MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 năm ẩn mình, những tên tuổi tỷ USD dậy sóng

Hàng loạt các doanh nghiệp tỷ USD dồn dập lên sàn sau cả chục năm ẩn mình và nhanh chóng trở thành những trụ cột trên thị trường chứng khoán. Những hòn ngọc tỷ USD được các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngóng chờ có thể sẽ tạo ra dòng vốn lớn, giúp nền kinh tế phát triển.

Ngọc quý lộ diện

Chỉ trong thời gian ngắn cuối 2016 và đầu 2017, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam dồn dập đón nhận những cổ phiếu mà cả các nhà đầu tư (NĐT) trong nước và ngoài nước ngóng chờ cả thập kỷ qua.

Sau nhiều năm khuấy động thị trường tự do (OTC) cổ phiếu FOX của CTCK Viễn thông FPT (FPT Telecom) đã chào sàn UPCOM vào đầu năm mới 2017. Cổ phiếu này ngay lập tức nổi sóng, tăng giá gấp đôi trong vài ngày.

Diễn biến tăng giá của FPT Telecom cũng giống như hàng loạt cổ phiếu “khủng” chào sàn gần đây. Nó khiến nhiều NĐT tiếc ngẩn tiếc ngơ vì không thể mua được trước thời điểm các cổ phiếu trụ cột ngành này lên sàn.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo niêm yết cổ phiếu trước khi thoái vốn để tránh lợi ích nhóm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo niêm yết cổ phiếu trước khi thoái vốn để tránh lợi ích nhóm.

Trước đó, các cổ phiếu bia như Sabeco (SAB) và Habeco (BHN) đã làm dậy sóng TTCK với những cú bứt phá khó tưởng tượng, từ mức giá tham chiếu vài chục ngàn đồng có lúc đã lên trên 200 ngàn đồng/cp.

Với mức giá 220 ngàn đồng/cp, Sabeco lập tức trở thành DN có vốn hóa đứng thứ 2 trên TTCK (6,3 tỷ USD), chỉ sau Vinamilk (hơn 8 tỷ USD). Đây cũng là cổ phiếu có sức hút lớn đối với các NĐT nước ngoài. Hiện khối ngoại mới nắm giữ 9% cổ phiếu này, 89% thuộc về Bộ Công Thương.

Với sự xuất hiện đồng loạt của các DN tỷ USD, quy mô TTCK Việt Nam đã tăng vọt. Nếu như cách đây 10 năm, TTCK Việt Nam chỉ có 2-3 DN có vốn hóa tỷ USD, thì đến nay, con số này đã lên tới hàng chục DN.

Những cổ phiếu lớn như Sabeco, Habeco, Vietnam Airlines, Vietjet Air, Petrolimex,... đang thực sự khuấy động TTCK.

Ngay trong những ngày đầu tiên năm mới 2017, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines lên sàn và cũng khiến nhiều NĐT nuối tiếc vì đã thờ ơ, không mua vào khi Hãng hàng không quốc gia Việt Nam phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) trong năm 2014.

Giá hơn 1,3 tỷ cổ phiếu HVN đã tăng vọt, tới 40% trong ngày đầu ra mắt, đưa giá trị của hãng lên trên 2 tỷ USD. Cú ra mắt ấn tượng cùng với kỳ vọng tươi sáng của thị trường khiến các cổ đông của Vietnam Airlines có niềm vui lớn ngay đầu năm mới.

Tất nhiên, những tổ chức đầu tư vào các cổ phiếu như vậy đã có thể nhìn thấy khoản lợi khủng, một vốn đôi lời, thậm chí hơn. Vietcombank và Techcombank là 2 ngân hàng mua tới 99% tổng khối lượng chào bán của HVN trong đợt IPO.

Cơ hội mới cho nền kinh tế

Từ mức giá khoản 80.000 đồng/cp trên trên thị trường OTC, Sabeco đã tăng gần gấp 3 lần trong một thời gian ngắn. Sức hấp dẫn của các cổ phiếu mới lên sàn trong thời gian gần đây là rất lớn và cũng dễ hiểu.

Đây được xem là một viên ngọc quý, là DN đầu ngành với hàng chục công ty con và công ty liên kết. Hàng loạt các NĐT nước ngoài như: SABMiller, Thai Beverage, Shingha, Heineken, Ab-Inbev, Asahi,... xếp hàng chờ mua cổ phiếu này sau gần một thập kỷ chờ đợi từ khi DN này cổ phần hóa năm 2008.


 Hàng loạt các cổ phiếu đầu ngành được thoái vốn.

Hàng loạt các cổ phiếu đầu ngành được thoái vốn.

Quyết định lên của Sabeco và Habeco kết hợp với kế hoạch đẩy mạnh thoái vốn của Chính phủ cùng với chất lượng của các cổ phiếu này đã khiến thị trường trong và ngoài nước sôi động, nóng lòng chờ mua.

Gần đây, cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng trở thành một hiện tượng trên TTCK. DN lọt câu lạc bộ tỷ đô ngay khi lên sàn với tổng vốn hóa lên tới gần 5 tỷ USD.

ACV được xem là DN độc quyền trong lĩnh vực khai thác vận chuyển, quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không với dòng tiền và lợi nhuận lớn, đều đặn từ 22 cảng hàng không trong nước và 8 cảng hàng không quốc tế như: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng... Trong khi đó, tốc tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam vài năm gần đây rất cao, gấp vài ba lần so với bình quân thế giới. Sắp tới, ACV sẽ đầu tư xây dựng Cảng Hàng không Long Thành.

Trong phiên IPO hồi cuối năm 2015, hơn 80% lượng cổ phần ACV đem ra đấu giá đã được khối ngoại mua. Chỉ sau hơn 1 năm, các NĐT mua được cổ phiếu trong đợt IPO đã lãi gần 4 lần. Với sự bứt phá này, đây là cơ sở thuận lợi cho các đợt thoái vốn tiếp theo của ACV.

Có thể thấy, lợi ích của việc đưa các cổ phiếu lớn lên sàn có lẽ giờ đã rõ ràng. Quy mô TTCK tăng vọt trong thời gian gần đây, hàng chục ngàn tỷ đồng dồn dập lên sàn trong từng phiên giao dịch. Bên cạnh các DN có nguồn gốc nhà nước, các DN tư nhân cũng nhanh chóng lên sàn để tìm nguồn vốn cho đầu tư dài hạn.

Gần đây, CTCP Hàng không VietJet (Vietjet Air) cũng đã có buổi giới thiệu cổ phiếu. Đây cũng là một DN chiếm thị phần lớn trong ngành và có tốc độ tăng trưởng nhanh. Theo đánh giá của Reuters, DN này có giá trị 1,2 tỷ USD.

Sự phát triển bùng nổ của TTCK được đánh giá là tín hiệu tốt giúp Chính phủ thoái vốn tại các DN. Trong năm 2017, theo kế hoạch, Chính phủ sẽ tiếp tục thoái vốn ở nhiều DN lớn trong đó có Vinamilk, Sabeco và Habeco. Riêng với Sabeco và Habeco, việc giá cổ phiếu tăng mạnh có thể giúp Nhà nước thu về thêm được hàng tỷ USD.

Việc thoái vốn sau niêm yết là chủ trương của Chính phủ với mục đích để thu về nguồn vốn tối đa cho Nhà nước và không để nhóm lợi ích lộng hành. Thoái vốn sau khi niêm yết được cho là sẽ thu hút nhiều NĐT hơn. Các NĐT biết đến các DN nhiều hơn và cũng không còn e ngại đồng tiền của mình bị chôn vùi do DN trốn tránh việc niêm yết. Hiện Chính phủ cũng có dự định nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các NH và mở rộng khả năng tiếp cận của các NĐT nước ngoài tới TTCK.

Theo M.Hà

Vietnamnet

Trở lên trên