10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Tâm điểm nhóm 'penny'
Các cổ phiếu trụ cột như VCB, VHM, VIC... đều có diễn biến không tốt. Nhóm cổ phiếu nhỏ như FIT, DLG, HQC... đồng loạt tăng giá với thanh khoản luôn duy trì ở mức rất cao.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 1% so với tuần trước và dừng ở mức 956,41 điểm. HNX-Index cũng giảm 0,5% xuống 102,42 điểm. Tương tự như các tuần gần đây, diễn biến của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa được cải thiện và tiếp tục gây áp lực lên thị trường. VCB của Vietcombank giảm nhẹ 0,1%, VHM của Vinhomes giảm 5,5%, VIC của Vingroup giảm 0,2%, GAS của PV GAS giảm 2%.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu có yếu tố nhỏ có yếu tố đầu cơ (penny) lại có diễn biến tích cực và hút được dòng tiền tốt. Ở sàn HoSE, đứng đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu PNC của Văn hóa Phương Nam với 38%. Trong tuần, PNC đã tăng trần trong cả 5 phiên giao dịch, dù vậy thanh khoản của cổ phiếu này luôn duy trì ở mức thấp. Trong danh sách tăng giá sàn HoSE tuần qua có các cái tên quen thuộc với nhà đầu tư như FIT của Tập đoàn F.I.T, CMV của Thương nghiệp Cà Mau, HQC của Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, DLG của Tập đoàn DLG.
Trong đó, thanh khoản của hai cổ phiếu HQC và DLG tăng đột biến so với trước đó. HQC trong tuần tăng 17,2% luôn duy trì ở mức trên 6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Tương tự, DLG tăng 14% với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến với trung bình 12,8 triệu cổ phiếu ở tuần qua, trong khi khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên trước đó chỉ là 3 triệu cổ phiếu/phiên.
Đa số các cổ phiếu nói trên có mức tăng giá đột biến trong bối cảnh không có bất cứ thông tin hỗ trợ nào.
Ở chiều ngược lại, 'tân binh' sàn HoSE là cổ phiếu NHH của Nhựa Hà Nội đứng đầu danh sách giảm giá với 19%. NHH chính thức niêm yết trên sàn HoSE vào ngày 12/12 với giá tham chiếu 45.900 đồng/cp nhưng từ đó đến nay, cổ phiếu này đều chìm trong sắc đỏ và hiện chỉ còn giao dịch ở mức 36.000 đồng/cp.
|
Cổ phiếu TTB của Tập đoàn Tiến Bộ tiếp tục lọt vào danh sách các cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE với 15,3%. Mới đây, nhiều lãnh đạo của Tập đoàn Tiến Bộ thông báo kết quả giao dịch cổ phiếu TTB – là các giao dịch do các công ty chứng khoán bán giải chấp cổ phiếu. ông Phùng Văn Bộ, Chủ tịch HĐQT công ty, bị bán ra hơn 2,28 triệu cổ phiếu – do Chứng khoán Yuanta Việt Nam, Chứng khoán Phú Hưng, Chứng khoán KIS Việt Nam bán giải chấp. Sau giao dịch ông Bộ vẫn còn sở hữu gần 7,4 triệu cổ phiếu TTB (tỷ lệ 15,5%). Ông Phùng Văn Thái, Tổng Giám đốc, bị bán giải chấp tổng cộng 161.560 cổ phiếu – do Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, VNDirect bán. Ông Thân Thanh Dũng, Phó Tổng Giám đốc, bị bán giải chấp 76.370 cổ phiếu do Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam bán. Sau giao dịch ông Dũng vẫn còn sở hữu hơn 4,8 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 10,26%).
Ở sàn HNX, đứng đầu danh sách tăng giá là cổ phiếu VC2 của Xây dựng số 2 với 33,1%. Tuy nhiên, trên thị trường thời điểm này không có thông tin hỗ trợ nào đối với cổ phiếu này xuất hiện. "Tân binh" SZB của Sonadezi Long Bình tăng giá 30% ngay ngày đầu giao dịch ở sàn HNX. Sonadezi Long Bình là một trong những công ty con của Tổng Công ty cổ phần Phát triển Khu Công nghiệp (Sonadezi, UPCoM: SNZ). Công ty được cổ phần hóa từ giữa năm 2009 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, chưa từng thực hiện tăng vốn. Đơn vị này chuyên kinh doanh bất động sản khu công nghiệp (KCN), khu dân cư; cho thuê văn phòng, nhà xưởng công nghiệp; cung cấp nước sạch; thi công xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp;..
|
Trong khi đó, cổ phiếu BPC của Vicem Bao bì Bỉm Sơn giảm giá mạnh nhất sàn HNX với 26%, dù vậy, thanh khoản của cổ phiếu này luôn duy trì ở mức rất thấp, thậm chí nhiều phiên không có giao dịch. Các cổ phiếu như VC6 của Vinaconex 6, STC của Sách và Thiết bị trường học TP. HCM, VJC của Thương mại và Đầu tư Vinataba... cũng giảm sâu nhưng đều thanh khoản rất thấp.
|
Ở sàn UPCoM, cổ phiếu HCI của Đầu tư - Xây dựng Hà Nội gây bất ngờ khi tăng giá đến 97% chỉ sau một tuần giao dịch. HCI đã tăng trần trong cả 5 phiên giao dịch với thanh khoản chỉ vài trăm cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên. Các mã như WTN của Cấp thoát nước Tây Ninh, Giày da và May mặc Xuất khẩu (LEGAMEX), DND của Đầu tư Xây dựng và Vật liệu Đồng Nai... cũng tăng giá mạnh nhưng đều có thanh khoản gần như đóng băng.
|
Chiều ngược lại, CTN của Xây dựng Công trình ngầm giảm giá mạnh nhất thị trường với 50%. Cổ phiếu này thường xuyên trong tình trạng không có giao dịch và thị giá chỉ còn 100 đồng/cp. Các mã như CTW của Cấp thoát nước Cần Thơ, HFB của Công trình Cầu phà TP HCM... cũng giảm sâu và đều không có thanh khoản.
|
NDH