MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

12 suy ngẫm về công việc của một người đi làm 10 năm: Bận rộn chưa chắc làm việc hiệu quả, văn hoá của công ty là trả lương đúng ngày

09-09-2020 - 21:56 PM | Sống

"Không phải ai đi làm 10 năm cũng có 10 năm kinh nghiệm, vì có rất nhiều người làm 10 năm chỉ có mỗi 1 năm kinh nghiệm mà thôi" - Hạ Chi viết.

Mới đây, bài viết chia sẻ 12 điều suy ngẫm về công việc sau nhiều năm đi làm của tác giả trẻ Hạ Chi đã nhận được nhiều sự chú ý trên MXH. Hạ Chi là tác giả sách "Người viết kiếm sống" và nhiều cuốn sách khác. Cô có nhiều năm công tác trong lĩnh vực báo chí và Marketing.

Những chia sẻ của Hạ Chi đều rất thực tế và chắc chắn sẽ khiến bạn đồng cảm cũng như suy ngẫm về cách làm việc, những giá trị trong công việc mà mình đang theo đuổi.

12 suy ngẫm về công việc của một người đi làm 10 năm: Bận rộn chưa chắc làm việc hiệu quả, văn hoá của công ty là trả lương đúng ngày - Ảnh 1.

Hạ Chi là tác giả của cuốn "Người viết kiếm sống"

1. Không phải ai đi làm 10 năm cũng có 10 năm kinh nghiệm, vì có rất nhiều người làm 10 năm chỉ có mỗi 1 năm kinh nghiệm mà thôi. Đó là vì năng lực và kiến thức của họ bị kẹt lại sau năm làm việc đó. Họ là những người không học thêm, không suy nghĩ để cải thiện vấn đề, không tăng năng lực hay năng suất và không cập nhật cái mới.

2. Cuộc sống tiến về phía trước, mỗi ngày yêu cầu về công việc sẽ càng cao hơn. Hôm nay là người giỏi chưa chắc tuần sau, tháng sau cũng giỏi. Vì vậy đi làm thì phải tìm cách phát triển. Và phải phát triển nhanh hơn tốc độ công việc yêu cầu, nếu không sẽ giống như chiếc xe đạp ngược gió, phải tốn nhiều sức mới thắng được lực cản.

12 suy ngẫm về công việc của một người đi làm 10 năm: Bận rộn chưa chắc làm việc hiệu quả, văn hoá của công ty là trả lương đúng ngày - Ảnh 2.

3. Công việc đòi hỏi sự tỉnh thức (hay chánh niệm). Ở Làng Mai, cứ 30 phút chuông chánh niệm vang lên một lần để kéo mọi người đi từ sự mất tập trung, lan man về lại chánh niệm. Lúc đi làm dĩ nhiên không nên gõ chuông, nhưng nên quản lý sự tập trung của mình và tự kéo bản thân khỏi những phân tâm.

4. Sự bận rộn không phải là làm việc hiệu quả. Thế nhưng, khi không có cách đo lường hiệu quả, chúng ta sẽ dùng sự bận rộn để chứng tỏ mình làm việc, và lao vào những việc mà ta hiện diện tốt nhất như trả lời mail, trả lời tin nhắn, tham gia mọi cuộc họp, xuất hiện trong mọi cuộc nói chuyện…

5. Chính gì vậy cần đánh giá được cái gì là ưu tiên của mình và tạo ra giá trị lâu dài, từ đó chắc chắn là mình dành thời gian cho đúng việc.

6. Sếp được trả lương cao vì phải chịu trách nhiệm ra quyết định. Muốn có lương cao, hãy bắt đầu bằng chuyện ra quyết định và chịu trách nhiệm.

12 suy ngẫm về công việc của một người đi làm 10 năm: Bận rộn chưa chắc làm việc hiệu quả, văn hoá của công ty là trả lương đúng ngày - Ảnh 3.

7. Có 3 kiểu người khó chết đói dù tình hình có thế nào: Một là người lao động có tay nghề cao, biết sử dụng tốt các công cụ, nhanh chóng cập nhật kỹ năng mới. Hai là những người giỏi nhất trong lĩnh vực của họ, có tầm ảnh hưởng và tạo ra / đánh giá xu hướng. Ba là những người có nguồn vốn để đầu tư và sở hữu hệ thống làm việc cho họ (theo nghiên cứu của Brynjolfsson và Andrew McAfee).

Dĩ nhiên cũng có kiểu thứ 4, là kiểu được 3 kiểu trên nuôi nhờ... nấu cơm ngon.

8. Công việc mỗi ngày khá là vô nghĩa nếu mình không tự khen thưởng, động viên chính mình.

9. Ghi nhật ký công việc không chỉ giúp làm việc tốt hơn, mà còn là liệu pháp tâm trí rẻ tiền nữa. Đôi lúc còn có thể in thành sách bán.

12 suy ngẫm về công việc của một người đi làm 10 năm: Bận rộn chưa chắc làm việc hiệu quả, văn hoá của công ty là trả lương đúng ngày - Ảnh 4.

10. Nghiên cứu chỉ ra làm việc dễ chịu và vui vẻ hơn là ở không, vì chúng ta thấy ý nghĩa đời mình trong sự nỗ lực vượt khó và vượt qua các giới hạn của bản thân. Nói cách khác, rảnh rỗi sinh nông nổi, không có gì làm dễ gây trầm cảm hơn bận rộn.

11. Dĩ nhiên, cũng nên học cách thanh thản khi không làm gì, và cai nghiện bận rộn. Đúng lúc đúng việc mới tốt.

12. Văn hoá doanh nghiệp đơn giản là "trả lương đúng ngày". Sau đó thì tính tiếp.

Ảnh: Facebook NV, Pinterest


Theo Đăng Hoài

Pháp luật và bạn đọc

Trở lên trên