MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

21 tuổi khởi nghiệp in áo thun, từng có doanh thu 1 tỷ đồng/tháng, nhưng startup này đã sạt nghiệp vì tham khách hàng, vay nặng lãi để trả lương công nhân

23-11-2018 - 17:28 PM | Doanh nghiệp

“Nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng thì sẽ giao hàng chậm do không xử lý kịp đơn hàng. Khách đặt hàng mà 3-5 ngày sau mới thấy phản hồi. Người này truyền tai người kia, doanh nghiệp sẽ bị mang tiếng”

Tại một diễn đàn mới diễn ra tại TP HCM, Nguyễn Ngọc Tài, CEO MGC_influencer, đã có những chia sẻ về những thất bại khi khởi nghiệp. Anh từng phải đóng cửa công ty vì những sai lầm về tài chính.

Khởi nghiệp in ấn áo thun, đồng phục và vì ham nên đơn nào cũng nhận hết

Năm 21 tuổi, Tài khởi nghiệp in ấn áo thun, đồ jeans. Đó là vào năm 2011, năng lực sản xuất của công ty là vào khoảng 8.000 đến 10.000 chiếc/tháng. Doanh số lên đến 1 tỷ đồng/tháng.

Có một đơn hàng ở Campuchia đặt hàng công ty của Tài 800 triệu đồng năm 2011. Giá vốn sản phẩm là 400 triệu. Nếu giao xong đơn hàng này là được lời 400 triệu đồng, Tài tính toán như vậy. Khách hàng đặt trước 200 triệu đồng và công ty Tài phải ứng trước ra 200 triệu đồng để ra thành phẩm.

21 tuổi khởi nghiệp in áo thun, từng có doanh thu 1 tỷ đồng/tháng, nhưng startup này đã sạt nghiệp vì tham khách hàng, vay nặng lãi để trả lương công nhân - Ảnh 1.

Nguyễn Ngọc Tài, MGC_influencer.

Tiền mặt của công ty có 400 triệu nhưng đã bù 200 triệu cho đơn hàng của khách Campuchia nên chỉ còn 200 triệu. Sau đó, công ty lấy nốt 200 triệu tiền mặt còn lại để mua máy móc, tăng năng suất cho kịp tiến độ. Công ty cũng tuyển nhân sự, tăng ca và trả lương gấp đôi.

Sau khi nhận đơn hàng của Campuchia, một khách hàng khác tại Hà Nội lại đặt đơn hàng 300 triệu đồng và công ty lại nhận tiếp.

“Tiến độ giao hàng kịp nhưng chi phí lương, tăng ca và đầu tư mới đã ngốn sạch tiền lời do phải đi vay nặng lãi để trả tiền cho công nhân. Tưởng đối tác bên Campuchia trả tiền thì mọi việc sẽ ổn. Ai ngờ, họ khất nợ và hứa trả sau 3 tháng”, Ngọc Tài kể.

Thế rồi chuyện gì đến cũng đến, doanh nghiệp đã phải giảm công nhân, bán bớt máy móc, cầm cố để trả lãi suất vay. “Công ty đã phá sản sau thời gian đó vì không chống đỡ được lãi suất phát sinh và vốn gốc”, Ngọc Tài nói.

Sau đó Ngọc Tài có thành lập một số startup khác, trong đó có MGC_influencer có văn phòng tại Việt Nam, Singapore và một startup về hẹn hò sẽ ra mắt vào tháng 12 tới.

Từ câu chuyện của Tài: Ham thôi đừng ham quá!

Từ câu chuyện của bản thân, Ngọc Tài rút ra những bài học cho bản thân mình. Bài học đầu tiên liên quan đến tiền, tài chính của doanh nghiệp khởi nghiệp.

21 tuổi khởi nghiệp in áo thun, từng có doanh thu 1 tỷ đồng/tháng, nhưng startup này đã sạt nghiệp vì tham khách hàng, vay nặng lãi để trả lương công nhân - Ảnh 2.

Thứ nhất, đừng bao giờ nghĩ càng nhiều khách hàng càng tốt, khách hàng vừa đủ năng lực đáp ứng của doanh nghiệp mới là tốt.

“Nếu doanh nghiệp không đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng thì sẽ giao hàng chậm do không xử lý kịp đơn hàng. Khách đặt hàng mà 3-5 ngày sau mới thấy phản hồi. Người này truyền tai người kia, doanh nghiệp sẽ bị mang tiếng”, Tài nói.

Sai lầm thứ hai là không hạch toán vốn gốc, khấu hao, công nợ, tiền mặt, tiền lãi. Chẳng hạn, công ty mua máy tính cho nhân viên với giá 20 triệu đồng. Máy đó sử dụng được khoảng 3 năm. Vậy 20 triệu đồng chia cho 36 tháng sẽ ra tiền khấu hao mỗi tháng. Và số tiền đó phải để riêng trong quỹ về khấu hao.

Các sai lầm về tài chính khác như không có kế hoạch dùng tiền vốn, chi tiêu quá đà lúc ban đầu, dùng vốn để đầu tư dàn trải, không cân đối thực lực tài chính hiện có… cũng là những sai lầm liên quan đến tài chính trong thời gian đầu thành lập startup.

Theo Thế Trần

Trí thức trẻ

Trở lên trên