'2 Phải 4 Không' để phòng lừa đảo trực tuyến
Lực lượng Công an đề nghị người dân ghi nhớ, thực hiện tốt khẩu hiệu: "2 Phải 4 Không" để phòng, chống, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ tài sản.
- 17-01-2024"Phú bà" chi 600 triệu mua đồ dùng xa xỉ do doanh nhân nổi tiếng bán online, nhưng vừa nhìn thấy thùng hàng đã "ngã ngửa" vì bị lừa
- 17-01-2024Viettel Money và những điều đặc biệt làm nên ứng dụng tài chính “quốc dân” trong mắt người dùng
- 17-01-2024Hơn 105.000 shop rời sàn, thương mại điện tử vẫn tăng trưởng kỷ lục
Thời gian qua, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp gây thiệt hại lớn về tài sản, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.
Để phòng ngừa, Công an TPHCM vừa đưa ra yêu cầu, đề nghị người dân ghi nhớ, thực hiện tốt khẩu hiệu: "2 Phải 4 Không" để phòng, chống, ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, bảo vệ tài sản.
Hai phải
Phải thường xuyên cảnh giác, chủ động bảo mật các thông tin cá nhân, nhất là các thông tin quan trọng như: thông tin thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản ngân hàng; thông tin tài khoản mạng xã hội...
Phải liên hệ với công an khi có nghi ngờ, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn hoặc các nội dung nghi ngờ là hoạt động lừa đảo hoặc không có cơ sở khẳng định nội dung thì các cá nhân phải báo ngay cho cơ quan chức năng để được hướng dẫn xử lý.
Bốn không
Không sợ: Không hoảng sợ khi nhận được điện thoại, tin nhắn, các thông tin mà người lạ gửi đến có nội dung xấu liên quan đến cá nhân và người thân, thông báo có liên quan đến các vụ việc, vụ án…
Không tham lam: Không tham lam những tài sản, món quà không rõ nguồn gốc có thể nhận được một cách dễ dàng, những lợi nhuận "phi thực tế" mà không tốn sức lao động, những lời mời chào, dụ dỗ "việc nhẹ lương cao"...
Không kết bạn với người lạ: Khi có người lạ mặt trên mạng xã hội kết bạn làm quen, mời tham gia các hội nhóm mà không rõ là ai, mục đích thì không nên kết bạn, bắt chuyện, tham gia; không được cung cấp các thông tin cá nhân để đối tượng có thể lợi dụng.
Không chuyển khoản: Khi các cá nhân không quen biết yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân hoặc yêu cầu chuyển tiền hay làm một số việc thì tuyệt đối không được làm theo.
Ngoài ra, còn lưu ý rằng tất cả các cuộc gọi tự xưng là công an (ngoại trừ cảnh sát khu vực có số điện thoại công khai cho người dân biết) yêu cầu làm theo hướng dẫn đều là lừa đảo.
Báo Chính phủ