MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘3 tại chỗ’ và nỗi lo tại các nhà máy: Lãnh đạo loạt doanh nghiệp đề xuất phương án gì thay thế?

Sau một thời gian thực hiện phương án “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”, nhiều doanh nghiệp và các hiệp hội đã đề xuất chấm dứt phương án này. Theo đó, lãnh đạo các doanh nghiệp cũng lần lượt đưa ra các đề xuất để thay thế.

Doanh nghiệp nhỏ phải đóng cửa, doanh nghiệp lớn giảm công suất

Tại Đồng Nai, ngày 30/7, UBND tỉnh đã ban hành văn bản về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội trong phòng chống dịch, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 địa điểm". Thời gian áp dụng trong 15 ngày, kể từ 0h ngày 2/8.

Song, báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA) cho biết, nhiều doanh nghiệp hiện đề nghị chấm dứt việc thực hiện phương án trên, hoặc người lao động chủ động đề nghị chất dứt việc lưu trú tại doanh nghiệp.

Mới đây, tại buổi tọa đàm trực tuyến ghi nhận tình hình hoạt động của Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), Giám đốc Công ty TNHH gỗ Hạnh Phúc (Happy Furniture) Lê Xuân Tân đã chỉ ra những khó khăn khi doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ". Cụ thể:

- Doanh nghiệp mất rất nhiều chi phí để xây dựng một khu vực sản xuất theo đúng tinh thần "nột bất xuất, ngoại bất nhập".

- Trước khi áp dụng "3 tại chỗ", tất cả công nhân đều phải test nhanh, test PCR, còn phải cồn phun khử khuẩn hằng ngày cho toàn bộ nhà máy. Điều này dẫn đến chi phí rất lớn, trong khi tiêu thụ thị trường lại đang giảm.

‘3 tại chỗ’ và nỗi lo tại các nhà máy: Lãnh đạo loạt doanh nghiệp đề xuất phương án gì thay thế? - Ảnh 1.

Doanh nghiệp bố trí chỗ ngủ lại cho nhân viên tại nơi làm việc

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Chánh Trung, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long, nhiều nhà máy sấy lúa, bóc vỏ quy mô nhỏ buộc phải đóng cửa vì không đáp ứng được "3 tại chỗ". Trong khi đó, đây lại lại lực lượng đóng góp tích cực nhất khi vào mùa vụ. Điều này dẫn đến công suất sản xuất của Tân Long giảm xuống khoảng 50% so với mức thông thường.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa qua cũng gửi văn bản đến Thủ tướng Chính phủ đề xuất giải pháp nhằm hạn chế sự đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng. Cụ thể, hiện số doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam đang áp dụng "3 tại chỗ" là không ít. Tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện sự đổ vỡ của mô hình "3 tại chỗ" ở một số nhà máy, với các ca F0 xuất hiện liên tiếp và nhân lên nhanh chóng.

Với năng lực y tế tại chỗ gần như bằng không, cộng với hệ thống y tế địa phương cũng quá tải, thì khâu xử lý các ca F0, F1 trong các nhà máy này đang hết sức rối, khiến doanh nghiệp và người lao động đều bị tác động nặng về tâm lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp khác trên địa bàn.

Ngoài ra, ông Lê Viết Hải, đại diện Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP. HCM (SACA), Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC), Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC) cũng đưa ra những lý do cho thấy phương án "3 tại chỗ" hay "1 cung đường - 2 điểm đến" chưa thể phát huy được ưu điểm:

- Doanh nghiệp hạn chế về tài chính, nguồn lực (kiểm soát việc ra vào của người lao động).

- Thường xuyên phải xét nghiệm đối với lực lượng lao động: công nhân, bảo vệ, người quản...

- Thiếu cơ sở vật chất (phục vụ chỗ ăn, ở cho người lao động theo tiêu chuẩn).

Các đề xuất

Trước tình hình hiện tại, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long Nguyễn Chánh Trung kiến nghị: "Bộ Công thương và Bộ tế cần điều chỉnh các quy định phòng, chống dịch thực tế hơn để doanh nghiệp có thể thông thương, tiếp tục sản xuất".

Ông Trung nhận định, "3 tại chỗ" nên được đánh giá lại, cho áp dụng ở quy mô nhỏ thay vì áp dụng diện rộng trên toàn quy mô sản xuất công nghiệp như hiện nay.

Tương tự, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề xuất tính toán thực hiện mô hình "3 tại chỗ" ở các địa phương có tình hình dịch bệnh vẫn ở diện "kiểm soát được". Cùng với việc thực hiện "3 tại chỗ", cần có một quy trình phối hợp công – tư chặt chẽ và một quy trình giám sát nghiêm túc trong quá trình triển khai để phát hiện và ứng phó sớm với mọi vấn đề phát sinh là hết sức cần thiết.

Điều này giúp địa phương tính toán được nhu cầu y tế và các điều kiện cần thiết khác duy trì cho chống dịch; đồng thời giúp doanh nghiệp có thể yên tâm vận hành công việc.

Hay như ông Lê Viết Hải kiến nghị, Chính phủ cần thay đổi chiến lược phòng chống Covid-19 phù hợp với tình hình mới. Theo đó, người dân và doanh nghiệp cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc phòng chống dịch bằng "Công thức 7K + 3T".

Trong đó 7K bao gồm: "Khẩu trang - Khoảng cách - Khử khuẩn - Không tụ tập - Khai báo y tế - Không khí trong lành - Khỏe mạnh" và 3T là: "Tự phát hiện - Tự cách ly - Tự chăm sóc". "Công thức 7K + 3T" không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả khi có nguy cơ bị lây hoặc đã bị lây nhiễm bệnh Covid-19.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên