12 đồng phạm cùng Trần Bắc Hà gây thất thoát hơn 1.672 tỷ đồng
Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tối cao vừa ban hành cáo trạng đề nghị truy tố 12 bị can là cấp dưới của Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) tại BIDV, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh và BIDV chi nhánh Hà Thành vì đã cho Công ty CP chăn nuôi Bình Hà (là công ty "sân sau" của Trần Bắc Hà) và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng vay trái quy định, gây thất thoát của BIDV số tiền đặc biệt lớn, hơn 1.672 tỷ đồng. Riêng bị cáo Trần Bắc Hà đã qua đời năm 2019.
- 07-04-2020Ông Trần Bắc Hà thị uy cấp dưới để làm lợi “sân sau”
- 30-03-2020Tổng Giám đốc công ty của ông Trần Bắc Hà chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng như thế nào?
- 29-03-2020Vụ án tại BIDV: Sai phạm gây thiệt hại hơn 1.548 tỷ đồng, truy nã quốc tế con trai ông Trần Bắc Hà
Cấp vốn cho dự án của công ty "sân sau" dù có 8 yếu tố rủi ro
Đầu năm 2015, Trần Bắc Hà tới dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh và trao đổi với lãnh đạo tỉnh về chủ trương thành lập dự án chăn nuôi bò giống và bò thịt ứng dụng công nghệ cao tại đây. BIDV cam kết là đơn vị tài trợ vốn và sẽ giới thiệu nhà đầu tư có kinh nghiệm, năng lực, uy tín, sẵn sàng tư vấn trong lĩnh vực này.
Cụ thể là liên danh 2 công ty: Công ty CP Tập đoàn An Phú (Công ty An Phú) và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Sau đó, Trần Bắc Hà có nhiều văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị hỗ trợ đầu tư dự án.
Bị cáo Trần Bắc Hà và con trai Trần Duy Tùng.
Ngày 15-4-2015, Đinh Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà đã ký công văn đề nghị BIDV chấp thuận cung cấp vốn tín dụng cho dự án đầu tư chăn nuôi bò với quy mô 150.000 con, tổng mức đầu tư 4.230 tỷ tại huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh với tổng diện tích 5.668 ha. Trần Duy Tùng, con trai Trần Bắc Hà đang là Tổng Giám đốc Công ty An Phú nên theo quy định, BIDV không được cấp tín dụng cho liên danh này. Do vậy, Trần Bắc Hà đã chủ trương thành lập công ty "sân sau" là Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) gồm 3 cổ đông tham gia góp vốn, trong đó Trần Anh Quang (SN 1982, trú TP Quy Nhơn, Bình Định, cháu họ Trần Bắc Hà, là lái xe cho Trần Duy Tùng) và Thái Thành Vinh (bạn của Tùng) sẽ đứng tên để góp vốn cho Tùng vào Công ty Bình Hà, còn Đinh Văn Dũng (SN 1965, trú TP. Pleiku, Gia Lai) do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu.
Cùng ngày, Ban Khách hàng doanh nghiệp BIDV có tờ trình Ban lãnh đạo và được Phó Tổng Giám đốc ký phê duyệt với nội dung BIDV đồng ý là đầu mối thu xếp tài chính đối với dự án của Công ty Bình Hà trong trường hợp Công ty Bình Hà đáp ứng đầy đủ các yêu cầu và điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật và quy định hiện hành của ngân hàng.
Hai bị can Trần Lục Lang và Kiều Đình Hòa. |
Công ty Bình Hà là công ty mới thành lập, chưa có bất cứ hoạt động kinh tế phát sinh nào, thuộc doanh nghiệp chưa đủ điều kiện xếp hạng theo tiêu chuẩn của BIDV; vốn tự có và tài sản bảo đảm không đủ điều kiện để cấp tín dụng theo chính sách tín dụng của BIDV; hồ sơ pháp lý của dự án chưa đầy đủ, chưa đánh giá hết phương án kinh doanh và phương án trả nợ khi dự án không hiệu quả...
Mặc dù đã đánh giá và thẩm định dự án có 8 yếu tố rủi ro có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án, nhưng theo sự chỉ đạo của Trần Bắc Hà, BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã thẩm định, đề xuất và phê duyệt cho Công ty Bình Hà vay vốn với các điều kiện ưu đãi về vốn tự có và tài sản đảm bảo. Quá trình giải ngân đã không kiểm soát được dòng tiền sau kinh doanh, để các cổ đông Công ty Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân của BIDV và tiền bán bò...
Trong đó, Trần Lục Lang (SN 1967), trú TP Quy Nhơn, Bình Định lúc này là Phó Tổng Giám đốc BIDV phụ trách Quản lý rủi ro, Thành viên Phân ban quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư dù thống nhất với 8 rủi ro mà Tổ thẩm định chung đưa ra, đồng thời nêu thêm 4 khó khăn trong quá trình triển khai dự án nhưng vẫn đề xuất HĐQT quyết định cho vay.
Quá trình giải ngân vốn vay đã 8 lần đề xuất HĐQT sửa đổi điều kiện cấp tín dụng, nới lỏng chính sách ưu đãi ban đầu. Khi Công ty Bình Hà làm ăn thua lỗ, có đề xuất của BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, bị can này không tham mưu cho HĐQT dừng giải ngân mà vẫn tiếp tục đề xuất gia hạn thời hạn cấp tín dụng và đề nghị cấp hạn mức tín dụng năm 2017.
Các bị can: Đoàn Ánh Sáng, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam. |
Các bị can: Đoàn Ánh Sáng (SN 1961), trú huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khách hàng doanh nghiệp, Thành viên Phân ban quản lý rủi ro tín dụng, đầu tư; Kiều Đình Hòa (SN 1961), trú TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh, Tổ phó Tổ thẩm định chung; Lê Thị Vân Anh (SN 1984), trú TP Hà Tĩnh, Trưởng Phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đều tham gia tích cực các hành vi trên, gây thất thoát cho BIDV gần 800 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đinh Văn Dũng và các đồng phạm còn có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tiền bán bò. Theo quy định, tiền bán bò thu về từ các Công ty môi giới và các lò mổ phải chuyển về tài khoản của Công ty Bình Hà tại BIDV chi nhánh Hà Tĩnh để ngân hàng kiểm soát và đối trừ công nợ. Do không có tiền góp vốn nên theo sự chỉ đạo của Trần Duy Tùng, các bị can: Đinh Văn Dũng, Trần Anh Quang và Thái Thành Vinh đã chiếm đoạt tiền bán bò để góp vốn cá nhân, chứng minh vốn đối ứng với BIDV, để BIDV tiếp tục giải ngân vốn vay và sử dụng vào mục đích cá nhân khác. Tổng số tiền các bị can chiếm đoạt của BIDV là hơn 149,5 tỷ đồng. Quá trình điều tra, các bị can đã khắc phục 128 tỷ đồng, hiện còn chiếm đoạt 26 tỷ đồng.
Cho vay vốn trái quy định, không giám sát vốn vay
Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) do Đoàn Hồng Dũng (SN 1961), trú tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội làm Giám đốc. Tháng 8-2011, mặc dù thẩm định, đánh giá tình hình tài chính của Công ty Trung Dũng gặp khó khăn, chỉ tiêu tài chính phản ánh khả năng thanh toán chưa đảm bảo, tỷ lệ tài sản đảm bảo trên giá trị hạn mức tín dụng đề nghị được cấp chưa đáp ứng chính sách tín dụng của BIDV, dư nợ có rủi ro... nhưng các bị can: Ngô Duy Chính (SN 1963), trú quận Long Biên, Hà Nội, nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành; Nguyễn Xuân Giáp (SN 1974), trú quận Tây Hồ, Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành; Phạm Hồng Quang (SN 1979), trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp I, BIDV chi nhánh Hà Thành và Đặng Thanh Nam (SN 1981), trú quận Ba Đình, Hà Nội, nguyên cán bộ quản lý khách hàng BIDV chi nhánh Hà Thành vẫn thực hiện cấp hạn mức tín dụng ngắn hạn 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng.
Bị can Đoàn Hồng Dũng. |
Quá trình cho vay theo hạn mức, do áp lực từ sự chỉ đạo của Trần Bắc Hà, các bị can Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang, Đặng Thanh Nam đã quyết định giải ngân cho công ty vay 26 khoản còn dư nợ, trong đó có 20 khoản giải ngân không đáp ứng đúng tỷ lệ tài sản đảm bảo, 1 khoản giải ngân cho vay để đảo nợ.
Đối với tất cả các khoản vay trên, các bị can đã không kiểm soát được tiền bán hàng của doanh nghiệp để thu nợ, không kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay của Công ty Trung Dũng đối với các khoản giải ngân để mua phôi thép, dẫn đến còn dư nợ hơn 601 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.
Tại thời điểm tháng 11-2011, Công ty Trung Dũng đã gặp nhiều khó khăn về tài chính, dư nợ gần hết hạn mức được cấp, các chỉ tiêu tài chính ngày càng xấu nhưng các bị can trên vẫn đề xuất BIDV phê duyệt phát hành L/C theo món cho Công ty Trung Dũng BIDV chi nhánh Hà Thành với số tiền 18,87 triệu USD (+- 5%) và 2,397 triệu USD (+- 10%) để nhập khẩu phôi thép, thép phế.
Sau khi phát hành L/C, các bị can không thực hiện đúng các điều kiện tín dụng được BIDV phê duyệt, giao Công ty Trung Dũng tự quản lý hàng hóa mà không kiểm tra, giám sát để doanh nghiệp tự ý bán toàn bộ lô phôi thép, thép phế là tài sản đảm bảo cho khoản phát hành L/C. Đến hạn thanh toán L/C, BIDV chi nhánh Hà Thành đã phát vay bắt buộc để Công ty Trung Dũng thanh toán tiền nhập khẩu phôi thép và thép phế cho đối tác nước ngoài tổng số tiền hơn 16,8 triệu USD (tương đương hơn 350,7 tỷ đồng).
BIDV đã xử lý tài sản đảm bảo, thu nợ được hơn 4,1 triệu USD (tương đương hơn 87,1 tỷ đồng). Đến nay còn dư nợ hơn 12,6 triệu USD, tương đương hơn 263,5 tỷ đồng không có khả năng thanh toán.
Cơ quan điều tra đọc lệnh bắt bị can Đinh Văn Dũng. |
Hành vi trên của các bị can vi phạm quy định về quy chế cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng quy định về điều kiện vay vốn, những nhu cầu vốn không được cho vay, thẩm định và quyết định cho vay, kiểm tra, giám sát vốn vay; quy định Luật các tổ chức tín dụng quy định về kiểm tra sử dụng tiền vay, gây thiệt hại cho BIDV gần 865 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ tháng 2 đến tháng 3-2012, lợi dụng sự tin tưởng của BIDV giao cho Công ty Trung Dũng tự quản lý lô hàng nhập khẩu là tài sản đảm bảo cho khoản phát hành L/C, Đoàn Hồng Dũng đã thống nhất với Nguyễn Thị Thanh Sơn dùng thủ đoạn gian dối, sử dụng pháp nhân của Công ty Hà Nam, Công ty Đầu tư Trung Dũng để ký hợp đồng mua thép phế và phôi thép của Công ty Trung Dũng, sau đó bán cho Công ty TISCO, nhằm tránh sự kiểm soát dòng tiền của BIDV đối với Công ty Trung Dũng.
Tiền thu được từ việc bán hàng, Dũng và Sơn không chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dũng tại BIDV để thanh toán cho đối tác nước ngoài khi đến hạn như đã cam kết, mà dùng để trả nợ cho Công ty Hà Nam, Công ty Trung Dũng và sử dụng vào mục đích khác.
Tổng số tiền các bị can đã chiếm đoạt của BIDV là hơn 12,6 triệu USD, tương đương hơn 263,5 tỷ đồng. Hiện Công ty Trung Dũng không có khả năng trả nợ.
Trên cơ sở kết luận điều tra, VKSND tối cao đã quyết định truy tố các bị can: Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng, Kiều Đình Hòa, Lê Thị Vân Anh, Ngô Duy Chính, Nguyễn Xuân Giáp, Phạm Hồng Quang và Đặng Thanh Nam về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng", quy định tại Khoản 3, Điều 179 Bộ luật Hình sự năm 1999. Đồng thời truy tố Đoàn Hồng Dũng, Trần Anh Quang, Đinh Văn Dũng, Nguyễn Thị Thanh Sơn về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", quy định tại Khoản 4, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Công an nhân dân