10 triệu người chết và 100.000 tỷ USD bị thổi bay: Những con số giật mình về "Kháng kháng sinh"
Mỗi ngày trên thế giới có khoảng 1.900 người bệnh tử vong vì tình trạng kháng kháng sinh, tương đương 700.000 người thiệt mạng mỗi năm do tình trạng sử dụng quá nhiều kháng sinh gây nhờn thuốc.
- 08-12-2016Cô gái ở HN tử vong sau 1 tuần chỉ ho và sốt: Những điều cần biết ngay về "kháng kháng sinh"
Tuy nhiên, số liệu của AMR cho thấy con số này có thể lên đến 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050, cao hơn cả số người tử vong do ung thư hàng năm.
Năm 2014, Cựu thủ tướng Anh David Cameron đã công bố một báo cáo về tác động của tình trạng nhờn thuốc kháng sinh với nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, GDP hàng năm của thế giới sẽ giảm 2-3,5% từ nay đến năm 2050 nếu các quốc gia không có biện pháp đối phó, tương đương với 60-100 nghìn tỷ USD GDP bị mất.
Một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới (World Bank) cũng nhận định kinh tế thế giới sẽ bị ảnh hưởng đáng kể nếu tình trạng nhờn thuốc kháng sinh không được giải quyết triệt để.
GDP tại nhiều khu vực suy giảm vì siêu vi khuẩn nhờn kháng sinh
Kể từ năm 1928, cuộc sống của con người đã thay đổi toàn diện khi kháng sinh được phát minh và nhất là khi chúng được thương mại hóa rộng rãi vào thập niên 1940. Dẫu vậy, việc sử dụng tràn lan kháng sinh trong y tế, chăn nuôi, nông nghiệp đang khiến tình hình trở nên xấu đi khi các vi khuẩn, virus bệnh bắt đầu nhờn thuốc.
Tình hình trở nên nghiêm trọng đến mức nhờn thuốc kháng sinh trở thành chủ đề chính trong cuộc họp hội đồng thường niên của Liên Hiệp Quốc (UN) vào năm 2016 và cũng là vấn đề chủ chốt của cuộc họp các bộ trưởng y tế G20 vào tháng 5 vừa qua.
Bất chấp lời kêu gọi và cảnh báo của chính phủ, những tập đoàn dược phẩm vẫn phớt lờ về mảng kháng sinh do lợi nhuận quá thấp. Hiện nay, những loại thuốc cho tiểu đường, ung thư… mới là hướng đi chính của những công ty này do chúng đem lại nhiều lợi nhuận.
Số tiền đầu tư nghiên cứu y học và cho kháng sinh (tỷ USD)
Việc phát triển kháng sinh giờ đem lại ít lợi nhuận hơn so với các loại thuốc đặc trị những bệnh mãn tình cần sử dụng nhiều và phổ biến như ung thư hay tiểu đường. Nghiên cứu năm 2011 của Trường Kinh tế London cho thấy tỷ suất NPV (giá trị hiện tại ròng) của mảng kháng sinh tiêm chỉ vào khoảng 100 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 1 tỷ USD của dòng dược phẩm chữa rối loạn cơ xương hay viêm khớp mãn tính.
Hậu quả là nhiều loại kháng sinh cũ không được nghiên cứu phát triển khiến virus nhờn thuốc, trong khi người bệnh sử dụng tràn lan các loại thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Số người tử vong do siêu vi khuẩn nhờn thuốc vào năm 2050 (triệu người)
Mới đầu khi phát minh ra kháng sinh, vấn đề siêu vi khuẩn kháng thuốc không được chú ý do con người liên tục tạo ra các dòng thuốc mới trong khoảng thập niên 1950-1980. Tuy nhiên, tốc độ phát minh những dòng kháng sinh mới chậm lại, số trường hợp nhờn thuốc tăng lên và tình trạng thiếu cung của các kháng sinh loại cũ đang khiến ngành y tế phải đau đầu.
Số liệu của Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDCP), quốc gia này chỉ có 9 dòng kháng sinh mới được phát triển trong khoảng 2005-2014, thấp hơn rất nhiều so với 27 loại vào thập niên 1980. Báo cáo của Viện QuintilesIMS cho thấy trong 2.240 dược phẩm mới năm 2016, chỉ có 8% là thuộc dòng kháng sinh.
Trong khi đó, nghiên cứu năm 2015 của Trung tâm CDD cho thấy lượng sử dụng kháng sinh trong xã hội đã tăng 30% trong khoảng 2000-2010, đặc biệt là trong ngành y tế cũng như chăn nuôi.
Bệnh nhân tại Mỹ đang dùng nhiều loại kháng sinh không cần thiết để chữa bệnh
Thị trường gia cầm đang tự đầu độc mình như thế nào?
Tại những quốc gia có đa sắc tộc và tôn giáo như Ấn Độ, thịt gia cầm là loại thực phẩm an toàn nhất khi chúng không những rẻ mà còn phù hợp với mọi loại tôn giáo. Số liệu của Bộ nông nghiệp Mỹ cho thấy Ấn Độ tiêu thụ 4,5 tấn thịt gà từ đầu năm đến nay và tốc độ tăng trưởng tiêu thụ đạt 30% trong khoảng 2013-2017, mức tăng mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, nền chăn nuôi của nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn trong nước khi kháng sinh bị lạm dụng quá nhiều, gây hại cho cả môi trường lần người tiêu dùng.
Lượng siêu vi khuẩn nhờn kháng sinh có nhiều nhất tại Ấn Độ
Những cuộc nghiên cứu tại 18 trang trại lớn nhất bang Punjab- Ấn Độ cho thấy 2/3 số gia cầm nơi đây chứa enzyme chống lại hầu hết các chủng kháng sinh. Trong số những con gia cầm được thử nghiệm, có 87% mẫu thí nghiệm chứa siêu vi khuẩn nhờn kháng sinh.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết gia cầm hiện nay tiêu thụ kháng sinh gấp đôi con người do nhu cầu chăn nuôi công nghiệp và tiêu thụ thịt ở nhiều nước, nhất là những thị trường có nhiều tôn giáo như Ấn Độ.
Điều nguy hiểm của việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi là chúng không tiêu diệt hết được mầm bệnh, khiến những vi khuẩn tồn tại và tự phát triển cơ chế nhờn thuốc, qua đó lây lan, lưu lại trong cơ thể người tiêu dùng cũng như nguồn nước, đất, không khí.
Báo cáo công bố tháng 9/2016 của World Bank cho thấy cuộc khủng hoảng nhờn kháng sinh có thể tác động vô cùng xấu đến nền kinh tế toàn cầu, thậm chí tệ hơn cả cuộc khủng hoảng năm 2008. Thế giới có thể sẽ phải mất 1 nghìn tỷ USD cho chi phí y tế từ nay đến năm 2050 nếu không có biện pháp đối phó.
Trong cuộc điều tra các trang trại ở Punjab, tất cả những người chăn nuôi thừa nhận có dùng kháng sinh cho biết chúng được sử dụng để phòng bệnh cũng như kích thích tăng trưởng cho đàn gia cầm.
Tăng trưởng nhu cầu thịt gia cầm tại các nước trong khoảng 2003-2017. Thị trường Trung Quốc giảm do dịch cúm gia cầm
Hậu quả của việc lạm dụng này là vô cùng lớn khi hàng năm có hơn 56.000 trẻ sơ sinh tử vong do nhiễm khuẩn mà không được điều trị bằng kháng sinh hiệu quả.
Một báo cáo năm 2015 cho thấy lượng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi ở một số bang Ấn Độ có thể tăng gấp 4 lần từ nay đến năm 2030 do nhu cầu tiêu thụ gia cầm tăng.
Hiện nay, không riêng gì Ấn Độ, những nước tiêu thụ gia cầm lớn như Trung Quốc cũng đang tăng cường sử dụng kháng sinh cho chăn nuôi nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm của một bộ phận rất lớn người dân có thu nhập đi lên khi nền kinh tế bùng nổ.
Thời Đại