MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

20 tuổi sống vì bạn bè, 30 tuổi sống vì vật chất nhưng tới 40 tuổi nhất định phải sống vì bản thân: Dùng 6 chữ "không" này để an lạc nửa sau của đời người!

24-05-2019 - 23:28 PM | Sống

Liệu đời người còn được bao nhiêu năm sau khi bước qua cánh cửa 40 tuổi? Giờ vẫn chưa sống cho mình thì còn sống cho ai?

Bước qua 40 tuổi, người ở vào ngưỡng trung niên dù có nhiệt tình nhưng không đủ mãnh liệt, có lý trí nhưng lại thiếu sự lý tính, trọng tình nghĩa nhưng đôi khi không khống chế được. Mà điều quan trọng nhất của giai đoạn này chính là nhận thức về an toàn, không thể tiếp tục liều lĩnh hay đương đầu với rủi ro mạo hiểm nữa. Cho dù là làm người hay làm việc, người ta phải biết thế nào là "vừa đủ" và luôn dừng lại đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm, như vậy mới có thể tránh được những rắc rối không thuộc về mình, cũng chẳng gây ra phiền phức cho người xung quanh.

Ở thời niên thiếu, con người sống có thể vô lo vô nghĩ, không ưu không phiền mà hết mình vì tuổi trẻ, vì bạn bè và lòng nhiệt huyết xung quanh. Sau đó, khi đã trưởng thành hơn trong vòng xoáy xã hội, chúng ta bắt đầu để ý, chú trọng nhiều hơn vào vật chất tiền tài, danh vọng sự nghiệp với gánh nặng cơm áo gạo tiền trên vai. Nhưng một khi bước vào nửa sau của cuộc đời, những người trung niên phải học cách sống vì chính mình, lấy bản thân làm trọng tâm, duy trì tâm tình thư thái, thoải mái. 

Vì cuộc sống lúc nào cũng ẩn chứa sự vất vả gian truân, năng lực lớn đến mấy cũng có lúc phiền lòng bất lực, cho nên, chúng ta hãy sống mà đừng lo lắng quá nhiều. Cái gì nên đến thì sẽ đến, nên đi rồi sẽ đi, giống như dung nhan và thời gian, có muốn níu giữ cũng không được.

Chính vì thế, càng trải đời, người ta càng phải giữ một cái đầu lạnh và một trí tuệ chân chính để có thể tránh xa những điều không nên làm sau đây.

20 tuổi sống vì bạn bè, 30 tuổi sống vì vật chất nhưng tới 40 tuổi nhất định phải sống vì bản thân: Dùng 6 chữ không này để an lạc nửa sau của đời người! - Ảnh 1.

1. Không kết bạn với 3 kiểu người

Thứ nhất là người bất trung bất hiếu. Đến trung hiếu còn không làm được, lấy gì để làm người.

Thứ hai là người làm hại cả thân nhân. Đến thân nhân, máu mủ ruột rà cũng làm hại được, huống chi là bạn bè.

Thứ ba là người vong ân phụ nghĩa. Câu chuyện "Nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà" là ví dụ quá điển hình cho dạng bạn bè như vậy.

2. Không giúp đỡ 3 việc

Đầu tiên là không nên giúp người khác chuyển lời. Nếu có chuyện gì quan trọng, hãy để họ tự nói thẳng ra.

Thứ hai là không giúp đỡ những chuyện tình cảm, người ngoài càng giúp chỉ càng rối hơn, lại chưa chắc đã được lòng của người trong cuộc.

Thứ ba là không giúp đỡ kẻ thù để rồi tự mang vạ và rước lấy rắc rối vào người.

3. Không nên bàn nhiều về 3 thứ

Thứ nhất là vật chất tiền bạc. Luôn đề cập tới tiền tài sẽ khiến người khác nghi ngờ phẩm chất của mình.

Thứ hai, bớt bàn luận về chuyện chính trị. Người xưa đã có câu: "Quan hữu quan đạo, dân hữu dân đạo" với ý nghĩa rằng, ở vị trí khác nhau sẽ có cách hiểu và hành xử khác nhau. Chính vì thế, thay vì xét đoán một vấn đề chỉ từ quan điểm của bản thân, hãy làm tốt nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trước.

Thứ ba, đừng bàn bạc về thọ mệnh. Xung quanh vấn đề sức khỏe và tuổi thọ, nên dùng hành động thay cho lời nói thì tốt hơn. Vận mệnh cũng không dễ nắm bắt, nên thuận theo tự nhiên để giữ lòng thanh thản hơn là tin nhầm đồn bậy, nghe theo những lời mê tín dị đoan.

4. Không nên nói 3 kiểu

Đầu tiên, không nói dối. Nói dối luôn đi liền với thiếu liêm chính và vô đạo đức, lâu dần để lại hậu quả nghiêm trọng, đánh mất lòng tin của người xung quanh.

Thứ hai, bớt nói lời phàn nàn. Không ai thích tiếp xúc với những người phàn nàn luôn mồm, hay lan truyền cảm giác tiêu cực cho người khác mỗi khi gặp vấn đề rắc rối dù là lớn hay nhỏ. Chưa kể, giữ tâm tính bực dọc, hay cáu gắt cũng làm ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân.

Thứ ba, không nói lời kiêu căng ngạo mạn. Có câu rằng "Trèo cao ngã đau", dù là làm người hay làm việc đều phải tránh cuồng vọng tự đại, nói lời ngông cuồng. Nói năng khiêm tốn, dùng năng lực hành động để chứng minh bản lĩnh của chính mình mới là tấm gương cho con cháu học theo. Người thông minh bao giờ cũng làm nhiều, nói ít.

20 tuổi sống vì bạn bè, 30 tuổi sống vì vật chất nhưng tới 40 tuổi nhất định phải sống vì bản thân: Dùng 6 chữ không này để an lạc nửa sau của đời người! - Ảnh 2.

5. Không làm 3 kiểu người

Thứ nhất, người tham lam thứ không thuộc về mình. Tục ngữ từng dạy "Của thiên trả địa", thứ không thuộc về mình mà thích giữ làm của riêng thì sớm muộn cũng đánh mất cả chì lẫn chài.

Thứ hai, không làm người tốt dại dột. Đôi khi, nhiệt tình cộng với ngu dốt vẫn có thể trở thành phá hoại. Tốt bụng với người không nên tốt vẫn có thể tự làm hại chính mình.

Thứ ba, không sống kiểu nói một đằng, làm một nẻo. Khi lời nói và hành động của một người không thống nhất với nhau, họ sẽ đánh mất lòng tôn trọng của người xung quanh.

6. Không quên 3 thứ tình cảm

Đầu tiên là "một giọt máu đào hơn ao nước lã", đối xử với người thân phải giữ lòng phúc hậu.

Thứ hai là tình cảm hoạn nạn có nhau, với người yêu phải luôn chung thủy và không dối trá.

Thứ ba là tình anh em kết giao sinh tử, với bạn bè phải chân thành hết lòng.

Hãy nhớ rằng, người sống ở giai đoạn nào đi nữa, một không được tham, hai không đi cướp và ba là luôn sống bằng lương tâm. Có như vậy, chúng ta mới không bao giờ phải hối hận vì phần đời đã trải qua.

Dương Mộc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên