MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

17 dự án ODA phải rà soát, cắt, chuyển vốn

Nghịch lý vốn có sẵn nhưng không được “tiêu” diễn ra ở nhiều dự án sử dụng vốn vay Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Bộ KH&ĐT vừa yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt, chuyển vốn của 17 dự án vay vốn ODA của Ngân hàng thế giới (WB) do chậm tiến độ và thiếu vốn đối ứng.

Tiến độ “rùa bò”, vốn đối ứng nhỏ giọt

Phần lớn dự án nằm trong danh sách đen chậm giải ngân vốn ODA thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông, y tế. Nguyên nhân khiến dự án có nguy cơ cắt, giảm vốn do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB), dẫn đến chậm tiến độ thi công.

Điển hình là Dự án giao thông đô thị Hải Phòng với hiệp định tài trợ 175 triệu USD của WB và hơn 101 triệu USD vốn đối ứng của Hải Phòng. Dự án khởi công tháng 12/2013, dự kiến hoàn thành trong năm 2016. Tuy nhiên, hiện nay, các gói thầu xây lắp đều chậm tiến độ, chỉ đạt từ 10% đến 20% kế hoạch do vướng mắc trong GPMB. Phần mặt bằng đã giao không đủ để các nhà thầu triển khai thi công đồng loạt, đẩy nhanh tiến độ.

Thi công chậm, kéo dài năm này qua năm khác dẫn đến giải ngân “rùa bò”. Năm 2013, dự án giải ngân chỉ đạt 146 tỷ đồng/400 tỷ đồng. Năm 2014, giải ngân đạt 310 tỷ đồng/628 tỷ đồng. Riêng năm 2015, dự án gặp khó khăn do thành phố chỉ bố trí được 120 tỷ đồng/900 tỷ đồng vốn đối ứng. Cuối 2016, dự án phải đóng khoản tài trợ nhưng còn 92,5 triệu USD trên tổng số 175 triệu USD chưa “tiêu” hết.

Danh sách các dự án hạ tầng giao thông đô thị quy mô lớn sử dụng vốn vay ODA bị WB đưa vào diện cảnh báo về tiến độ có xu hướng dài ra. Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi phê duyệt từ 24/5/2011 và kết thúc giải ngân tháng 10/2018, nhưng đến nay giải ngân chưa đến 15% nguồn vốn, (còn 521 triệu USD chưa giải ngân trên tổng số 613 triệu USD phê duyệt).

Theo ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng Cty đầu tư phát triển đường Cao tốc Việt Nam, chủ đầu tư dự án, tất cả gói thầu xây lắp đều “rớt” tiến độ, chậm 1 tháng so với kế hoạch điều chỉnh, mới đạt 32%. Ông Trần Đức Hoàng, Phó Giám đốc điều hành gói thầu số 2 cho hay, có những vị trí nhà thầu huy động máy móc hơn năm nay nhưng “đắp chiếu” vì không có mặt bằng.

Ngoài ra, các dự án sắp hết thời hạn hoặc đã đóng gói tài trợ nhưng chưa giải ngân như: Dự án phát triển hạ tầng giao thông Mê Kông hết hạn nửa năm, vẫn còn 94 triệu USD chưa giải ngân trên tổng số 363,7 triệu USD vốn cam kết; Dự án hỗ trợ y tế Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng còn 130 triệu USD chưa giải ngân trên tổng số 150 triệu USD được phê duyệt.

Nguyên nhân khác khiến dự án vào danh sách đen là thiếu vốn đối ứng, (cho giải phóng mặt bằng, tái định cư…) do ngân sách Trung ương và địa phương hạn chế.

Rà soát đẩy nhanh tiến độ

Theo ông Lê Quang Mạnh, Vụ trưởng Kinh tế Đối ngoại (Bộ KH&ĐT), việc yêu cầu rà soát 17 dự án vay vốn ODA của WB nhằm khắc phục, đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành. Thiếu vốn đối ứng do ngân sách quốc gia hạn chế.

“Việc ra công văn yêu cầu rà soát các dự án vay vốn ODA được thực hiện hằng năm, nhằm kiểm tra, tìm giải pháp cho công trình chậm tiến độ. Về tốc độ giải ngân so với các quốc gia khác, tỷ lệ của Việt Nam chậm hơn một phần do khó khăn trong sắp xếp vốn đối ứng”, ông Mạnh nói.

Phát biểu tại Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam, diễn ra tháng 12/2015 tại Hà Nội, ông Eric Sidgwick – Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển Châu Á tại Việt Nam nhấn mạnh: Khả năng tận dụng tối đa nguồn ODA của Việt Nam khá hạn chế.

Nguyên nhân do sự khác biệt về chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư giữa Việt Nam và nhà tài trợ; sự khác biệt về mức giá đền bù giữa các địa phương; thay đổi chính sách về giải phóng mặt bằng và tái định cư làm tăng chi phí… Điều này đã làm kéo dài quá trình chuẩn bị và phê duyệt dự án, làm giảm hiệu suất và hiệu quả nguồn tài chính bên ngoài đối với hỗ trợ hạ tầng.

Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, nguyên viện trưởng Viện Chiến lược phát triển đánh giá, vốn đối ứng nhỏ giọt do bội chi ngân sách, áp lực trả nợ công lớn. Hơn nữa, quy trình đầu tư các dự án ODA chưa khớp nối. Khi ký kết, mọi điều khoản đã được thông qua nhưng Việt Nam gặp khó khăn trong quá trình thực hiện.

“Nếu cứ kéo dài việc chậm giải ngân, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút vốn ODA của Việt Nam. Các nhà thầu, địa phương có dự án cần giải quyết vướng mắc để dự án đúng tiến độ, tránh gây lãng phí. Hơn nữa, trong các chương trình hội thảo, dự án, WB luôn hỗ trợ cải cách, nhắc nhở để Việt Nam sử dụng có hiệu quả vốn ODA”, ông Hồ nói.

Các dự án bị Bộ KH&ĐT yêu cầu rà soát, cắt chuyển vốn lên tới gần 3,2 tỷ USD, gồm: Giao thông đô thị Hải Phòng; Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi; Phát triển giao thông đô thị Hà Nội; Hỗ trợ Y tế Đông bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng; Phát triển hạ tầng giao thông Mekong; Quản lý rác thải bệnh viện; Nâng cấp đô thị khu vực đồng bằng Mekong…

Theo Quỳnh Nga

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên