100% hoa quả Trung Quốc được kiểm dịch, tại sao dân không dám ăn?
Mặc dù Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NNPTNT khẳng định: 100% hoa quả Trung Quốc đều được kiểm dịch thực vật tại cửa khẩu, nhưng người tiêu dùng Việt vẫn rất e ngại, thậm chí không dám ăn. Do bị “tẩy chay”, lượng hoa quả Trung Quốc về chợ đã giảm nhiều và tiêu thụ rất chậm.
- 14-09-2016Thu giữ gần 1 tấn trái cây Trung Quốc và nửa tấn nội tạng "bẩn"
- 17-08-2016Nở rộ trái cây Trung Quốc núp bóng hàng Việt
- 04-08-2016Trái cây Trung Quốc gắn nhãn mác khác bày bán tràn ngập các chợ
100% hoa quả Trung Quốc đều qua kiểm dịch
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Hà - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng 7, Lạng Sơn với PV Báo Lao Động sáng 13.7. Theo bà Nguyễn Thị Hà, với mặt hàng trái cây NK, đơn vị phải thực hiện 2 nghiệp vụ kiểm tra là kiểm dịch thực vật (phát hiện mầm dịch bệnh) và kiểm tra an toàn thực phẩm với hàng hóa có nguồn gốc thực vật (chủ yếu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản có nằm trong danh mục cấm hay vượt ngưỡng cho phép).
Tại thời điểm này, hoa quả vào Việt Nam không nhiều vì chưa phải chính vụ hoa quả. Tại Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), mỗi ngày lượng trái cây nhập từ Trung Quốc về nhiều nhất cũng chỉ khoảng 4-6 tấn. Nếu tính cả hành, tỏi, khoai tây và tất cả các loại nông sản khác cũng chỉ trên 200 tấn/ngày.
Khi hàng đến cửa khẩu, DN nhập khẩu hàng phải đăng ký với cơ quan KDTV tại cửa khẩu để cán bộ lấy mẫu kiểm tra. Theo đó, 100% lô hàng vào cửa khẩu đều phải được lấy mẫu kiểm tra.
Trong 2 năm gần đây, cơ quan KDTV chưa phát hiện ra các đối tượng KDTV có trong lô hàng hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Để kiểm tra ATTP, khi vào cửa khẩu hoa quả sẽ được kiểm tra hồ sơ và kiểm tra ngoại quan, lấy mẫu test nhanh tại chỗ, một số mẫu sẽ được gửi về Cục BVTV để kiểm tra chuyên sâu về dư lượng thuốc BVTV.
“Hàng năm, Cục BVTV chỉ định các mặt hàng có nguy cơ cao phải được gửi mẫu về để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV như táo, lê, cam, quýt… Hai năm nay, các mẫu gửi về để kiểm tra dư lượng thuốc BVTV đều chưa có trường hợp nào phát hiện có dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng” - bà Hà thông tin.
Tại sao người tiêu dùng không dám ăn?
Cũng theo bà Nguyễn Thị Hà, không phải tất cả trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc để nhiều ngày vẫn tươi đều bị ngâm hóa chất độc hại. Thực tế, nếu sử dụng các thuốc BVTV trong danh mục cho phép, các loại trái cây vẫn có thể được bảo vệ an toàn mà không gây độc hại cho người tiêu dùng.
Tại cửa khẩu, trong mấy năm vừa qua việc kiểm tra hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc đều tương đối an toàn, không có dư lượng thuốc BVTV quá mức cho phép.
Trả lời câu hỏi của PV về việc có hay không tình trạng khi vào Việt Nam, chính người kinh doanh Việt Nam “tắm” hóa chất để giữ cho hoa quả lâu hơn, tránh thối hỏng, nhằm giảm thiệt hại trong quá trình vận chuyển và tiêu thụ, bà Nguyễn Thị Hà cho rằng, trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý thị trường và Bộ Y tế.
Trong khi đó, một số người tiêu dùng đã “thí nghiệm” bằng cách mua táo Trung Quốc về để trong phòng vài tháng nhưng táo không hỏng. Do đó người tiêu dùng nghi ngờ chất lượng. Vì vậy, để bảo vệ mình, một số người đã cực đoan tẩy chay: “Tốt nhất là không ăn hoa quả Trung Quốc, vì không biết họ dùng hóa chất gì để bảo quản, những hóa chất đó độc hại đến đâu? liệu có gây ung thư không?” - bà Đặng Mai Linh (Lê Mao - TP. Vinh, Nghệ An) tuyên bố.
Theo TS Trần Đáng - Nguyên Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế), trước đây qua phản ánh của người dân, cơ quan chức năng đã tiến hành xét nghiệm và phát hiện tồn dư một số hóa chất trên hoa quả Trung Quốc (những vụ việc này cũng đã từng khiến dư luận “dậy sóng” - PV).
Tuy nhiên, TS Trần Đáng cho rằng, chính ông đã sang Trung Quốc tìm hiểu về vấn đề ATTP của hoa quả và thấy rằng: Người trồng và các thương nhân Trung Quốc không ngâm, tẩm hóa chất vào hoa quả. Điều đó lý giải tại sao khi vào cửa khẩu các lực lượng chức năng của ta không phát hiện có dư lượng hóa chất BVTV. Vậy, tại sao khi bán trên thị trường, qua hậu kiểm lại phát hiện ra hóa chất?
Phải chăng, chính các thương lái Việt đã tự mua hóa chất về để ngâm tẩm, nhằm bảo quản hoa quả tươi lâu hơn? Thiết nghĩ, để giải tỏa nghi vấn này, các ngành chức năng nên vào cuộc xác minh để người tiêu dùng yên tâm.
Số lượng hoa quả Trung Quốc về chợ giảm mạnh
Sáng 12.7, có mặt tại một số chợ dân sinh, PV nhận thấy người tiêu dùng chủ yếu chọn mua hoa quảViệt Nam. Nếu có nhu cầu để biếu, khách hàng chọn hoa quả Hàn Quốc, Mỹ, Newzland...
“Hoa quả Trung quốc tiêu thụ rất chậm. Chỉ có một số loại như dưa lưới, đào, mận… là người tiêu dùng hỏi mua. Gần đây, người tiêu dùng không mua táo, số lượng người mua nho cũng giảm hẳn bởi nghi ngại có hóa chất bảo quản độc hại” - Bà Phạm Thị Hoài - bán hoa quả tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết.
Tại các chợ dân sinh khác như: Nghĩa Tân, Quan Hoa, Trần Quốc Hoàn, Mơ, Diễn, Minh Khai…, lượng hoa quả Trung Quốc cũng không nhiều và không còn tình trạng hoa quả Trung Quốc tràn ngập thị trường như 2-3 năm trước.
Lao động