MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

24 năm sàn chứng khoán “khớp lệnh”: Hàng nghìn doanh nghiệp cùng triệu nhà đầu tư “đổ bộ” vào thị trường, quy mô vốn hóa vượt 270 tỷ USD

24 năm sàn chứng khoán “khớp lệnh”: Hàng nghìn doanh nghiệp cùng triệu nhà đầu tư “đổ bộ” vào thị trường, quy mô vốn hóa vượt 270 tỷ USD

Từ một thị trường sơ khai, non trẻ, chứng khoán Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt với hàng nghìn doanh nghiệp niêm yết và đưa cổ phiếu lên giao dịch, vốn hóa tăng vượt bậc, thu hút đồng đảo nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tròn 24 năm trước, vào ngày 28/7/2000, phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam được diễn ra với hai mã chứng khoán là REE của REE Corp và SAM của SAM Holdings. Sự kiện mang tính lịch sử đánh dấu bước ngoặt mở ra giai đoạn mới cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam nói chung và ngành chứng khoán nói riêng.

Thực tế, chứng khoán Việt Nam đã "chập chững" những bước đi đầu tiên từ 4 năm trước đó khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập ngày 28/11/1996. Đến năm 1998, Trung tâm giao dịch Chứng khoán TP.HCM, tiền thân của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) được thành lập và sau đó chính thức khai trương vào ngày 20/7/2000.

photo-1722006304749

Trải qua gần 3 thập kỷ, từ một thị trường sơ khai, non trẻ, chứng khoán Việt Nam đã phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Với làn sóng các doanh nghiệp niêm yết và đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, từ 2 mã chứng khoán ban đầu, đến thời điểm hiện tại, thị trường có đến 729 mã cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên HoSE và HNX, cùng 878 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch xấp xỉ 2,28 triệu tỷ đồng, tương đương 22% GDP năm 2023. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp trên 3 sàn HoSE, HNX và UPCoM lên đến 6,9 triệu tỷ đồng (270 tỷ USD), tăng 16% từ đầu 2024 và tương đương 67% GDP năm 2023. Trong đó, có đến 49 doanh nghiệp tỷ USD cùng hàng trăm cái tên có vốn hóa trên 10.000 tỷ đồng.

photo-1722006328391

Tuy nhiên, chặng đường đi lên không bằng phẳng, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng trải qua nhiều thăng trầm kể từ khi đi vào hoạt động cách đây 24 năm. Từ vạch xuất phát 100 điểm, VN-Index từng có những giai đoạn tăng rất sốc (2005-2007) nhưng giảm cũng đầy khốc liệt, đặc biệt là thời kỳ đầu khi thị trường còn non trẻ, các cơ chế vận hành chưa hoàn thiện.

Từ sau giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008-2009), thị trường chứng khoán Việt Nam đã ổn định hơn. VN-Index đi lên bền bỉ và lần đầu trở lại đỉnh 1.200 điểm vào đầu 2018, tức là sau hơn 1 thập kỷ. Thị trường sau đó giảm mạnh trước khi nhận cú sốc từ Covid-19 và rơi sâu về đáy dài hạn vào tháng 3/2020.

Từ đây, chứng khoán Việt Nam bước sang một chương mới với làn sóng nhà đầu tư mới tham gia "ồ ạt" trong bối cảnh tiền rẻ do chính sách tiền tệ nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước liên tục đổ vào thị trường đẩy thanh khoản lên rất cao, có thời điểm đạt hơn 2 tỷ USD trong một phiên. Tiền vào cuồn cuộn đẩy VN-Index liên tục công phá các mốc điểm chưa từng thấy như 1.300, 1.400 và đỉnh cao là 1.500 hồi cuối 2021 đầu 2022.

photo-1722006342472

Sau giao đoạn phát triển quá nóng cả trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu, những biện pháp siết chặt kỷ cương của cơ quan quản lý đã đưa chứng khoán Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định và bền vững hơn. Giao dịch trên thị trường vẫn sôi động, thanh khoản dù không còn bùng nổ nhưng vẫn cao hơn nhiều so với thời kỳ trước Covid.

photo-1722006359108

Có được kết quả như ngày nay, chứng khoán Việt Nam đã trải qua nhiều cột mốc quan trọng. Có thể kể đến như việc tăng số phiên giao dịch từ 3 lên 5 phiên/tuần từ năm 2002, qua đó tạo ra nhịp đập thị trường đều đặn và thường xuyên, góp phần làm gia tăng mức độ phổ biến của chứng khoán trong công chúng.

Một năm sau, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tại tổ chức niêm yết được nâng từ 20 lên 30% và sau đó tiếp tục được nâng lên 49% vào năm 2005. Quyết định quan trọng này giúp thị trường chứng khoán đón đầu làn sóng đầu tư nước ngoài khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO) vào năm 2007.

Cũng trong năm 2005, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có thêm bước tiến mới với sự ra mắt của Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (tiền thân của HNX), hoạt động theo mô hình thị trường phi tập trung (OTC), tổ chức thị trường thứ cấp cho các chứng khoán chưa niêm yết theo cơ chế thỏa thuận và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) vào năm 2006.

Năm 2007, phương thức khớp lệnh liên tục được áp dụng tạo ra cú huých lớn góp phần thu hút thêm dòng tiền chảy vào thị trường. Sau đó, giao dịch trực tuyến, giao dịch ký quỹ cũng lần lượt được triển khai vào các năm 2009 và 2011. Đến năm 2012, chỉ số VN30 ra đời, lệnh thị trường MP cũng được áp dụng và thời gian giao dịch được kéo dài sang buổi chiều.

Sau đó một năm, HoSE nâng biên độ dao động một phiên từ 5% lên 7% như hiện nay. Đến năm 2016, chu kỳ thanh toán chứng khoán vào ngày T+2 được áp dụng. 6 năm sau, chu kỳ giao dịch chứng khoán chính thức được rút ngắn từ T+3 xuống còn T+1,5 vào năm 2022 góp phần làm gia tăng sự linh hoạt trong đầu tư chứng khoán.

photo-1722006385228

photo-1722006403710

Cùng với sự phát triển của thị trường, các sản phẩm đầu tư cũng ngày càng được đa dạng hoá. Năm 2003, Công ty quản lý quỹ tại Việt Nam VFM ra đời, đánh dấu sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp trong nước đầu tiên, đồng thời mở đầu cho một dạng đầu tư tập thể mới trên thị trường.

Sau 2 thập kỷ phát triển, quy mô tổng tài sản quản lý (AUM) của các quỹ đầu tư ở Việt Nam đã tăng vọt lên đến 639.000 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Số lượng quỹ đầu tư tại Việt Nam cũng tăng vọt lên mức 107 với đa dạng các loại hình như quỹ trái phiếu, quỹ cân bằng, quỹ cổ phiếu, quỹ ETF, quỹ hưu trí…

Năm 2014, chứng chỉ quỹ ETF đầu tiên niêm yết và giao dịch (E1VFVN30 – DCVFM VN30 ETF) ghi dấu cột mốc đáng nhớ với thị trường chứng chỉ quỹ. Sau đó, nhiều chứng chỉ quỹ như DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND), SSIAM VNFinLead ETF (FUESSVFL), Kim Growth FinSelect ETF (FUEKIVFS),…cũng niêm yết mang đến thêm nhiều lựa chọn cho nhà đầu tư.

Đến năm 2017, thị trường chứng khoán phái sinh được đưa vào vận hành tiếp tục đa dạng thêm danh mục sản phẩm đầu tư, đồng thời cung cấp công cụ phòng ngừa rủi ro, cải thiện cơ sở nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có tổ chức, thúc đẩy thanh khoản trên thị trường chứng khoán cơ sở. Việc ra đời chứng khoán phái sinh đã tạo một bước ngoặt mới cho thị trường chứng khoán.

2 năm sau, HoSE khai trương chứng quyền có đảm bảo (CW) mang lại làn gió mới cho nhà đầu tư với những đặc tính và cơ chế linh hoạt. Ngoài việc đem lại cơ hội sinh lời hai chiều cho giới đầu tư, CW còn góp phần làm giảm bớt áp lực nới room đối với các doanh nghiệp niêm yết nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư của khối ngoại.

photo-1722006426593

Để tạo ra môi trường phát triển thuận lợi, khuôn khổ pháp lý là điều kiện tối quan trọng. Sự ra đời của Luật Chứng khoán đầu tiên vào năm 2006, có hiệu lực từ 1/7/2007, đã tạo cơ sở cho thị trường chứng khoán phát triển nhanh, ổn định và đảm bảo lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tạo điều kiện để hội nhập sâu rộng với các thị trường vốn quốc tế và khu vực, cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam trong lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế,…

Luật Chứng khoán năm 2006 đã hình thành khung khổ pháp lý tương đối đầy đủ, đồng bộ, điều chỉnh toàn diện, đáp ứng được yêu cầu về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán; đảm bảo các doanh nghiệp tham gia trên thị trường phải hoạt động công khai, minh bạch, từ đó góp phần làm minh bạch hoá nền kinh tế. Tuy nhiên, theo thời gian, khó tránh khỏi một số bất cập, đặc biệt trước sự phát triển quá nhanh của thị trường chứng khoán.

Để khắc phục những hạn chế trong quá trình quản lý, giám sát và điều hành, nhằm bắt kịp tốc độ phát triển của thị trường chứng khoán và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của nước ta, Luật Chứng khoán đã được sửa đổi, bổ sung vào năm 2010 và gần đây nhất là sự ra đời của Luật Chứng khoán số 62/2019/QH14, có hiệu lực từ 1/1/2021 với nhiều điểm mới mang tính đột phá, thay thế cho Luật cũ.

Cùng với đó là hệ thống các văn bản quy phạm dưới Luật cũng được sửa đổi, bổ sung, góp phần ngày càng hoàn thiện khung pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Nhờ đó, thị trường chứng khoán ngày càng trở thành kênh thu hút vốn đầu tư dài hạn quan trọng cho nền kinh tế, tăng cường vốn đầu tư xã hội.

Về mặt nội dung, Luật tập trung sửa đổi ở một số vấn đề cơ bản như nâng điều kiện để trở thành công ty đại chúng, làm rõ điều kiện chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) và chào bán thêm ra công chúng; mở rộng một số định nghĩa, hướng tới Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và một số vấn đề khác. Những điểm mới được kỳ vọng sẽ góp phần tạo nên môi trường đầu tư lành mạnh, ngày càng minh bạch, tạo động lực thúc đẩy thị trường, qua đó thu hút thêm nhà đầu tư trong và ngoài nước.

photo-1722006446140

Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển và hoàn thiện thu hút đông đảo nhà đầu tư mới tham gia. Không chỉ đóng vai trò là một kênh huy động vốn cho nền kinh tế, chứng khoán từ một kênh đầu tư ít được chú ý nay đã trở nên rất phổ biến với hàng triệu nhà đầu tư và 8 triệu tài khoản chứng khoán (tính đến cuối tháng 6). Trong đó, nhà đầu tư cá nhân có hơn 7,98 triệu tài khoản, tương đương khoảng 8% dân số Việt Nam.

photo-1722006459062

Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên TTCK vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Thực tế, dòng vốn ngoại từng có giai đoạn "ồ ạt" đổ vào chứng khoán Việt Nam nhưng đã đảo chiều rút ròng mạnh những năm gần đây. Tính từ đầu năm 2024, khối ngoại đã bán ròng đến gần 60.000 tỷ đồng trên HoSE, vượt qua mức kỷ lục của năm 2021. Con số này đẩy giá trị mua ròng luỹ kế từ khi chứng khoán Việt Nam hoạt động năm 2000 đến nay chỉ còn khoảng 6.700 tỷ đồng.

photo-1722006473333

Để thu hút dòng vốn ngoại trở lại, một trong những nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi. Thời gian qua, Chính phủ, các cơ quan quản lý, thành viên thị trường đã có nhiều nỗ lực nhằm tháo gỡ những nút thắt quan trọng qua đó đưa Việt Nam tiến gần hơn đến đích nâng hạng.

Chứng khoán BSC nhận định FTSE sẽ có kỳ đánh giá và đến tháng 9/2024, khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam được xem xét nâng hạng chính thức lần này. Với MSCI, bộ phận phân tích kỳ vọng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được xem xét đưa vào danh sách theo dõi trong tương lai gần, vào tháng 6/2025.

Nếu được nâng hạng, thị trường Việt Nam có cơ hội đón dòng vốn rất lớn từ các quỹ đầu tư lấy MSCI Emerging Market Index làm tham chiếu và đồng thời tái định giá thị trường với mức P/E cao hơn. Theo ước tính, vốn hóa của MSCI Vietnam Investable Market Index (MSCI Vietnam IMI) đạt 32 tỷ USD tại ngày 31/5/2024 trong khi vốn hóa MSCI Emerging IMI lên tới 7.239 tỷ USD.

Hà Linh

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên