MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 quỹ ETF lớn nhất của Dragon Capital bị rút vốn mạnh bất chấp nhà đầu tư Thái Lan “bơm” tiền trở lại

2 quỹ ETF lớn nhất của Dragon Capital bị rút vốn mạnh bất chấp nhà đầu tư Thái Lan “bơm” tiền trở lại

DCVFM VNDiamond ETF bị rút vốn 4 tháng liên tiếp với tổng giá trị hơn 2.400 tỷ đồng trong khi DCVFM VN30 ETF cũng bị rút ròng trong 3 tháng liền với tổng giá trị gần 1.200 tỷ đồng.

Sau giai đoạn “quay lưng” với chứng chỉ quỹ ETF của Việt Nam, nhà đầu tư Thái Lan đã trở lại mua gom bộ đôi ETF lớn nhất của Dragon Capital qua kênh chứng chỉ lưu ký (DR) từ giữa tháng 9. Đáng tiếc đây lại đúng vào thời điểm thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đảo chiều điều chỉnh sau khi lên đỉnh một năm.

Trong khoảng 6 tuần trở lại đây, lượng DR dựa trên chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) và DCVFM VN30 ETF (E1VFVN30) niêm yết trên sàn giao dịch Thái Lan (SET) đã tăng thêm lần lượt 5,2 và 5,3 triệu đơn vị. Tỷ lệ chuyển đổi giữa DR và chứng chỉ quỹ cơ sở là 1:1 tương ứng người Thái đã mua ròng 5,2 triệu chứng chỉ quỹ FUEVFVND và 5,3 triệu chứng chỉ quỹ E1VFVN30.

2 quỹ ETF lớn nhất của Dragon Capital bị rút vốn mạnh bất chấp nhà đầu tư Thái Lan “bơm” tiền trở lại - Ảnh 1.

2 quỹ ETF lớn nhất của Dragon Capital bị rút vốn mạnh bất chấp nhà đầu tư Thái Lan “bơm” tiền trở lại - Ảnh 2.

Thời điểm đầu tháng 11, nhà đầu tư Thái Lan đang nắm giữ tổng cộng 160,6 triệu chứng chỉ quỹ FUEVFVND với giá trị tương ứng 5,5 tỷ Bath (~3.800 tỷ đồng), chiếm khoảng 1/4 quy mô vốn hoá của DCVFM VNDiamond ETF. Trong khi đó, lượng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 trong tay người Thái là 190,6 triệu đơn vị với giá trị 5,05 tỷ Bath (~3.400 tỷ đồng), chiếm gần một nửa quy mô của DCVFM VN30 ETF.

Có thể thấy, dòng tiền đến từ xứ Chùa Vàng đóng vai trò quan trọng trong “cuộc chơi” tại bộ đôi chứng chỉ quỹ lớn nhất của Dragon Capital. Tuy nhiên, điều khá bất ngờ là DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF đều bị rút ròng mạnh thời gian gần đây bất chấp nhà đầu tư Thái Lan đã “bơm” tiền trở lại.

Số liệu từ Dragon Capital cho thấy, DCVFM VNDiamond ETF đã bị rút vốn 4 tháng gần nhất với tổng giá trị hơn 2.400 tỷ đồng trong khi DCVFM VN30 ETF cũng bị rút ròng trong 3 tháng liền với tổng giá trị gần 1.200 tỷ đồng . Từ đầu năm đến nay, dòng tiền vào 2 ETF lớn nhất của Dragon Capital âm lần lượt 2.600 tỷ và 1.300 tỷ đồng. Đây là một điều khá bất ngờ khi DCVFM VNDiamond ETF còn là thỏi nam châm hút vốn rất mạnh trong năm 2022 trước đó với tổng giá trị lên đến hơn 7.300 tỷ đồng.

2 quỹ ETF lớn nhất của Dragon Capital bị rút vốn mạnh bất chấp nhà đầu tư Thái Lan “bơm” tiền trở lại - Ảnh 3.

2 quỹ ETF lớn nhất của Dragon Capital bị rút vốn mạnh bất chấp nhà đầu tư Thái Lan “bơm” tiền trở lại - Ảnh 4.

Trong một động thái liên quan khác, quỹ ngoại lớn nhất (NAV 1,6 tỷ USD) do thuộc Dragon Capital quản lý là Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) đã bất ngờ không còn cung cấp thông tin về tỷ trọng tiền trong danh mục từ tuần 12-19/10. Trước đó, VEIL có hai tuần duy trì tỷ lệ dưới ngưỡng 1% - trạng thái gần như “full” cổ phiếu và không còn dư địa giải ngân. Trùng hợp đây lại là thời điểm thị trường kết thục nhịp hồi ngắn ngủi và quay đầu tiếp tục giảm mạnh.

Điều gì khiến dòng vốn có xu hướng rút mạnh khỏi 2 quỹ ETF của Dragon Capital?

Trên thực tế, các quỹ ETF bị rút vốn mạnh thời gian qua cũng nằm trong xu hướng chung đang diễn ra trên toàn cầu khi Fed duy trì chính sách tiền tệ mang tính “diều hâu”. Lãi suất USD duy trì mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ khiến dòng vốn có xu hướng rút khỏi các thị trường có sự chênh lệch lãi suất lớn giữa đồng nội tệ và USD, trong đó Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Bên cạnh đó, vấn đề còn xuất phát từ danh mục của bộ đôi ETF lớn nhất của Dragon Capital. DCVFM VNDiamond ETF mô phỏng theo rổ chỉ số VNDiamond tập trung vào các cổ phiếu hết room ngoại trong đó FPT, MWG, PNJ là những cái tên có tỷ trọng lớn nhất, đều trên 10%. Đây chính là yếu tố làm nên sự khác biệt của ETF này với phần còn lại.

Tuy nhiên, với nguyên tắc không nắm giữ quá 10% tổng lượng cổ phiếu lưu hành của một cổ phiếu, DCVFM VNDiamond ETF gần như không còn dư địa giải ngân thêm vào PNJ khi NAV chạm ngưỡng 18.000 tỷ đồng. Trong khi đó, một viên kim cương cỡ lớn khác trong danh mục của quỹ là MWG lại đang gặp khó với bài toán tăng trưởng. Cổ phiếu bán lẻ này bị khối ngoại bán ròng khá "rát" thời gian qua và có thời điểm đã rơi xuống đáy 3 năm.

2 quỹ ETF lớn nhất của Dragon Capital bị rút vốn mạnh bất chấp nhà đầu tư Thái Lan “bơm” tiền trở lại - Ảnh 5.

Cơ cấu danh mục của DCVFM VNDiamond ETF ngày 1/11

Tương tự, DCVFM VN30 ETF tham chiếu theo rổ chỉ số VN30 (30 cổ phiếu lớn nhất thị trường theo tiêu chí vốn hoá và thanh khoản) cũng gặp những vấn đề nhất định. Ngoại trừ FPT vẫn bền bỉ tăng trưởng, các cổ phiếu có tỷ trọng lớn trong danh mục của quỹ phần lớn là nhóm ngân hàng đang chịu áp lực từ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp và nợ xấu có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh đó, nhóm Vingroup (VIC, VHM, VRE) và Masan (MSN) cũng có tỷ trọng tương đối lớn trong danh mục, lại đang vướng một số câu chuyện liên quan đến trái phiếu. Các cổ phiếu này đều chịu áp lực bán mạnh thời gian qua và rơi xuống vùng đáy dài hạn. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất đầu tư và khả năng hút tiền của quỹ.

2 quỹ ETF lớn nhất của Dragon Capital bị rút vốn mạnh bất chấp nhà đầu tư Thái Lan “bơm” tiền trở lại - Ảnh 6.

Cơ cấu danh mục của DCVFM VN30 ETF ngày 1/11

Hiện tại, bộ đôi DCVFM VNDiamond ETF và DCVFM VN30 ETF vẫn là 2 ETF nội có quy mô lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với NAV lần lượt gần 17.000 tỷ và hơn 7.000 tỷ đồng. Dù vậy, quy mô của 2 quỹ ETF này đều đã bị thu hẹp đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao do việc bị rút vốn và các cổ phiếu trong danh mục mất phong độ.

Hà Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên