MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

2 yếu tố gây tổn thương phổi quẩn quanh người Việt: Điều số 1 nhiều người 'thích mê'

11-05-2023 - 12:36 PM | Sống

Khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường là nguyên nhân tàn phá phổi. Trong đó, thói quen hút thuốc lá cực kỳ gây hại cho phổi.

Khói thuốc lá

ThS.BS Hoàng Đình Hữu Hạnh - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - cho biết hút thuốc lá tác động xấu tới phổi. Khói thuốc lá được cho là "thủ phạm" gây hại nhất cho phổi, làm mất chức năng phổi.

Khi một người hút thuốc lá, khói thuốc sẽ đi vào mũi, khí quản, phế nang sâu bên trong phổi. Khói thuốc vào phổi sẽ gây ra tắc đường dẫn khí, phá huỷ phế nang.

Bác sĩ Hữu Hạnh cho biết: "Cách hút thuốc lá quyết định mức độ gây hại tới phổi. Theo đó, cách hút thuốc khác nhau sẽ khiến cho mức ảnh hưởng tới phổi là khác nhau".

Ví dụ, nếu chỉ ngậm khói thuốc trong miệng rồi nhả ra thì nicotine chỉ thấm qua mao mạch, niêm mạc miệng. Còn nếu hút khói sâu vào trong phổi, khói thuốc sẽ ảnh hưởng đa cơ quan, trong đó có phổi.

 2 yếu tố gây tổn thương phổi, ung thư gần kề quẩn quanh người Việt, cái số 1 nhiều người thích mê  - Ảnh 1.

Phim chụp phổi (nguồn: Internet)

Theo WHO, sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm. WHO kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, đồng thời hạn chế rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Trong khói thuốc lá chứa hơn 7000 chất. Trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư, bao gồm chất gây nghiện và các chất gây độc, chia ra làm 4 nhóm chính:

Nhóm nicotine

Nicotine có trong thuốc lá là một chất không màu, chuyển thành màu nâu khi cháy và có mùi. Nicotine được hấp thụ qua da, miệng và niêm mạc mũi hoặc hít vào phổi.

Nicotine có tác dụng gây nghiện chủ yếu là trên hệ thần kinh trung ương với sự có mặt của các thụ thể nicotine trên các tế bào thần kinh tại "trung tâm thưởng" ở hệ viền não bộ tạo ra các chất dẫn truyền thần kinh bao gồm dopamin, serotonine, noradrenaline.

Não bộ nhanh chóng nhận ra rằng có thể dùng thuốc lá để kích thích bài tiết dopamin. Điều này lý giải vì sao người hút thuốc lá thường khó có thể bỏ được thuốc.

Nhóm monoxit carbon

Khi hút thuốc lá, khí CO (nồng độ cao) sẽ được hấp thụ vào máu, gắn với hemoglobine với ái lực mạnh hơn 210 lần oxy. Khí CO đi nhanh vào máu và chiếm chỗ của oxy trên hồng cầu.  Hậu quả là cơ thể không đủ oxy để sử dụng.

Các phân tử nhỏ trong khói thuốc lá

Khói thuốc lá chứa nhiều chất kích thích dạng khí hoặc dạng hạt nhỏ. Các chất kích thích này gây nên các thay đổi cấu trúc của niêm mạc phế quản dẫn đến tăng sinh các tuyến phế quản, các tế bào tiết nhầy và làm mất các tế bào có lông chuyển. Các thay đổi này làm tăng tiết nhầy và giảm hiệu quả thanh lọc của thảm nhầy, lông chuyển. Phần lớn các thay đổi này có thể hồi phục được khi ngừng hút thuốc.

Các chất gây ung thư

Trong khói thuốc lá có khoảng 70 chất có tính chất gây ung thư như hợp chất thơm có vòng đóng, Benzopyrene hay các Nitrosamine. Các hoá chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp gây nên tình trạng viêm mạn tính, phá huỷ tổ chức, biến đổi tế bào dẫn đến dị sản, loạn sản rồi ác tính hoá.

Ô nhiễm môi trường

Bác sĩ Hữu Hạnh cho biết yếu tố thứ hai tác động xấu tới phổi là môi trường ô nhiễm, khói bụi. Sống tại nơi có môi trường ô nhiễm sẽ tác động xấu tới phổi, tăng nguy cơ mắc bệnh lý về phổi và ung thư.

Ngoài ra, người làm việc trong môi trường nhiều bụi như mỏ than nếu không có biện pháp bảo hộ lao động dự phòng tốt sẽ hại cho phổi.

Muốn có 2 lá phổi khoẻ mạnh, bác sĩ Hạnh khuyên nên bỏ thuốc lá, ăn uống khoa học, tăng cường vận động thể thao, đeo khẩu trang lọc bụi mụi khi tham gia giao thông.


Theo Ngọc Minh

Thể theo & văn hóa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên