MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

12.100 tỉ khắc phục thiệt hại từ Formosa

Toàn bộ kinh phí bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa sẽ được giải ngân và quyết toán trước ngày 31-12-2016.

Ngày 5-10, Bộ NN&PTNT hoàn thành đề án xác định thiệt hại để bồi thường, hỗ trợ, khôi phục, phát triển sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.

Đội lên 600 tỉ so với số tiền bồi thường của Formosa

Theo đề án của Bộ NN&PTNT, kinh phí thực hiện đề án bồi thường thiệt hại được dự kiến là 12.100 tỉ đồng. Trong khi kinh phí bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa (gọi tắt là Formosa) là 11.500 tỉ đồng. Như vậy, số tiền phải huy động từ nguồn ngân sách và nguồn khác để bù vào là 600 tỉ đồng

Cụ thể như sau: Kinh phí bồi thường thiệt hại 6.500 tỉ đồng; kinh phí xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường biển 500 tỉ đồng; phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản, rạn san hô, thảm cỏ biển 920 tỉ đồng; kinh phí thành lập quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản cấp tỉnh 300 tỉ đồng; kinh phí để thực hiện các chính sách: 2.280 tỉ đồng. Cùng đó, dự phòng kinh phí bồi thường thiệt hại: 1.000 tỉ đồng; kinh phí để thực hiện các chính sách: 500 tỉ đồng; kinh phí hành chính thực hiện đề án: 100 tỉ đồng.

Toàn bộ kinh phí bồi thường của Công ty Formosa sẽ được giải ngân và quyết toán trước ngày 31-12-2016.

Học sinh, sinh viên được hỗ trợ học phí

Dự thảo đề án cũng đưa ra các phương án hỗ trợ khôi phục an sinh xã hội. Cụ thể, với người học nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng được hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo nghề bao gồm học phí, sinh hoạt phí… Bên cạnh đó, người học được hỗ trợ thêm tiền ăn, chi phí đi lại (mức 30.000 đồng/người/ngày thực học và hỗ trợ tiền đi lại 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo cách nơi cư trú từ 15 km trở lên).

Đối với người học trình độ trung cấp, CĐ được hỗ trợ toàn bộ học phí cho một khóa đào tạo. Trường hợp đang theo học thì hỗ trợ học phí cho thời gian còn lại của khóa đào tạo kể từ tháng 4-2016. Học sinh phổ thông và sinh viên ĐH trong và ngoài công lập được hỗ trợ 100% học phí trong ba năm học (2016 đến 2019).

Đề án cũng nêu rõ đối với những người có nhu cầu chuyển đổi nghề, tìm việc làm mới trong nước sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí tại các trung tâm dịch vụ việc làm. Đồng thời ưu tiên lựa chọn tham gia các dự án, hoạt động thực hiện chính sách việc làm công về khôi phục, tái tạo môi trường biển, phát triển du lịch tại địa phương… Đề án cũng quy định người dân bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển sẽ được ưu tiên đi làm việc ở nước ngoài bằng những nghề phù hợp với ngư dân vùng biển. Cụ thể, đánh bắt gần bờ tại Đài Loan, Hàn Quốc, thực tập sinh chi phí thấp tại Nhật Bản, đánh bắt gần bờ và xây dựng tại Thái Lan…

Những con số thiệt hại

• Số tàu thuyền khai thác hải sản (có lắp máy) của bốn tỉnh là 16.444 chiếc, với khoảng 50.000 người bị ảnh hưởng trực tiếp và 176.334 người phụ thuộc.

• Số tàu khai thác hải sản không lắp máy phải nằm bờ là 5.262 tàu bị ảnh hưởng với trên 13.150 lao động trực tiếp không có việc làm và không có thu nhập.

• Sản lượng hải sản khai thác ở vùng biển trong 20 hải lý bị thiệt hại ước tính khoảng 3.200 tấn/tháng.

• Diện tích nuôi tôm bị chết hoàn toàn là 5,7 ha tương đương 9 triệu tôm giống và khoảng 7 tấn tôm thương phẩm sắp đến kỳ thu hoạch.

• Trên 3.000 ha nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh đã thả giống bị ảnh hưởng (do không lấy nước kịp), trong đó có trên 350 ha nuôi tôm bị chết rải rác.

• Có 3.218 lồng nuôi cá bị chết tương đương 1.000 tấn cá.

• Giá bán các sản phẩm hải sản giảm mạnh, trung bình từ 20% đến 30% so với cùng kỳ năm 2015. Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm hải sản từ thị trường của bốn tỉnh bị ảnh hưởng giảm sút nghiêm trọng. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh hải sản đã hạ giá bán, thậm chí chấp nhận bán lỗ nhưng vẫn khó tiêu thụ trên thị trường.

Theo Đặng Trung - Viết Long

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên