10 triệu tỷ tái cơ cấu kinh tế: Tiền đâu lắm thế?
Mới đây, trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cho biết để tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 thì cần tới 10 triệu tỷ đồng. Nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng huy động được lượng tiền “khổng lồ” này. Vậy thực sự con số 10 triệu tỷ đồng này có phải lấy từ ngân sách?
- 24-10-2016Tái cơ cấu nền kinh tế không phải ở việc huy động nguồn lực
- 22-10-2016Tốc độ tăng trưởng không quan trọng bằng tái cơ cấu xong nền kinh tế
- 13-10-2016Việt Nam cần “đội đặc nhiệm” tái cơ cấu kinh tế
10,5 triệu tỷ, ngân sách chiếm 3,57 triệu tỷ
Trong bản kế hoạch tái cơ cấu trình Quốc hội, Chính phủ đã tính toán cụ thể nguồn lực để thực hiện tái cơ cấu kinh tế.
Cụ thể, nguồn lực để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020 dự kiến khoảng hơn 10,5 triệu tỷ đồng theo giá thực tế (tương đương khoảng 480 tỷ USD). Tuy nhiên, không phải 10,5 triệu tỷ đồng này đều lấy từ ngân sách .
Trong tổng số hơn 10,5 triệu tỷ đồng này, dự kiến nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành và địa phương chiếm tỷ lệ lớn. Dự kiến khoảng 3,57 triệu tỷ đồng (tương đương gần 180 tỷ USD).
Một nguồn vốn khác là từ đầu tư nước ngoài (FDI). Trong thời kỳ này dự kiến thu hút được trên 1,4 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 68 tỷ USD).
Chính phủ cũng tính đến huy động thêm nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Cụ thể giai đoạn 2016-2020 dự kiến đạt khoảng 39,5 tỷ USD.
Những nguồn vốn khác cũng sẽ được huy động để thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu. Chẳng hạn, việc đẩy mạnh quyết liệt thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp cũng có thể tạo ra nguồn thu từ 15 - 20 tỷ USD trong giai đoạn 2016 – 2020.
Tuy ngân sách chiếm khoảng 180 tỷ USD, nhưng quan điểm huy động nguồn lực của Chính phủ là “hạn chế tối đa việc huy động các nguồn lực bổ sung từ ngân sách nhà nước để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế”. Thay vào đó, sẽ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực phát triển, từng bước để cơ chế thị trường giữ vai trò chủ yếu trong việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển.
Việc sử dụng nguồn lực nhà nước chỉ được áp dụng “trong một số ít trường hợp” để thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
Việc dự kiến lợi ích và chi phí cụ thể của các nhiệm vụ tái cơ cấu như vậy sẽ được ước tính và đề xuất cụ thể tại các đề án và kế hoạch tái cơ cấu của ngành và lĩnh vực, như tại Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Tiền không phải là tất cả
Việc huy động nguồn lực cho tái cơ cấu kinh tế là cần thiết bởi sẽ khó có thể làm gì nếu không có “tiền tươi tóc thật”.
Đơn cử như xử lý nợ xấu, ông Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, mới đây đã tính toán, để xử lý nợ xấu thì cần 25 tỷ USD, và cần khoảng 180.000 tỷ để xử lý tài sản trong các tổ chức tín dụng trong 5 năm tới. Bởi ngay cả khi nền kinh tế tăng trưởng tốt thì mỗi năm vẫn có khoảng 60.000-70.000 tỷ đồng nợ mới phát sinh.
Theo ông Phước, việc xử lý nợ xấu hiện cần các giải pháp, nguồn lực thực chứ không thể "hô khẩu hiệu suông”.
Còn TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có quan điểm hơi khác trong huy động nguồn lực tái cơ cấu.
Ông Cung cho rằng, vấn đề bây giờ không phải là huy động nguồn lực, mà quan trọng hơn là phân bổ lại để sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có. Từ đó khơi thông dòng chảy các nguồn lực xã hội.
Cho rằng việc huy động nguồn lực của Việt Nam hiện đang ở mức cao, đặc biệt là có tới 400 tỷ USD đang nằm trong khu vực Nhà nước nhưng lại không được sử dụng hiệu quả, ông Nguyễn Đình Cung nhận định, nếu mải mê huy động, nền kinh tế sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên.
Theo vị chuyên gia này, khi nói đến tái cơ cấu nền kinh tế, nhiều người thường băn khoăn lấy nguồn lực ở đâu.
“Từ đó, người ta mới bắt đầu hô hào “Huy động, huy động và huy động!” nhưng tôi nghĩ cách đó không phải. Cùng với huy động, điều quan trọng hơn là phân bổ lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả để khơi thông các dòng chảy của nền kinh tế. Còn nếu cứ đi huy động mãi thì chúng ta sẽ xuống hố chứ không phải là sẽ bay lên nữa!”, ông Cung cảnh báo.
TS Huỳnh Thế Du, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, nhấn mạnh đến yếu tố “công bằng” khi điều hành kinh tế.
“Công bằng hiểu đơn giản là người thổi sáo tốt nhất nên được nhận cây sáo tốt nhất. Khi đó, hiệu quả sẽ tốt lên. Nhưng Việt Nam ngược lại. Thời gian qua, người thổi sáo tệ nhất lại được nguồn lực tốt nhất, cây sáo tốt nhất”, ông Du nói và trách rằng doanh nghiệp nhà nước làm ăn không hiệu quả mà lại được ưu ái nhiều. Còn DN tư nhân làm ăn tốt lúc này bị đóng thuế nhiều và gặp nhiều cản trở để trở lên tốt hơn.
Để kinh tế Việt Nam thay da đổi thịt, thời gian tới chìa khóa là phải làm sao chặn được động cơ khuyến khích ngược trong các lĩnh vực nền kinh tế; tránh kiểu làm tốt lại bị phạt, làm kém lại nhiều lợi ích.
“Nếu không câu chuyện tái cơ cấu hết năm này đến năm khác vẫn bàn mà nền kinh tế không đột phá được”, ông Du nhấn mạnh.
Vietnamnet