MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

20 tuổi mất phương hướng, 30 tuổi lo âu, 40 tuổi dễ suy tính thiệt hơn: Do đó, thanh niên là phải nhìn XA, trung niên nhìn RỘNG, lão niên nhìn THẢN

28-01-2021 - 10:36 AM | Sống

20 tuổi mất phương hướng, 30 tuổi lo âu, 40 tuổi dễ suy tính thiệt hơn: Do đó, thanh niên là phải nhìn XA, trung niên nhìn RỘNG, lão niên nhìn THẢN

Nhưng, cuộc đời giống như trò chơi vậy, nó là một quá trình đánh quái vật để mà thăng cấp. Người có tầm nhìn xa rộng sẽ hiểu ra được một điều rằng: nhận thức rõ vấn đề ở giai đoạn tuổi tác của mình rồi xử lý nó cho tốt, bạn sẽ sống một cuộc đời tự tin hơn.

Càng tiếp xúc với nhiều người, càng phát hiện ra một điều: những người cùng tuổi với nhau, vấn đề phải đối mặt đại khái là giống nhau, người 20 tuổi thường mất phương hướng, người 30 tuổi thường lo âu, trong khi những người tuổi 40 lại dễ suy tính thiệt hơn.

01

Khi còn trẻ, khó khăn là chuyện quá bình thường, quan trọng là thái độ khi phải đối mặt với khó khăn ấy.

Tôi có hai người anh họ, tuổi tác tương đồng, trải nghiệm cũng tương tự nhau, đều là thi trượt đại học sau đó ra ngoài đi làm luôn, nhưng cuối cùng lại có hai cuộc đời hoàn toàn khác nhau.

Người anh tên D. sau khi trượt đại học đã tới làm việc ở một nhà máy điện tử, anh ấy thường xuyên làm ca đêm, một tháng chỉ được nghỉ một lần. Công việc như vậy, anh ấy kiên trì trong suốt 3 năm, từ nhân viên cấp 1 lên tới tổ trưởng tổ nghiệp vụ, thái độ chăm chỉ và cầu tiến đã nhận được sự công nhận. Sau này lãnh đạo tách ra khởi nghiệp, người đầu tiên muốn đem theo là anh ấy, hiện tại sự nghiệp và cuộc sống của anh ấy đều rất khởi sắc.

Trong khi anh trai khác tên V. lại vô cùng kén chọn, lúc đi phỏng vấn không chê lương thấp thì chê nghỉ ít. Một công việc, không bao giờ làm quá 3 tháng, năng lực nghiệp vụ không được nâng cao, cuối cùng chỉ có thể làm nhân viên tạm thời, phiêu bạt tứ phương.

Đối với người trẻ mà nói, chỉ có một con đường duy nhất không được phép chọn, chính là con đường bỏ cuộc; chỉ có một con đường duy nhất không được cự tuyệt, đấy chính là con đường phát triển bản thân.

Ước mơ dù có nhỏ bé tới đâu cũng phải liên tục duy trì, và nó cũng hoàn toàn có thể thắp lên một cuộc đời rực rỡ hơn. Việc mà người trẻ cần làm đó là đặt tầm nhìn xa rộng một chút, biết cách đầu tư vào bản thân, tích lũy năng lượng, đợi ngày vận mệnh biến đổi từ lượng biến thành chất biến.

 20 tuổi mất phương hướng, 30 tuổi lo âu, 40 tuổi dễ suy tính thiệt hơn: Do đó, thanh niên là phải nhìn XA, trung niên nhìn RỘNG, lão niên nhìn THẢN  - Ảnh 1.

02

Nếu như nói khi còn trẻ, trách nhiệm phải gánh vác chỉ có bản thân, vậy thì khi bước vào tuổi trung niên, trách nhiệm ấy đã được nâng gấp lên 3,4 lần, trên có già dưới có trẻ. Mỗi ngày khi mở mắt, vấn đề nghĩ tới đầu tiên chính là: Lương tháng bao nhiêu? Ba má sức khỏe thế nào? Con cái học hành thành tích ra làm sao?

Vì trách nhiệm nặng nề, rất nhiều người trung niên dễ nảy sinh cảm giác bất lực, cảm thấy bị cuộc sống ép tới không thể thở nổi. Lúc này, điều quan trọng nhất chính là giảm bớt gánh nặng và thả lỏng tâm trí.

Thoát khỏi những so sánh mù quáng trong cuộc sống. Hạnh phúc là phải cảm nhận từ trong tim chứ không phải tới từ sự hơn thua. Nhà bạn to và rộng rãi thật, còn nhà tôi, tuy nhỏ nhưng ấm áp, sáng rực. Bước vào tuổi trung niên, giảm bớt đi những so sánh mù quáng mới có thể tìm thấy ánh sáng và những điều tốt đẹp trong cuộc sống của mình.

Kết bạn cũng hãy thoát khỏi sự vướng bận. Cũng giống như khi uống trà vậy, cái hương vị mình thích nhất thì hãy giữ lại lần sau mà uống tiếp, cái vị mà vô duyên với mình thì nói lời tạm biệt cho nhẹ lòng, có cố uống cũng sẽ chẳng có được cảm giác nhâm nhi sảng khoái. Mỗi loại trà có một mùi vị và hương thơm khác nhau, không thích cái nào đó cũng là lẽ thường tình. Kết bạn cũng vậy, lựa bạn mà chơi, tới cái tuổi này rồi, ai là "bạn" thì cố mà giữ lấy, còn ai là "bè", sớm nói lời tạm biệt cho thảnh thơi.

Trong giáo dục con cái cũng đừng quá kiểm soát. Con cái suy cho cùng cũng có con đường riêng của chúng, cố gắng làm hết cái nghĩa vụ "giáo dưỡng" là đủ rồi, đừng quá áp đặt hay quan trọng hóa chuyện thành tích của con. Đường phải từng bước từng bước mà đi, nơi phương xa kia ắt có con đường tự thuộc về chúng.

Trung niên phải học cách nhìn rộng ra, tu tâm tu mình, tối giản cuộc đời, đừng để những tạp vật trước mắt vướng bận, thong dong ngắm lá rụng mỗi mùa thu đến, mỉm cười trước mỗi thăng trầm.

 20 tuổi mất phương hướng, 30 tuổi lo âu, 40 tuổi dễ suy tính thiệt hơn: Do đó, thanh niên là phải nhìn XA, trung niên nhìn RỘNG, lão niên nhìn THẢN  - Ảnh 2.

03

Bước vào tuổi lão niên, vinh quang đều đã được nếm, thăng trầm ít nhiều cũng đã trải qua. Cùng với sự lớn lên của tuổi tác, đường đời cũng ngày một rộng rãi hơn. Những thứ mà khi còn trẻ tranh giành tới chết đi sống lại, giờ già rồi chỉ mỉm cười cho qua; những thứ mà tuổi trung niên nỗ lực hết sức để giành lấy, giờ nhìn lại lại thấy sớm đã không còn quan trọng như vậy. Lúc này, chỉ còn hai thứ quan trọng: một giấc ngủ ngon, một gia đình êm ấm.

Tuổi lão niên là độ tuổi mà ai cũng đã có cho mình những kinh nghiệm và trí tuệ trưởng thành, không cần ôm lấy cái áp lực của tuổi trẻ, là giai đoạn hái quả ngọt của cuộc đời. Cuộc sống lúc này nên là 4 chữ tự tại và bình thản, con cái có hiếu, cháu chắt đầy nhà, ngồi nhâm nhi chén trà thanh, ngồi hưởng cái phúc cuối đời.

Đây cũng là một cơ hội học tập rất tốt, đắm mình vào một sở thích nào đó hoặc an tĩnh tận hưởng sự thoải mái mà việc đọc sách mang lại. Lúc này, hãy cách "bình thản" một chút, dành nhiều thời gian cho chính mình hơn.

Không biết bạn đang ở vào giai đoạn nào của cuộc sống, cũng không biết bạn đang gặp phải vấn đề gì. Mỗi một giai đoạn tuổi tác đều có những khó khăn và vất vả riêng, mỗi một giai đoạn tuổi tác đều có sứ mệnh của nó. Kẻ trí thực sự là người biết dùng những thái độ khác nhau để nhìn nhận mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc sống. Khi còn trẻ, cảnh giác với tầm nhìn ngắn hẹp; tuổi trung niên, học cách tự giảm bớt áp lực cho mình; tuổi lão niên, học cách quay về với chính mình.

Đời người chính là một cuộc tu hành, cả đường hành tẩu, một đường thăng trầm, cả đường giải quyết, một đường trưởng thành!


Theo Như Nguyễn

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên