12 năm sau thương vụ M&A có giá gần 4.000 tỷ đồng, Diana trong tay đại gia Nhật đang kinh doanh ra sao?
Năm 2011, khi mà lãi suất vay VND lên tới 20%/năm thậm chí 24% - 25%/năm, ông chủ của Diana đã quyết định gật đầu với lời đề nghị mua lại của Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản).
- 05-07-2023Đại gia tã bỉm Diana Unicharm phân phối thức ăn cho mèo, tiến công thị trường chăm sóc thú cưng nửa tỷ USD của Việt Nam
- 05-08-2020Diana Unicharm chung tay hỗ trợ tuyến đầu, cùng Đà Nẵng phòng, chống Covid-19
Mức giá khi đó được đưa ra là 184 triệu USD (khoảng gần 4.000 tỷ đồng) cho 95% cổ phần của Diana, theo con số được The Asset, tạp chí tài chính hàng đầu châu Á, nhắc đến khi trao giải thưởng cho các thương vụ tốt nhất châu Á năm 2011, trong đó có Diana của Việt Nam.
Vào năm 2011, đây là một trong những thương vụ M&A có giá trị lớn nhất đối với một doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam.
Công ty Diana bắt đầu được anh em ông Đỗ Anh Tú và Đỗ Minh Phú thành lập từ năm 1997 với số vốn 600.000 USD. Ở thời điểm Diana ra đời thì băng vệ sinh Kotex thuộc Tập đoàn đa quốc gia Kimberly-Clark (Mỹ) đã có mặt 6 năm tại Việt Nam và được biết đến rộng rãi tại 2 thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội.
Khi đó, mặc dù là tân binh mới ra đời nhưng Diana đã mạnh dạn đầu tư trang thiết bị công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm và chịu chi cho công tác quảng bá sản phẩm. Những năm đầu, các TVC quảng cáo sản phẩm xuất hiện với tần suất dày dặc trên sóng truyền hình. Đỉnh điểm năm 2010, slogan "Là con gái thật tuyệt" của Diana đã tạo được dấu ấn mạnh mẽ và đi vào nhận thức của mọi người.
Diana nhanh chóng phát triển và trở thành là thương hiệu có được thị phần lớn trên thị trường và cạnh tranh ngang hàng với Kotex ở hầu hết các dòng sản phẩm từ băng vệ sinh, đến tã bỉm Bobby, tã người lớn, khăn giấy…
Năm 2010, Diana đạt được doanh thu 1.020 tỷ đồng và lợi nhuận 40 tỷ đồng và ngay năm sau, thông tin Diana được bán cho Tập đoàn Unicharm (Nhật Bản) với mức giá 184 triệu USD khiến giới quan sát bất ngờ và bàn tán xôn xao.
Unicharm là một tập đoàn có tiềm lực tài chính lớn mạnh và đã gặt hái thành công ở nhiều nước Đông Nam Á nhưng sau thời gian đưa sản phẩm của mình như băng vệ sinh Sofy và tã giấy Mamy Poko vào Việt Nam không có được thành công nên đã quyết định tìm đến con đường M&A với Diana. Diana khi này đã xây dựng được những thứ mà Unicharm cần đó là thương hiệu và hệ thống phân phối.
Ngược lại, Diana cũng có những lý do để chấp nhận lời đề nghị M&A này. Đầu tiên là sau thời gian phát triển mạnh, thương hiệu này cũng bắt đầu gặp ngưỡng ca tăng trưởng thị phần trong nước. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô với nền lãi suất cao vào năm 2011 khiến cho các doanh nghiệp sản xuất đều bị đội chi phí vốn. Một yếu tố nữa được báo chí khi đó phân tích là tham vọng muốn đưa sản phẩm thương hiệu Diana ra toàn cầu.
Diana sau khi về tay Unicharm ra sao?
Nếu sau khi bán cổ phần tại Diana, ông Phú lấn sân sang mảng ngân hàng với việc mua lại cổ phần của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) đúng thời điểm năm 2011 khi nhà băng này đang đối diện với muôn vàn khó khăn: nợ xấu, lỗ, thuộc diện "yếu kém" cần cơ cấu thì người anh em của ông là ông Tú vẫn tiếp tục ở lại sát cánh cùng Diana.
Thay vì chỉ dự định "nán lại", ông Tú tiếp tục chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động sản xuất kinh doanh, giữ cương vị Tổng giám đốc điều hành hơn 10 năm sau sát nhập. Những nhân sự cấp cao của Tập đoàn Unicharm khi sang Việt Nam thường sẽ đảm nhận các vị trí Phó Tổng giám đốc để sát cánh, hỗ trợ ông, cho thấy sự tin tưởng của tập đoàn Nhật Bản vào vị thuyền trưởng này.
Hiện tại bên cạnh vị trí Phó Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Diana thuộc tập đoàn Unicharm, Nhật Bản, ông Tú còn là Phó Chủ tịch HĐQT TPBank; Chủ tịch HĐQT công ty CP Chứng khoán Tiên Phong.
Trong hơn một thập kỷ, ông Tú đã vận dụng các thế mạnh về công nghệ hiện đại, các tiêu chuẩn quản lý sản xuất và chất lượng “khắt khe” từ công ty mẹ, kết hợp các giá trị cốt lõi vững chắc của Diana trước đó dẫn dắt liên doanh này gặt hái các thành tựu.
Sau khi về tay Unicharm mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong 10 năm liên tiếp của Diana gấp đôi mức tăng trưởng của ngành mặc dù sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt với sự phổ biến của các loại băng vệ sinh ngoại nhập.
Năm 2020, Diana Unicharm đạt doanh thu hơn 7.700 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 1.200 tỷ đồng tăng gần 30 lần so với thời điểm năm 2010.
Về phía Tập đoàn Unicharm, vào năm 2017, đúng sau hơn 5 năm, liên doanh Diana Unicharm đã trở thành nhà sản xuất số một Việt Nam chuyên về chăm sóc vệ sinh cá nhân trên cả 3 ngành hàng chăm sóc phụ nữ, chăm sóc trẻ em và chăm sóc người cao tuổi, thực hiện thành công tham vọng “trở thành số 1” tại các thị trường Tập đoàn kinh doanh. Đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường trọng điểm của Tập đoàn tại Châu Á.
Một điều đáng nói, mặc dù đã 12 năm về tay Unicharm nhưng tập đoàn Nhật Bản này vẫn giữ nguyên tên thương hiệu Diana.
Nhịp sống thị trường