2017 tiền đồng mất giá khoảng 2% là chấp nhận được!
Trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất trong thời gian qua, TS Cấn Văn Lực đã đưa ra dự báo tỷ giá tiền đồng năm nay sẽ được điều chỉnh giảm khoảng 1-2%. Mức mất giá này là chấp nhận được trong hoàn cảnh thị trường tài chính của nước ta hoàn toàn bị động.
- 01-12-2016Lượng tiền đồng các ngân hàng vay mượn nhau tăng đột biến
- 22-11-2016Các ngân hàng tăng cường mượn tiền đồng, giảm vay USD
- 28-06-2016Khả năng giảm lãi suất tiền đồng: Đừng kỳ vọng quá nhiều!
Vào sáng 15.6, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 3 trong vòng 6 tháng, và là lần thứ 2 trong năm 2017. Đây cũng là lần đầu tiên lãi suất quay về trên mức 1%, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo thông báo của Fed, mức lãi suất cho vay tham chiếu sẽ tăng thêm 0,25 điểm phần trăm, lên mức 1-1,25%. Không như các sự kiện khác có thể gây tác động đột biến đến thị trường Việt Nam, quyết định của Fed đã được các chuyên gia dự báo từ trước.
Hơn nữa, các bước tăng lãi suất của Fed không quá đột ngột nên khi cơ quan này công bố tăng lãi suất thì không có tác động ngay lập tức đến Việt Nam, đặc biệt đối với giá vàng và USD. Song, áp lực vẫn được cho là sẽ đè lên tỷ giá tiền đồng.
Trao đổi với báo chí bên lề buổi công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2017 của Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ngày 16.6, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Cấn Văn Lực - Phó TGĐ, cố vấn cao cấp Chủ tịch HĐQT BIDV đã có nhiều chia sẻ:
Có thể điều chỉnh giảm tối đa 2%
- Ông có nhận định gì về chính sách tiền tệ của Việt Nam 6 tháng đầu năm nay?
- TS Cấn Văn Lực: Chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm của Việt Nam có một số điểm tích cực. Thứ nhất là lạm phát được kiểm soát tốt, nguyên nhân là do sự phối hợp cả về chính sách tài khóa, tiền tệ và giá cả. Trong đó, chính sách tiền tệ góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát.
Thứ hai là tỷ giá khá là ổn định, đồng Việt Nam trong 5 tháng vừa qua tính đến thời điểm hiện nay thì không những không bị mất giá mà đang tăng giá khoảng 0,3%, trong bối cảnh đồng USD cũng bị mất giá khoảng 5%.
Tín dụng tăng trưởng cũng khá tích cực, trong 5 tháng cũng được báo cáo là tăng khoảng 6,5%. Điều này thể hiện 2 vấn đề, thứ nhất là sức hấp thụ của nền kinh tế khá là tốt, thứ hai là các ngân hàng cũng thúc đẩy cho vay, vừa là tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, nhưng cũng là hỗ trợ cho doanh nghiệp có nguồn vốn đề sản xuất kinh doanh. Ngoài ra cũng là thúc đẩy, hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tài chính như Nghị quyết về xử lý nợ xấu, luật sửa đổi các Tổ chức tín dụng năm 2017.
Tuy nhiên, điều mà chúng ta băn khoăn là Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành cần phải làm tốt hơn quá trình tái cơ cấu trong tất cả các lĩnh vực như nợ công, DNNN..., không riêng gì tài chính ngân hàng. Bên cạnh đó là nhiều quy tắc tài chính trong việc điều hành chính sách, biện pháp hành chính khác như trần lãi suất...
Thời gian tới cần phải nới lỏng trần lãi suất, không chỉ với ngân hàng mà còn với cả các ngành khác, đó mới thực sự là Chính phủ kiến tạo như chúng ta mong muốn.
- Ông đánh giá như thế nào về tác động của những lần tăng lãi suất trước của Fed tới nền kinh tế Việt Nam?
- Những lần tăng lãi suất trước của Fed chưa có tác động nhiều tới kinh tế Việt Nam, năm nay nền kinh tế nước ta khá ổn định, song điều lo ngại lớn nhất của nền kinh tế nước ta là nhập siêu. Nhập siêu 5 tháng đầu năm là 2,7 tỉ USD, dự báo cuối năm sẽ rơi vào khoảng 3-4 tỉ USD.
Thứ hai là cho vay ngoại tệ, năm nay cho vay sẽ tăng hơn so với năm ngoái. 4 tháng đầu năm nay cho vay ngoại tệ đã tăng khoảng 4,64%, cùng kỳ năm ngoái gần như là không tăng. Tôi cho rằng nhập siêu và tích tụ ngoại tệ chính là 2 nhu cầu lớn, năm nay tăng hơn so với năm ngoái.
Trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng trái phiếu và cổ phiếu của Việt Nam khoảng 885 triệu USD, khác hẳn cho với những lần trước Fed tăng lãi suất.
Tình hình xuất khẩu cũng đạt triển vọng cao, 5 tháng đầu năm tăng 17%, giải ngân FDI và nguồn vốn ODA tốt. Kiều hối tăng trưởng tích cực, năm nay dự kiến sẽ tăng khoảng 5% so với năm ngoái.
- Việc Fed nâng lãi suất sẽ tạo áp lực lên tỷ giá tiền đồng trong năm 2017. Theo ông, đồng Việt Nam sẽ diễn biến theo hướng nào?
- Năm nay dù Fed tăng lãi suất thì chúng ta cũng không chịu áp lực quá lớn về lãi suất, tỷ giá. Theo dự báo mà tôi đưa ra, đồng Việt Nam năm nay sẽ điều chỉnh mất giá tối đa từ 1-2%, mức này là chấp nhận được. Lý do là vì trong bối cảnh thị trường tài chính của ta hoàn toàn bị động, có đồng tiền mất giá mà cũng có đồng tăng giá. Nếu đồng Việt Nam mất giá trong khoảng trên là có thể chấp nhận được.
Kỳ vọng Nghị quyết xử lý nợ xấu được thông qua
- Ông kỳ vọng gì vào Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu đang trình Quốc hội?
- Nghị quyết nợ xấu được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy nhanh hơn việc xử lý nợ xấu vốn là điểm nghẽn lớn của hệ thống kinh tế. Qua đó cũng góp phần thanh lọc hệ thống ngân hàng, giúp hệ thống phát triển lành mạnh hơn, đặc biệt có thể giảm lãi suất được một phần.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng sẽ góp phần đảm bảo uy tín quốc tế của Việt Nam, vì đối với các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay hệ thống ngân hàng của chúng ta còn nhiều yếu kém, đặc biệt là vấn đề xử lý nợ xấu.
Cuối cùng là việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng nói riêng và hệ thống kinh tế nói chung sẽ được thúc đẩy nhanh hơn.
Xin cám ơn ông!
Một thế giới