MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 lý do để tin rằng nhịp điều chỉnh sẽ sớm kết thúc và TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục bùng nổ trong giai đoạn cuối năm

Sau nhịp điều chỉnh gần đây, SAB hiện đã về vùng giá 320.000 đồng/cp, VNM là 186.000 đồng/cp. Với SAB, mức giá hiện nay tương ứng giá khởi điểm thoái vốn. Trong khi giá VNM hiện bằng mức giá Jarrdine Cycle & Carriage (JC&C) mua từ tay SCIC.

Chỉ trong 3 phiên giao dịch gần nhất, chỉ số VnIndex đã mất đi 31,37 điểm, tương ứng 3,23%. Mức giảm này thực ra không quá lớn, nhưng trong bối cảnh giới đầu tư đang hừng hực khí thế chời đợi giây phút VnIndex vượt 1.000 điểm thì những phiên điều chỉnh mạnh như gáo nước lạnh dội vào kỳ vọng thị trường.

Cũng phải nói thêm rằng 3 phiên gần đây cũng là chuỗi phiên giảm điểm liên tiếp mạnh nhất trong năm 2017. Điều này cũng khá bất ngờ khi xuyên suốt từ đầu năm tới nay, thị trường chưa hề có nhịp điều chỉnh nào đúng nghĩa. Những lần điều chỉnh trong năm 2017 diễn ra khá ngắn và mức giảm chỉ dưới 3%.

Việc thị trường điều chỉnh mạnh có thể bắt nguồn từ margin tại các CTCK đã “căng cứng”; một số nhà quỹ, nhà đầu tư bắt đầu chốt NAV cuối năm; thị trường thường ảm đạm trước kỳ review ETF hoặc cũng có thể do tâm lý thất vọng từ phiên IPO thất bại của Becamex hay lượng đặt mua cổ phần Vinaconex rất thấp.

Về giao dịch khối ngoại, sau chuỗi ngày mua ròng ấn tượng từ tháng 11 tới nay, họ đã trở lại bán ròng khá mạnh trong 2 phiên gần nhất với giá trị lên tới hơn 700 tỷ đồng càng khiến thị trường thêm phần ảm đạm.

Dù vậy, hiện vẫn có không ít lý do để lạc quan rằng nhịp điều chỉnh này sẽ không quá nghiêm trọng và là cơ hội để tích lũy thêm cổ phiếu trước khi thị trường lấy lại đà bứt phá.

Thị trường giảm nhưng tài khoản tăng

Mặc dù VnIndex giảm mạnh trong vài phiên gần đây và lực bán tập trung mạnh vào Bluechips như VNM, SAB, VIC… nhưng điểm tích cực là hiện tượng bán tháo hàng loạt không diễn ra, ngay cả thời điểm thị trường giảm trên 10 điểm. Ngoài ra, một điểm tích cực trong những phiên qua là chỉ số VnIndex thường có xu hướng hồi phục mạnh về cuối phiên giao dịch.

Trong phiên giao dịch 7/12, bất chấp VnIndex giảm gần 9 điểm nhưng số mã tăng điểm trên HoSE lên tới 142, trong khi số mã giảm chỉ là 132. Còn với Hnx-Index và Upcom-Index, 2 chỉ số có tính thị trường cao hơn do không bị chi phối nhiều bởi Bluechips thậm chí còn tăng điểm. Đây là hiện tượng khá hiếm gặp bởi thông thường VnIndex “đỏ lửa” như vậy thì toàn thị trường nói chung sẽ ảnh hưởng nặng nề. Điều này cho thấy tâm lý giới đầu tư hiện khá vững vàng và dòng tiền luôn thường trực đỡ giá.

Về phân lớp cổ phiếu, trong khi các cổ phiếu trụ bị “đốn” thì dòng tiền vẫn đổ mạnh vào các nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản, xây dựng, dệt may…giúp các nhóm ngành này tăng mạnh. Các nhóm cổ phiếu kể trên vốn có tính thị trường cao và đã tăng tốt, đem lại lợi nhuận không nhỏ cho số đông nhà đầu tư. Thông thường, hiện tượng “đỏ vỏ xanh lòng” là tín hiệu tích cực cho thị trường.


VnIndex hạ nhiệt trước ngưỡng 1.000 điểm

VnIndex "hạ nhiệt" trước ngưỡng 1.000 điểm

Khối ngoại bán ròng chỉ mang tính thời điểm và các deal IPO/thoái vốn vẫn hút khách

Trong 2 phiên gần nhất, mặc dù khối ngoại đã bán ròng hơn 700 tỷ nhưng điều này không thể khẳng định rằng khối ngoại đã thực sự quay đầu bán ròng. Việc bán ròng của khối ngoại những ngày qua có thể đến từ hoạt động chốt NAV đơn thuần hoặc cũng có thể đến từ hoạt động cơ cấu danh mục, chuẩn bị tham gia những đợt IPO/thoái vốn Nhà nước mới.

Như trường hợp Pyn Elite Fund, quỹ này đã tiến hành chốt lời một số cổ phiếu trong danh mục, trong đó có MWG để “dồn tiền” mua cổ phần TPBank. Ngoài ra, những thông tin như F&N tiếp tục đăng ký mua gần 22 triệu cổ phiếu VNM, bất chấp mức giá hiện khá cao cho thấy dòng tiền khối ngoại vẫn chưa hề có dấu hiệu rút ra khỏi Việt Nam và thậm chí còn được bơm thêm rất nhiều.

Với những “deal” lớn không thực sự thành công thời gian gần đây như Becamex, Vinaconex sẽ khiến thị trường hụt hẫng đôi chút. Dù vậy, điều này sẽ khó có thể ảnh hưởng đến diện rộng khi mà động thái của khối ngoại cho thấy họ vẫn rất quan tâm đến các doanh nghiệp tốt, thậm chí sẵn sàng trả giá cao và tất nhiên cũng còn tùy mức độ hấp dẫn của doanh nghiệp. Điều này có thể thấy rõ qua trường hợp Vinamilk hay DIG mới đây đã thu hút sự quan tâm lớn của khối ngoại.

Trong tuần tới, Sabeco sẽ là thương vụ thoái vốn thu hút sự quan tâm lớn nhất trên TTCK Việt Nam năm 2017. Mặc dù nhiều đánh giá cho rằng Sabeco định giá quá cao, hay những “deal” không thành công như Becamex, Vinaconex sẽ ảnh hưởng tới Sabeco nhưng thị trường vẫn đang đồn đoán rằng đã có đối tác sẵn sàng mua cổ phần từ Bộ Công thương. Nếu điều này diễn ra suôn sẻ thì sẽ là yếu tố hỗ trợ tích cực cho thị trường.

Nhóm Bluechips sẽ sớm “ngừng rơi”?

Như đã đề cập ở trên, hiện tại các cổ phiếu dẫn dắt như VNM, SAB, VIC, VJC…đồng loạt giảm sâu là yếu tố chính tác động tiêu cực tới thị trường. Tuy nhiên, nhiều khả năng đà giảm tại nhóm này sẽ không còn kéo dài lâu nữa.

Sau nhịp điều chỉnh gần đây, SAB hiện đã về vùng giá 320.000 đồng/cp, VNM là 186.000 đồng/cp. Với SAB, mức giá hiện nay tương ứng giá khởi điểm thoái vốn. Trong khi giá VNM hiện bằng mức giá Jarrdine Cycle & Carriage (JC&C) mua từ tay SCIC. Không những vậy, F&N cũng tỏ rõ sự “nôn nóng” gia tăng sở hữu của VNM. Do đó, mức giá hiện nay được giới đầu tư coi như vùng “hỗ trợ” cho SAB và VIC.


VNM, SAB đã điều chỉnh về vùng giá thoái vốn

VNM, SAB đã điều chỉnh về vùng giá thoái vốn

Việc các cổ phiếu SAB, VNM giảm mạnh trong những ngày qua theo một số chuyên gia bên cạnh yếu tố chốt lời thuần túy còn có thể do thị trường tự điều chỉnh về vùng hợp lý, phù hợp mức giá thoái vốn.

Nếu trong những phiên tới, SAB, VNM hồi phục có thể sẽ kéo theo đà hồi phục của nhiều Bluechips khác, từ đó lan tỏa tích cực tới thị trường chung.

Minh Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên