MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 năm sau khi bán cho Nhật Bản, Diana do anh em chủ tịch TPBank gây dựng vươn lên top 1 thị trường, lãi vượt xa đối thủ Kotex

02-07-2021 - 08:51 AM | Doanh nghiệp

10 năm sau khi bán cho Nhật Bản, Diana do anh em chủ tịch TPBank gây dựng vươn lên top 1 thị trường, lãi vượt xa đối thủ Kotex

Doanh thu của Diana Unicharm vượt Kimberly - Clark năm 2016, kể từ đó ngày càng bỏ đối thủ trên thị trường sản phẩm vệ sinh phụ nữ - trẻ em - người già.

Băng vệ sinh Diana không "mất tích" trên kệ hàng VinMart mà chỉ đơn giản là hết hàng, đại diện Tập đoàn Masan (công ty mẹ) cho biết.

Còn phía Diana xác nhận rằng, trong tháng 6, do diễn biến phức tạp của đại dịch, hoạt động sản xuất tại nhà máy Diana Unicharm Bắc Ninh đã bị ảnh hưởng. Cùng với nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao, sản phẩm băng vệ sinh Diana thiếu hụt cục bộ tại một số cửa hàng/chuỗi siêu thị có lượng tiêu thụ lớn (trong đó có VinMart).

Diana Unicharm cho biết đã nhanh chóng khắc phục và cung ứng sản phẩm ra thị trường phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Từ ngày 1/7/2021, khách hàng có thể mua sản phẩm Diana như bình thường tại các chuỗi cửa hàng bán lẻ…

Các sản phẩm vệ sinh phụ nữ thuộc ngành hàng thiết yếu, vì thế chúng đạt được tốc độ tăng trưởng ổn định qua từng năm, bất chấp ảnh hưởng của đại dịch.

Theo Euromonitor, Diana và Kotex tiếp tục là hai thương hiệu dẫn đầu thị trường Việt Nam trong năm 2020, dù cho một số đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn đã giành được vị thế nhất định.

Các sản phẩm thương hiệu Diana thuộc sở hữu của CTCP Diana Unicharm. Dưới sự đầu tư của Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản), Diana đã duy trì được sức tăng trưởng ấn tượng trong nhiều năm liền. Trong khi đó, Kimberly – Clark, chủ thương hiệu Kotek đang tăng cường các chiến dịch quảng bá thời gian gần đây để giành lại vị thế dẫn đầu.

Cuộc chiến ngành hàng vệ sinh phụ nữ là tương đối khốc liệt trong một thị trường yếu tố nhân khẩu học được đánh giá cao như Việt Nam. Không chỉ băng vệ sinh, Diana Unicharm và Kimberly - Clark còn ganh đua nhau trên nhiều mặt trận từ tã bỉm trẻ em, tã người lớn, khăn giấy ướt, tampon, khẩu trang…

Bên cạnh băng vệ sinh thì tã bỉm trẻ em (Bobby của Diana và Huggies của Kimberly – Clark) cũng là một phân khúc quan trọng đóng góp lớn vào nguồn thu của cả hai.

Diana Unicharm và Kimberly – Clark đã song hành cùng nhau trong suốt quá trình phát triển của thị trường. Giai đoạn 2015 – 2016, doanh thu của hai công ty này ngang ngửa, nhưng sau đó Diana Unicharm đã bứt phá mạnh mẽ so với đối thủ.

10 năm sau khi bán cho Nhật Bản, Diana do anh em chủ tịch TPBank gây dựng vươn lên top 1 thị trường, lãi vượt xa đối thủ Kotex - Ảnh 1.

Doanh thu của Diana Unicharm đạt mức gần 7.500 tỷ đồng vào năm 2018, cao hơn 38% so với đối thủ. Năm 2019, khi Diana Unicharm chững lại, khoảng cách với Kimberly – Clark được thu hẹp đôi chút.

10 năm sau khi bán cho Nhật Bản, Diana do anh em chủ tịch TPBank gây dựng vươn lên top 1 thị trường, lãi vượt xa đối thủ Kotex - Ảnh 2.

Về lợi nhuận, Diana Unicharm sớm đã vượt trội hoàn toàn, luôn cao hơn nhiều so với Kimberly – Clark ngay cả khi doanh thu ngang ngửa nhau. Năm 2018, Diana lãi ròng 1.109 tỷ, gấp 2,6 lần Kimberly. Năm 2019, Diana lãi 1.065 tỷ đồng, gấp 1,9 lần đối thủ.

Theo báo cáo của Euromonitor, người tiêu dùng nữ đang đón nhận các sản phẩm vệ sinh với các tính năng giá trị gia tăng, đặc biệt là công nghệ làm mát bằng tinh dầu bạc hà. Nhu cầu về các sản phẩm có đặc tính mát mẻ, hương thơm tự nhiên tăng lên đáng kể với thế hệ phụ nữ trẻ.

Bên cạnh đó, giới trẻ ngày nay có xu hướng chuyển sang sử dụng những sản phẩm vệ sinh mới như cốc nguyệt san hay tampon vì những ưu điểm mà nó mang lại so với băng vệ sinh truyền thống.

Ra đời từ năm 1997, Diana là thương hiệu sản xuất sản phẩm vệ sinh do anh em ông Đỗ Minh Phú và Đỗ Anh Tú thành lập với tổng số tiền đầu tư ban đầu 600 nghìn USD. Ông Đỗ Minh Phú là tên tuổi không còn xa lạ trên thương trường, người sáng lập Tập đoàn Doji và Chủ tịch TPBank.

Năm 2011, trong giai đoạn "ăn nên làm ra" và dự địa tăng trưởng của thị trường rộng lớn, anh em ông Đỗ Minh Phú đã quyết định bán lại 95% cổ phần Diana cho Unicharm. Số tiền mà Unicharm chi ra thời điểm đó là 184 triệu USD, tương ứng định giá công ty ở mức 194 triệu USD (hơn 4.000 tỷ đồng lúc bấy giờ).

Thời điểm đó, doanh thu của Diana chưa đầy 1.700 tỷ đồng và lợi nhuận vỏn vẹn 40 tỷ đồng. Nếu đem so quy mô với thời điểm hiện tại, Tập đoàn Nhật Bản đã biến thương hiệu do anh em ông Đỗ Minh Phú xây dựng trở nên lớn hơn rất nhiều lần. Theo đánh giá của Tập đoàn Unicharm, sự thành công của Diana Unicharm có được nhờ chiến lược và công nghệ hiện đại từ tập đoàn Unicharm Nhật Bản cùng tầm nhìn kinh doanh, khả năng lãnh đạo và chiến lược marketing – bán hàng hiệu quả của ông Đỗ Anh Tú. 

Mặc dù bán đi quyền kiểm soát từ lâu nhưng ông Đỗ Anh Tú - em trai ông Phú - vẫn tiếp tục giữ vị trí CEO của Diana thêm 10 năm, đến tận tháng 4/2021. Hiện ông Tú đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch thường trực, phụ trách chiến lược phát triển đưa Diana Unicharm trở thành công ty đạt doanh thu 1 tỷ đô la vào năm 2030.

Sau khi thoái vốn khỏi Diana, anh em ông Phú và Doji đã đầu tư lớn vào ngân hàng TPBank đang gặp khó khăn khi đó. Hiện nay, ngân hàng này đang có vốn hóa thị trường đạt gần 40.000 tỷ đồng (1,7 tỷ USD).

10 năm sau khi bán cho Nhật Bản, Diana do anh em chủ tịch TPBank gây dựng vươn lên top 1 thị trường, lãi vượt xa đối thủ Kotex - Ảnh 3.

Hứa Vân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên