3 dự án đường cao tốc: "Nếu làm không cẩn thận sẽ có hệ lụy mất cán bộ"
ĐBQH đặt vấn đề, hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao phải xin cơ chế? Bởi nếu làm không cẩn thận thì sẽ có hệ lụy mất cán bộ sau này, người được quyết, người không được quyết, thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau này.
- 10-06-2022Mới đầu hè, khách bay nội địa đã vượt giai đoạn chưa có dịch COVID-19
- 10-06-202210.000 câu hỏi, kiến nghị của công nhân lao động gửi đến Thủ tướng
- 10-06-2022Xếp hạng IQ cao nhất thế giới: Nhật Bản chỉ đứng thứ hai, Việt Nam đứng thứ mấy?
Đại biểu Quốc hội bày tỏ băn khoăn tại phiên thảo luận luận về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, sáng 10/6.
Tại phiên thảo luận, đa số đại biểu đồng thuận với sự cần thiết đầu tư phải 3 Dự án đường bộ cao tốc và cho rằng việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Không vui gì cho chỉ định thầu, không khéo lại mất cán bộ
Đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong triển khai dự án cần có trình tự ưu tiên rõ ràng, cần ưu tiên giải quyết dứt điểm những dự án còn đang dở dang, chưa hoàn thiện như đường Hồ Chí Minh và ưu tiên cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nơi còn quá ít đường cao tốc. Đồng thời, cần chú trọng hệ thống đấu nối giữa các bên với những đường cao tốc đang mở, tránh tình trạng đầu nhiệm kỳ nguồn ngân sách còn dư, vì áp lực giải ngân nên lại tiếp tục đầu tư thêm dự án thì sau này cân đối vốn rất khó.
Về nguồn vốn địa phương đầu tư cho dự án, đại biểu lo ngại có những địa phương điều kiện còn khó khăn, không đảm bảo được nguồn kinh phí, nên cần có tính toán, phân tích kỹ để chia sẻ những khó khăn với các địa phương.
“Ví dụ như Sóc Trăng và Hậu Giang, những tỉnh rất nghèo, thu 4.000 tỷ đồng/năm. Mỗi năm dự kiến cân đối để bỏ ra 300 tỷ đồng để đối ứng với dự án này thì liệu có đảm bảo hay không? Phải có phương án sẵn để ứng phó trong tình huống địa phương không thể đối ứng được nguồn vốn để thực hiện dự án”, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị.
Về cơ chế đầu tư, đại biểu bày tỏ băn khoăn tại sao Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo đối tác công tư, Luật Đấu thầu… đã có nhưng vào các dự án giao thông này lại phải xin cơ chế.
“Chúng ta nói hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, chủ trương huy động các nguồn lực của xã hội là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước tại sao chúng ta lại cứ phải dùng đầu tư công để thực hiện việc này?”, đại biểu đoàn Quảng Nam đặt câu hỏi.
Về chỉ định thầu, theo ông Hạ “chúng ta xin cơ chế, xin thì Quốc hội đồng ý thôi, nhưng đây không phải là vấn đề phấn khởi”. Vừa qua, vấn đề chỉ định thầu đã tạo ra những kẽ hở, tạo cơ chế xin cho, tính minh bạch, công khai. Đại biểu đoàn Quảng Nam đặt vấn đề, hành lang pháp lý đầy đủ, tại sao phải xin cơ chế?
“Nếu chúng ta làm không cẩn thận thì sẽ có hệ lụy mất cán bộ sau này, đơn vị được, đơn vị không được, người được quyết, người không được quyết, thậm chí đến chất lượng công trình sau này”, đại biểu Tạ Văn Hạ cảnh báo.
Ông dẫn lại hậu quả của cơ chế chỉ định thầu vừa qua trong lĩnh vực y tế do dịch bệnh mà cho cơ chế chỉ định thầu, đã để lại một hệ lụy rất lớn. Do vậy, đại biểu đề nghị trong quá trình triển khai các dự án này phải thực hiện thật kỹ, thật tốt để tránh phải xử lý hậu quả, đặc biệt đau đớn nhất là làm mất đội ngũ cán bộ do cơ chế.
Cần có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng
Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Trình Lam Sinh, Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang lưu ý, hiện nay giá nhiên liệu trong nước đều tăng đột biến do ảnh hưởng của các diễn biến phức tạp trên thế giới, tổng mức đầu tư các dự án thành phần chắc chắn sẽ có sự thay đổi quyết định đầu tư. Vì vậy, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị cần phải có cơ chế, chính sách để rút ngắn thời gian hoàn tất thủ tục liên quan nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc tăng tổng mức đầu tư của dự án.
“Chính phủ cần kiểm tra, rà soát và báo cáo Quốc hội cho phép giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc thay đổi mức tổng mức đầu tư các dự án thành phần trong quá trình triển khai để đảm bảo tiến độ”, đại biểu Trình Lam Sinh đề xuất.
Về giải phóng mặt bằng và khai thác vật liệu đắp nền, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm, Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho biết, tổng thời gian thực hiện giải phóng mặt bằng còn khá dài, thủ tục còn phức tạp, đại biểu đề nghị Quốc hội sớm thống nhất chủ trương tách riêng việc bồi thường hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập trong quyết định đầu tư để giao cho các địa phương thực hiện như đã cam kết về mặt tiến độ cũng như bố trí vốn.
“Cần sớm thống nhất về cơ chế hoặc ban hành nghị quyết triển khai để đồng bộ giữa các quy định. Bởi vì từng tỉnh đều có khung giá đất và mức hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, mức giá bồi thường, hỗ trợ cây trồng, vật nuôi riêng nên không tránh khỏi những hộ dân ở gần nhau trên cùng hướng tuyến sẽ có sự so sánh và làm chậm tiến độ của dự án”, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm nêu ý kiến.
Đối với việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương, đại biểu cho biết, hiện nhiều địa phương có đủ năng lực, kinh nghiệm quản lý, thi công các dự án thi công lớn. Đại biểu đề nghị Quốc hội cho phép chia dự án thành các dự án thành phần theo địa giới hành chính của các tỉnh, thành phố.
“Chính phủ cần xem xét giao cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần, thực hiện các đoạn tuyến đường cao tốc theo hình thức đầu tư công đi qua địa bàn”, nữ đại biểu kiến nghị.
Trước thực trạng các dự án thành phần đường cao tốc có nguy cơ thiếu nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án và nhu cầu sử dụng san lấp mặt bằng rất lớn, đại biểu Thạch Phước Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị trong nghị quyết nên chăng cần quy định rõ trách nhiệm các địa phương có đường cao tốc đi qua cần phải giải quyết các điều kiện, thủ tục về giấy phép đối với các mỏ vật liệu theo quy định của pháp luật, đặc biệt là áp dụng cơ chế đặc thù giống như đối với các dự án của Hà Nội, TP.HCM.
“Bên cạnh áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 43, tôi đề nghị nên chăng trong nghị quyết cũng quy định về trách nhiệm của địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án”, đại biểu Thạch Phước Bình nói.
Theo chương trình, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua các Nghị quyết về Chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (giai đoạn 1); Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1); Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1) vào phiên bế mạc Kỳ họp thứ 3.
VOV