MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

15.000 ca tử vong/tuần do Covid-19 là không thể chấp nhận được

18-08-2022 - 16:42 PM | Tài chính quốc tế

Đó là lời khẳng định của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ông cho rằng sống chung với Covid-19 phải đi liền với giảm nhập viện, giảm tử vong trong đó vắc-xin là công cụ quan trọng nhất.

Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh toàn cầu tối 17-8, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong 4 tuần qua, số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu đã tăng 35 so với tháng trước đó.

Chỉ riêng tuần qua đã có 15.000 người chết vì căn bệnh mà nhân loại đã có rất nhiều công cụ để đối phó.

15.000 ca tử vong/tuần do Covid-19 là không thể chấp nhận được - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus - Ảnh: WHO

"Có rất nhiều lời bàn tán về việc học cách sống chung với loại virus này. Nhưng chúng ta không thể sống với 15.000 ca tử vong mỗi tuần. Chúng ta không thể sống với những lần nhập viện và tử vong ngày càng nhiều. Chúng ta không thể sống với sự tiếp cận bất bình đẳng đối với vắc-xin và các công cụ khác" - tiến sĩ Tedros khẳng định.

Ông cảnh báo với thời tiết lạnh hơn đang đến gần ở Bắc bán cầu, cũng là lúc mọi người dành nhiều thời gian hơn ở trong nhà, nguy cơ lây truyền sẽ dữ dội hơn và số ca nhập viện sẽ tăng lên trong vài tháng tới, không chỉ vì Covid-19 mà còn vì các bệnh khác như cúm.

Các báo cáo của WHO đã chỉ ra tình hình phức tạp vài tuần qua ở Úc, quốc gia đang đánh vật với cả Covid-19, cúm và mùa đông và có tỉ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất Tây Thái Bình Dương. Hiện đỉnh dịch ở nước này đã qua, số ca tuần trước chỉ còn 171.173 nhưng tỉ lệ tử vong vẫn ở mức cao là 2,1 ca tử vong mới trên 100.000 dân.

Quá tải bệnh viện cũng là một mối lo khác. Ở quốc gia có nhiều ca Covid-19 nhất thế giới suốt 4 tuần liên tiếp là Nhật Bản (tuần qua có gần 1,4 triệu ca), tỉ lệ tử vong cũng đang tăng lên 1,3 triệu ca/100.000 dân. Phần lớn các nước trên thế giới tỉ lệ tử vong thường dưới 0,5 ca/100.000 dân trong làn sóng Omicron này.

Giữa bối cảnh đó, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh "Không ai trong chúng ta bất lực" và khuyến cáo mọi người nên đi tiêm phòng ngay nếu chưa tiêm vắc-xin; và nếu bạn đã đến hạn tiêm nhắc lại, hãy đi tiêm ngay 1 mũi.

Ông cũng kêu gọi nỗ lực bình đẳng trong vắc-xin Covid-19 và các công cụ khác ví dụ như xét nghiệm, thuốc điều trị bởi thực tế vẫn có nhiều quốc gia đang phát triển chưa thể có đủ vắc-xin để triển khai các chiến dịch tiêm chủng tăng cường, thậm chí ở một số nước nghèo nhất vẫn còn thiếu vắc-xin cho các mũi cơ bản.

"Học cách sống chung với Covid-19 không có nghĩa là chúng ta giả vờ như không có nó ở đó. Nó có nghĩa là chúng ta sử dụng các công cụ chúng ta có để bảo vệ chính mình và bảo vệ những người khác" - Tiến sĩ Tedros nói.

Mỹ vất vả vì "lỗ hổng vắc-xin"?

Một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới đón "sóng" BA.5 hiện vẫn có số ca mắc thuộc hàng "top" thế giới và số ca tử vong cao nhất thế giới, đó là nước Mỹ. Theo báo cáo dịch tễ mới nhất của WHO, trong số hơn 15.000 ca tử vong do Covid-19 tuần qua trên thế giới, Mỹ chiếm tới hơn 2.900 ca.

Một phân tích hồi cuối tháng 7 tại nước này, được đài CNBC đăng tải, chỉ ra cho đến thời điểm đó chỉ 48,1 người Mỹ đã "đạt chuẩn" về vắc-xin, tức đã tiêm đủ mũi cơ bản lẫn mũi tăng cường. Lỗ hổng tiêm chủng này được coi là rắc rối hàng đầu khiến nước Mỹ đau đầu vì các làn sóng Covid-19 dù là quốc gia hàng đầu về sản xuất vắc-xin, thuốc điều trị...

Theo giáo sư miễn dịch học và vi sinh vật học Ross Kedl từ Đại học Y khoa Colorado - Mỹ Ross Kedl, rắc rối lớn là tác dụng chống nhập viện của vắc-xin giảm xuống sau 4 tháng tiêm chủng, nhất là ở người trên 50 tuổi thì sau 4 tháng chỉ còn 55%. Tuy nhiên tin mừng là một nghiên cứu từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho thấy mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4) đã giúp mức bảo vệ đó tăng lên 80% chỉ sau 1 tuần.

Giáo sư Kedl thừa nhận khả năng bảo vệ chống lại lây nhiễm đã giảm đi nhiều đối với BA.5, chỉ sau 3-4 tháng tiêm. Nhưng đó không phải lý do để tránh tiêm bởi một ít trợ giúp tốt hơn là không có chút nào.

Hiện các nhà sản xuất vắc-xin trên thế giới như Moderna, Pfizer, Novavax... đang theo đuổi vắc-xin Covid-19 thế hệ mới nhắm Omicron nhằm tăng độ hiệu quả trong việc bảo vệ chống lây nhiễm. Đã có loại đầu tiên của Moderna được Anh phê duyệt.

Tuy nhiên khuyến cáo chung từ WHO và các cơ quan y tế khác đối với người dân là không nên chờ, nhất là khi làn sóng Covid-19 đang ập đến nơi bạn sinh sống. Vắc-xin Covid-19 "truyền thống" vẫn phát huy tốt khả năng chống nhập viện, chống tử vong và nếu bạn tiêm nó bây giờ, bạn vẫn có thể tiêm tiếp vắc-xin thế hệ mới trong vài tháng nữa nếu chúng ra đời.

Theo Thu Anh

Người Lao động

Trở lên trên