3 quy định mới chính thức từ 1/1/2025, người có tài khoản ngân hàng nhất định phải biết
Từ ngày 1/1/2025, hàng loạt quy định mới của ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực.
Tạm dừng giao dịch với người chưa cập nhật sinh trắc học và giấy tờ tùy thân mới
Theo quy định tại Thông tư 17 và Thông tư 18 của NHNN, từ ngày 1/1/2025, chủ tài khoản thanh toán và chủ thẻ ngân hàng sẽ bị tạm ngừng toàn bộ giao dịch trực tuyến hoặc giao dịch tại quầy, giao dịch chuyển/rút tiền bằng mã QR tại ATM nếu chưa hoàn tất cập nhật thông tin sinh trắc học và giấy tờ tùy thân còn hiệu lực.
Bên cạnh đó, Luật Căn cước 2023 cũng quy định chứng minh nhân dân cũ (9 số và 12 số) sẽ hết giá trị sử dụng trong các giao dịch từ ngày 31/12/2024.
Do đó, khách hàng cần nhanh chóng cập nhật căn cước công dân gắn chip mới có hiệu lực trong hệ thống ngân hàng để tránh gián đoạn giao dịch.
Lưu ý, trong trường hợp chưa xác thực sinh trắc học khách hàng vẫn có thể thực hiện các giao dịch rút tiền tại ATM bằng thẻ vật lý hoặc giao dịch bằng thẻ tại thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS...).
Đối với khách hàng có giấy tờ tùy thân hết hạn, ngân hàng sẽ tạm dừng giao dịch thẻ trên tất cả các kênh (trực tuyến, quầy, ATM).
Hạn mức rút tiền mặt thẻ tín dụng không vượt quá 100 triệu đồng/tháng
Từ ngày 1/1/2025, tổ chức phát hành thẻ sẽ thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, chuyển khoản, rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ phù hợp với quy định.
Theo đó, đối với thẻ tín dụng, tổng hạn mức rút tiền mặt tối đa là 100 triệu đồng/tháng.
Thẻ trả trước định danh có tổng hạn mức giao dịch (rút tiền mặt, chuyển khoản, thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ) không được vượt quá 100 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, đối với thẻ trả trước vô danh, tổ chức phát hành thẻ quy định hạn mức số dư, nạp thêm tiền và hạn mức giao dịch; bảo đảm số dư tại mọi thời điểm không được quá 5 triệu đồng.
Ngoài ra, hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài tối đa là 30 triệu đồng/ngày cho mỗi thẻ.
Ứng dụng ngân hàng không được phép lưu mật khẩu
Theo Điều 8, Thông tư 50 của NHNN, kể từ đầu năm 2025, các ứng dụng ngân hàng sẽ không được có chức năng ghi nhớ mã khóa bí mật truy cập (mật khẩu). Hiện nay, nhiều ứng dụng ngân hàng cũng đã loại bỏ chức năng này.
Thay vào đó, khách hàng có thể sử dụng các tính năng sinh trắc học như cảm biến vân tay hoặc FaceID để đăng nhập nhanh chóng và thuận tiện hơn.
Ngoài việc loại bỏ tính năng ghi nhớ mật khẩu, Điều 8 còn quy định các ứng dụng Mobile Banking phải đáp ứng các yêu cầu bảo mật như:
- Đăng ký và quản lý chính thức: Ứng dụng Mobile Banking phải được đăng ký tại các kho ứng dụng chính thức như Google Play hoặc Apple App Store. Hướng dẫn cài đặt cần được đăng tải rõ ràng trên trang web của ngân hàng.
- Chống dịch ngược mã nguồn: Các biện pháp bảo vệ ứng dụng phải được áp dụng để ngăn chặn việc giải mã trái phép.
- Bảo vệ dữ liệu: Ngăn chặn can thiệp trái phép vào luồng dữ liệu giữa ứng dụng và máy chủ. Triển khai các giải pháp nhằm phát hiện, phòng chống hành vi xâm nhập.
- Xác thực người dùng chặt chẽ hơn: Với khách hàng cá nhân, ứng dụng phải kiểm tra kỹ khi khách hàng truy cập lần đầu hoặc sử dụng thiết bị mới. Hình thức xác thực bao gồm: OTP (qua SMS, Voice, hoặc Soft/Token) và xác thực sinh trắc học (nếu được pháp luật quy định).
Đời sống & Pháp luật