Giãn hoạn nợ để doanh nghiệp được cơ cấu nợ. Nếu cơ cấu nợ mà doanh nghiệp vẫn không thể phục hồi thì nên xử lý theo quy trình tái cơ cấu, để doanh nghiệp lẫn ngân hàng chủ động biện pháp xử lý, trích lập dự phòng rủi ro. Nếu không thì cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng đều mất cảnh giác trong khi bản chất các khoản nợ xấu vẫn còn đó” - TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Vốn hỗ trợ phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng từ nguồn vốn góp của 4 ngân hàng lớn, cho chủ đầu tư, người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Mức lãi suất gói tín dụng này sẽ thấp hơn 1,5-2% lãi suất vay trung dài hạn bình quân của các ngân hàng thương mại Nhà nước trong từng thời kỳ. Nguồn vốn của gói tín dụng này có thể lớn hơn nếu có sự tham gia của các ngân hàng thương mại khác.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Đính cần có những quy định cụ thể để triển khai gói 120.000 tỷ đồng mà ngân hàng vừa công bố. Đây là đòn bẩy đối với thị trường. Nhưng cũng cần quy định rất cụ thể, trong đó quy định rõ đối tượng những nhóm được tiếp cận nguồn vốn này.
“Ngoài những nhóm đối tượng phát triển nhà ở xã hội, giá rẻ, bình dân cũng cần lưu ý những dự án bất động sản đang ở giai đoạn gần hoàn thành nhưng chỉ vì thiếu vốn nên tắc nghẽn thì cũng cần quan tâm, kể cả là dự án nhà ở cao cấp, trung cấp. Nếu được giải tỏa, sẽ kích thích được nguồn cung trên thị trường, sẽ mang lại ý nghĩa và giá trị nhất định” - ông Nguyễn Văn Đính nêu ý kiến./.
VOV