10 vụ án trọng điểm trong năm 2022, điển hình vụ Việt Á
Chỉ đạo tại hội nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề nghị các cơ quan nội chính tập trung xét xử sơ thẩm đối với 10 vụ án trọng điểm, trong đó có vụ án xảy ra Công ty Việt Á.
- 21-01-2022Bắt Giám đốc CDC Bắc Giang cùng 2 bị can nhận 44 tỉ đồng của Công ty Việt Á
- 21-01-20227 doanh nghiệp nào đang bị điều tra do liên quan Công ty Việt Á?
- 20-01-2022Công ty Việt Á nhập 3 triệu que test nhanh từ Trung Quốc
Mới đây, tại phiên thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động năm 2021 và cho ý kiến về chương trình công tác năm 2022 của Ban Chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo, cho biết trong năm 2021, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đối với 618 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 132 đảng viên so với năm 2020).
Các bị can trong vụ Việt Á - Ảnh: Bộ Công an cung cấp
Trong năm 2021, cả nước đã khởi tố, điều tra 390 vụ án/1.011 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ. Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau phiên họp thứ 19 đến nay, đã khởi tố 10 vụ án/40 bị can; kết thúc điều tra 15 vụ án/150 bị can; truy tố 16 vụ án/164 bị can; xét xử sơ thẩm 21 vụ án/179 bị cáo, xét xử phúc thẩm 13 vụ án/74 bị cáo.
Đặc biệt, đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp; tiếp tục mở rộng điều tra, kiên quyết, kiên trì đi sâu làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố thêm nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, trong đó 10 trường hợp cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý;
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế để "không thể tham nhũng". Trọng tâm là hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực.
Tổng bí thư đề nghị tập trung chỉ đạo kết thúc điều tra 16 vụ án, kết thúc xác minh, xử lý 40 vụ việc; truy tố 20 vụ án; xét xử sơ thẩm 22 vụ án, xét xử phúc thẩm 1 vụ án theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo. Nhất là, tập trung xét xử sơ thẩm đối với 10 vụ án trọng điểm, gồm:
Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương.
Vụ án "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" xảy ra tại Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận.
Vụ án "Buôn lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả; đưa hối lộ; nhận hối lộ…" xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương.
Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; nhận hối lộ" xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam và Bộ đội biên phòng.
Vụ án "Lạm quyền trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op).
Vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án Biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị.
Vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và các đơn vị có liên quan.
Trong đó đặc biệt vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công" xảy ra tại Công ty Việt Á và một số cơ quan, địa phương.
Người lao động