MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

‘30 chưa phải là Tết’, lạm phát Mỹ vẫn ‘nhấp nháy’ những dấu hiệu cảnh báo này

19-07-2023 - 18:35 PM | Tài chính quốc tế

‘30 chưa phải là Tết’, lạm phát Mỹ vẫn ‘nhấp nháy’ những dấu hiệu cảnh báo này

Thực tế, Fed vẫn chưa thể “thở phào nhẹ nhõm” và cuộc chiến lạm phát vẫn là một hành trình dài.

Tín hiệu vui?

Báo cáo CPI vào tuần trước đã khiến thị trường tài chính toàn cầu cảm thấy lạc quan phần nào. Tuy nhiên, một điểm dữ liệu chưa thể nói lên bức tranh toàn cảnh. Theo CNBC, vẫn còn những vấn đề tiềm ẩn đáng lo ngại trong nền kinh tế, ví dụ giá nhiên liệu tăng cao hay thị trường bất động sản vẫn “tắc nghẽn”.

Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein cho biết báo cáo tháng 6 không phải chiến thắng và công việc của họ vẫn chưa kết thúc. Tuy nhiên ông bày tỏ sự vui mừng khi những tín hiệu tích cực đã giúp các hộ gia đình Mỹ “dễ thở” hơn.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng 3% so với cùng kỳ. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021. Nếu so sánh với tháng trước, chỉ số này đã tăng 0.2%. Cả hai mức tăng đều thấp hơn dự báo của các chuyên gia lần lượt là 3,1% và 0.3%.

‘30 chưa phải là Tết’, lạm phát Mỹ vẫn ‘nhấp nháy’ những dấu hiệu cảnh báo này - Ảnh 1.

Cũng trong tuần trước, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ đã cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 6 chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 1,1% của tháng 5. PPI lõi cũng chỉ tăng 2,6% - thấp hơn mức tăng 2,8% của tháng 5.

Các chỉ số đã khiến nhiều người lạc quan rằng lạm phát đang dần tiến đến mức mục tiêu 2% của Fed và hy vọng Ngân hàng trung ương có thể nới lỏng chính sách thắt chặt tiền tệ.

Liệu có tạm lắng một thời gian?

Nhà kinh tế học Andrew Hollenhorst của Citigroup cho biết: “Lạm phát đã hạ nhiệt. Tăng trưởng việc làm chậm lại nhưng vẫn tích cực. Đây là những yếu tố có thể tạo nên kịch bản hạ cánh mềm”.

Tuy nhiên, nhóm kinh tế của Citi cũng đang lo lắng về một dấu hiệu "đang nhấp nháy". Có thể các điều kiện lý tưởng, bao gồm chi tiêu ổn định của người tiêu dùng, chuỗi cung ứng mạnh hơn, giá của một số lĩnh vực quan trọng như năng lượng và phương tiện giảm - có thể sẽ không kéo dài.

Ông Hollenhorst nói thêm: “Tiền lương vẫn đang được tăng ở mức cao, rủi ro lạm phát về nhà ở và các dịch vụ khác có thể khiến chúng ta khó có thể thực sự lạc quan. Nếu không thắt chặt, lạm phát có thể tăng ở mức cao trở lại vào đầu năm 2024”.

Về phần mình, một số quan chức Fed cho biết họ có thể sẽ tăng lãi suất thêm một lần vào cuối năm.

Có nhiều dấu hiệu cảnh báo mọi thứ “chưa kết thúc”

Có nhiều lý do cần thận trọng về hướng đi của lạm phát. Điều này dễ dàng nhận thấy khi chỉ số CPI đã giảm đáng kể nhưng CPI lõi thì không.

CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng đã tăng 4.8% so với cùng kỳ và 0.2% so với tháng 5. Con số này thấp hơn so với ước tính tăng 5% và 0.3%. Tuy nhiên vẫn cao hơn nhiều so với mức mong muốn của Fed.

Nhà ở cũng là một điểm cần quan tâm. Chi phí nhà ở đã tăng 0,4% trong tháng 6 và tăng 7,8% so với cùng kỳ. Đây là mức cao nhất nửa đầu năm nay và tiệm cận mức cao nhất kể từ đầu những năm 1980.

Lạm phát đã gây ra nhiều “đau đớn”

Các quan chức Fed đã cam kết sẽ không “chủ quan” về lạm phát. Bên cạnh đó, họ cũng nhiều lần bày tỏ lo ngại về tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ đến các gia đình và người lao động có thu nhập thấp.

Các doanh nghiệp nhỏ cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá cả tăng cao cũng như mức lãi suất mà Fed đề ra.

David Cody, đồng sáng lập và đồng giám đốc điều hành của Newity, cho biết: “Lạm phát chắc chắn đã thay đổi kết cấu chi phí, trong một số trường hợp nó có thể là thực trạng vĩnh viễn đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ”.

Ông Cody cũng nói môi trường hiện tại rất khó khăn để cấp vốn cho doanh nghiệp nhỏ và ông đã không có nhiều kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong một thời gian. Ông cho rằng sẽ phải thay đổi khá nhiều nếu muốn thay đổi cục diện bởi vài năm qua, nền kinh tế đã trải qua “những cơn gió ngược”, bao gồm cả ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều bằng chứng cho thấy lạm phát đang đi đúng hướng. Việc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng toàn cầu là yếu tố tích cực nhất.

Ngoài ra, khi người tiêu dùng sử dụng hết các khoản tiết kiệm - được tích lũy từ chính sách hỗ trợ của chính phủ hồi đại dịch - thì nhu cầu có thể sẽ giảm. Từ đó giá các mặt hàng và dịch vụ sẽ giảm theo. Những xu hướng đó cũng có thể thúc đẩy Fed “nới lỏng” chính sách.

‘30 chưa phải là Tết’, lạm phát Mỹ vẫn ‘nhấp nháy’ những dấu hiệu cảnh báo này - Ảnh 2.

“Thực tế, mức lạm phát hiện tại vẫn có tác động tiêu cực đến người tiêu dùng. Vì vậy, mặc dù chúng ta đang đi đúng quỹ đạo, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước”, Kavan Choksi, giám đốc KC Consulting nhận định.

Tham khảo CNBC

Thùy Bảo

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên