MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

3 nước châu Âu công nhận Palestine: Phương Tây đổi thái độ, Israel nhận cú phản đòn ngay trong nước

24-05-2024 - 15:31 PM | Tài chính quốc tế

Việc Na Uy, Ireland, Tây Ban Nha công nhận nhà nước Palestine đã góp phần thúc đẩy tiến trình chính trị, nhằm tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột Palestine - Israel.

Ngày 22/5/2024, Na Uy, Ireland và Tây Ban Nha tuyên bố công nhận Nhà nước Palestine. Quyết định của các nước này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 28/5/2024.

Như vậy đến nay, đã có 146/193 nước thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) công nhận nhà nước Palestine. Đây không chỉ là một quyết định chính trị thuần tuý mà được dựa trên các cơ sở pháp lý vững chắc.

Các nghị quyết của Liên hợp quốc

Ngày 15/11/1988, nhà nước Palestine được tuyên bố thành lập với thủ đô là Đông Jerusalem. Tuyên bố thành lập nhà nước Palestine vào thời điểm đó mang tính biểu tượng vì Hội đồng Quốc gia Palestine không kiểm soát bất kỳ lãnh thổ nào.

3 nước châu Âu công nhận Palestine: Phương Tây đổi thái độ, Israel nhận cú phản đòn ngay trong nước- Ảnh 1.

Lãnh đạo 3 nước châu Âu công nhận Nhà nước Palestine. Ảnh: AP

Ngày 29/11/1947, sau khi kết thúc quyền ủy trị của Anh, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết 181 phân chia vùng đất Palestine lịch sử thành các quốc gia Ả Rập và Do Thái. Đây là cơ sở pháp lý mạnh nhất cho sự tồn tại của nhà nước Palestine độc lập.

Trong cuộc chiến tranh Trung Đông 6 ngày năm 1967, Israel đã chiếm toàn bộ lãnh thổ dành cho việc thành lập nhà nước Palestine gồm Bờ Tây và Dải Gaza.

Ngày 22/11/1967, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA) đã nhất trí thông qua nghị quyết 242 (S/RES/242) và sau đó là nghị quyết 338 (S/RES/338) năm 1973, thể theo chương VI của Hiến chương LHQ, yêu cầu Israel phải rút khỏi tất cả các vùng đất Palestine bị chiếm đóng.

Mới nhất, ngày 23/12/2016, HĐBA thông qua nghị quyết 2334 coi việc Israel xây dựng các khu định cư trên các vùng đất Palestine bị chiếm đóng là "vi phạm trắng trợn" luật pháp quốc tế, và "không có giá trị pháp lý", yêu cầu Israel chấm dứt các hoạt động như vậy và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình với tư cách là lực lượng chiếm đóng theo Công ước Geneva thứ IV.

Nghị quyết này liên quan đến các khu định cư của Israel tại “các vùng lãnh thổ của người Palestine bị chiếm đóng từ năm 1967, bao gồm cả Đông Jerusalem”.

Nghị quyết đã được các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) thông qua với 14 phiếu thuận, trong đó có 4 thành viên thường trực có quyền phủ quyết là Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp, Mỹ bỏ phiếu trắng.

Quy chế hoạt động của Palestine đã được công nhận

Năm 1974, Đại hội đồng LHQ thông qua Nghị quyết 3237 công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) là đại diện hợp pháp duy nhất của nhân dân Palestine và là thành viên quan sát viên.

Ngày 29/11/2012, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết 67/191, theo đó Palestine được trao quy chế “nhà nước quan sát viên” tại LHQ, công nhận nhà nước Palestine bên trong đường biên giới năm 1967 với 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống, trong đó có Mỹ và Israel và 41 phiếu trắng.

Vào thời điểm này, các bộ máy chính quyền tự trị đã được thành lập ở Palestine và Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) được thành lập với thủ đô tạm thời ở Ramallah.

3 nước châu Âu công nhận Palestine: Phương Tây đổi thái độ, Israel nhận cú phản đòn ngay trong nước- Ảnh 2.

Ông Riyad Mansour - quan sát viên thường trực của Palestine tại Liên Hợp Quốc. Ảnh: SCMP

Kể từ tháng 1/2013, các văn bản chính thức của Palestine đã sử dụng tên “Nhà nước Palestine” thay vì “Chính quyền Dân tộc Palestine - PNA”, và người đứng đầu PNA được gọi là “Tổng thống Nhà nước Palestine”.

Ngày 10/5/2024, tại cuộc họp khẩn cấp đặc biệt bàn về tình hình Gaza và tư cách thành viên của Palestine, Đại hội đồng LHQ đã thảo luận và bỏ phiếu thông qua nghị quyết với tỷ lệ áp đảo 143 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 25 phiếu trắng, công nhận “nhà nước Palestine đủ tư cách trở thành thành viên chính thức của LHQ”, đồng thời khuyến nghị HĐBA xem xét ủng hộ tiến trình này.

Ý kiến chuyên gia luật pháp

Tiến sĩ Muhammad Mahmoud Mahran, giáo sư luật quốc tế và là thành viên của Hiệp hội Luật quốc tế Mỹ và Châu Âu cho rằng:

Việc Na Uy và Ireland quyết định công nhận Palestine là một quốc gia có chủ quyền cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với địa vị pháp lý của Palestine trên trường quốc tế và nâng cao cơ hội trở thành thành viên chính thức của LHQ, phù hợp với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, đặc biệt là quyền tự quyết của các dân tộc được ghi trong Hiến chương LHQ và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

Tiến sỹ Mahran nói thêm rằng, sự công nhận này cũng phù hợp với nhiều nghị quyết của LHQ khẳng định các quyền bất khả xâm phạm của người dân Palestine, trong đó có Nghị quyết 181 năm 1947 của Đại hội đồng kêu gọi thành lập hai nhà nước trên vùng đất Palestine lịch sử và Nghị quyết 242 của HĐBA năm 1967 và Nghị quyết 338 năm 1973 kêu gọi Israel rút quân khỏi những vùng đất Palestine bị chiếm đóng.

Ngày 13/9/1993, khi ký Hiệp định hoà bình Oslo với Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), Israel đã ngầm công nhận quyền của người Palestine trong việc thành lập một nhà nước Paestine độc lập sống bên cạnh nhà nước Do Thái.

Điều này sau đó đã được xác nhận trong lộ trình hòa bình được Bộ tứ Quốc tế thông qua năm 2003, trong đó quy định việc thành lập nhà nước Palestine là mục tiêu cuối cùng của các cuộc đàm phán.

Giải pháp duy nhất giải quyết cuộc xung đột

Sự ủng hộ đối với sự nghiệp của Palestine đang gia tăng trên khắp thế giới. Các nước phương Tây đang thay đổi thái độ đối với đồng minh Israel.

Các cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến của Israel tại Dải Gaza, ủng hộ Palestine bùng nổ thu hút nhiều tầng lớp tham gia tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt gần đây phong trào này đã lan rộng tại các trường đại học Mỹ và châu Âu. Ngay tại chính Israel cũng có nhiều tiếng nói ủng hộ việc công nhận các quyền dân tộc của người Palestine.

3 nước châu Âu công nhận Palestine: Phương Tây đổi thái độ, Israel nhận cú phản đòn ngay trong nước- Ảnh 3.

Tác giả Nguyễn Quang Khai được Thủ tướng Palestine Mohammad Ibrahim Shtayyeh tiếp tại Ramallah tháng 8/2023 và tặng cuốn sách “Lịch sử vấn đề Palestine” do ông biên soạn. Ảnh: Tác giả cung cấp

Các nhà phân tích chính trị cho rằng, việc nhiều nước châu Âu công nhận nhà nước Palestine đang dẫn đến một sự thay đổi về chất trong quan điểm quốc tế về vấn đề Palestine. Thời gian gần đây, các nước có vai trò nòng cốt ở châu Âu đã bắt đầu thay đổi quan điểm của mình đối với cuộc xung đột Palestine - Israel.

Ngoại trưởng Anh David Cameron nói, việc công nhận nhà nước Palestine có thể đến sớm hơn để giúp đẩy nhanh quá trình giải quyết chính trị.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lưu ý rằng: “Việc công nhận một nhà nước Palestine không phải là điều cấm kỵ đối với Pháp”. Tháng 5 vừa qua, tại cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng, Pháp đã bỏ phiếu ủng hộ tư cách thành viên của Palestine tại LHQ.

Trong bối cảnh nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Israel và Palstine trên cơ sở giải pháp hai nhà nước, việc chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và thành lập một nhà nước Palestine độc lập - với Đông Jerusalem giữ vai trò thủ đô - là một yêu cầu pháp lý, đạo đức và chính trị không thể thiếu để đạt được một giải pháp công bằng cho cuộc xung đột kéo dài 76 năm, gây đổ máu không chỉ cho người Palestine mà cả cho người Do Thái.

Đây là biện pháp duy nhất có thể giải quyết cuộc xung đột giữa hai phía nhằm lập lại một nền hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài không chỉ giữa Palestine và Israel, mà còn cho toàn bộ khu vực Trung Đông.

Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên