Châu Âu đang trải qua ‘cơn bão’ chưa từng có trong nhiều thập kỷ, dự kiến gây ra ảnh hưởng không nhỏ cho các nền kinh tế
Từng được ngưỡng mộ bởi mức chi tiêu “phóng khoáng”, giờ đây nhiều khu vực châu Âu lại lâm vào cảnh “nhà giàu cũng khóc”, vì đâu nên nỗi?
- 18-07-2023Khởi nghiệp 0 đồng chỉ bằng ‘đồ đi mượn’, chàng trai 30 tuổi kiếm ngay 450 triệu trong năm đầu tiên, năm thứ tư đã thu về hơn 3 tỷ đồng
- 16-07-2023Nằm gọn trong lòng bàn tay nhưng đủ giúp một quốc gia châu Á tiết kiệm hơn 198 nghìn tỷ đồng, người Việt Nam cũng rất hào hứng với công nghệ tương tự
- 15-07-20231 quan chức Fed vừa đưa ra nhận định mới về diễn biến sắp tới của việc tăng lãi suất, kỳ lạ vì…‘quay ngoắt 180 độ’ so với suy đoán của thị trường
“Cơn bão” đang xảy đến với châu Âu
Theo The Wall Street Journal (WSJ), người dân châu Âu đang phải đối mặt với một thực trạng kinh tế mới - điều mà họ chưa từng trải qua trong nhiều thập kỷ - đó là trở nên “nghèo hơn”. Theo thống kê, sức mua của người dân khu vực này đã sụt giảm một cách rõ rệt.
Được biết, người Pháp đang ăn ít gan ngỗng và uống ít rượu vang đỏ hơn. Người Tây Ban Nha dùng dầu ô liu một cách tiết kiệm. Người Phần Lan thì được khuyến khích sử dụng phòng xông hơi vào những ngày nhiều gió thay vì ngày thường. Trên khắp nước Đức, mức tiêu thụ thịt, sữa cũng giảm xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ và thị trường thực phẩm hữu cơ từng bùng nổ cũng lao dốc không ngờ.
Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Ý Adolfo Urso đã triệu tập một cuộc họp khẩn vào tháng 5 sau khi nhận thấy mì ống, mặt hàng chủ lực được yêu thích của nước này tăng giá hơn gấp đôi so với mức lạm phát của Ý.
Theo WSJ, việc chi tiêu cho tiêu dùng đã “rơi tự do”, châu Âu đã trải qua suy thoái hồi đầu năm. Người trong ngành cũng nhận định kinh tế châu Âu đã gặp nhiều “biến động” từ lâu. Dân số già, xu hướng chuộng công việc ổn định, nhiều thời gian rảnh hơn là công việc có thu nhập cao đã mở ra một thời kỳ tăng trưởng kinh tế có phần mờ nhạt. Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cũng khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Trong quá khứ, ngành xuất khẩu của châu Âu đóng vai trò rất lớn cho sự phát triển kinh tế chung. Tuy nhiên, tình trạng phục hồi có phần “ảm đạm” của Trung Quốc - một thị trường lớn của châu Âu đã ảnh hưởng tới trụ cột tăng trưởng này.
Chi phí năng lượng cao, lạm phát cao đã và đang làm giảm lợi thế về giá của các nhà sản xuất trên thị trường quốc tế. Và khi thương mại toàn cầu “nguội” đi, sự phụ thuộc lớn của châu Âu vào xuất khẩu - vốn chiếm khoảng 50% GDP của khu vực Eurozone - đã trở thành một điểm yếu.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chi tiêu tiêu dùng cá nhân đã giảm khoảng 1% tại 20 quốc gia thuộc khu vực Eurozone kể từ cuối năm 2019, sau khi điều chỉnh theo lạm phát.
Tại Mỹ, thị trường lao động vẫn diễn ra mạnh mẽ và thu nhập ngày càng tăng. Chi tiêu tiêu dùng tại nước này đã tăng gần 9%. Được biết, Liên minh châu Âu (EU) hiện chiếm khoảng 18% tổng chi tiêu tiêu dùng toàn cầu, so với 28% của Mỹ. Còn 15 năm trước, EU và Hoa Kỳ mỗi bên chiếm khoảng 25%.
Thống kê mới nhất cũng cho thấy, từ năm 2019, tiền lương ở Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp đã giảm lần lượt khoảng 3%, 3,5%, 3,5% và 6%. Còn theo dữ liệu của OECD, tiền lương ở Mỹ đã tăng khoảng 6% trong cùng kỳ.
Châu Âu đã “mất mát” những gì?
“Nỗi đau” này không bỏ qua các khu vực giàu có. Vào một buổi tối gần đây, tại Brussels, một trong những thành phố giàu có nhất châu Âu, nhiều giáo viên và y tá đã đứng xếp hàng để mua các hàng hóa được giảm 50% sau một chiếc xe tải.
Hay nhà cung cấp hàng hóa Happy Hours Market đã phải thu gom thực phẩm sắp hết hạn từ các siêu thị và quảng cáo chúng thông qua một ứng dụng. Khách hàng có thể đặt hàng vào đầu giờ chiều và nhận hàng giảm giá vào buổi tối.
“Một số khách hàng nói rằng nhờ có tôi mà họ có thể ăn thịt hai hoặc ba lần mỗi tuần,” Pierre van Hede, một người phân chia hàng tạp hóa cho biết.
Các dịch vụ tương tự đã mọc lên khắp khu vực với khẩu hiệu giảm lãng phí thực phẩm cũng như tiết kiệm tiền. TooGoodToGo, một công ty được thành lập tại Đan Mạch vào năm 2015 chuyên bán các thực phẩm còn dư từ các đơn vị bán lẻ và nhà hàng đã có 76 triệu người dùng đăng ký trên khắp châu Âu.
Tại Đức, Sirplus - một công ty khởi nghiệp được thành lập vào năm 2017 đã “giải cứu” các sản phẩm “tiệm cận” hết hạn sử dụng trên cửa hàng trực tuyến của mình. Motatos được thành lập ở Thụy Điển vào năm 2014 và hiện đã có mặt ở Phần Lan, Đức, Đan Mạch và Anh cũng cung cấp dịch vụ như vậy.
Chi tiêu cho các cửa hàng tạp hóa cao cấp cũng giảm. Mỗi người Đức tiêu thụ khoảng 52 kg thịt vào năm 2022, ít hơn khoảng 8% so với năm trước và là mức thấp nhất kể từ khi dữ liệu được thống kê vào năm 1989. Ngoài ra, người Đức cũng đang đổi các loại thịt như thịt bò và thịt bê sang những loại rẻ hơn như thịt gia cầm.
Thomas Wolff, một nhà cung cấp thực phẩm hữu cơ gần thành phố Frankfurt cho biết doanh số bán hàng của ông đã giảm tới 30% vào năm ngoái. Ông cũng đã thuê 33 nhân viên trong đại dịch để đáp ứng nhu cầu mạnh mẽ đối với thực phẩm hữu cơ đắt tiền. Tuy nhiên, sau đó ông buộc phải sa thải họ.
Ronja Ebeling, một tác giả 26 tuổi ở Hamburg cho biết cô đang tiết kiệm khoảng 1/4 thu nhập của mình. Một phần là do cô lo lắng về việc có đủ tiền để nghỉ hưu hay không. Thời gian gần đây, cô đã chi tiêu rất ít cho quần áo và đồ trang điểm.
Noa Cohen, một chuyên gia quan hệ công chúng ở London cho rằng mức sống ở châu Âu dường như có thể sẽ bị “đóng băng” vĩnh viễn.
Vào tháng 4, Huw Pill, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Anh đã cảnh báo rằng công dân nước này có thể sẽ phải chấp nhận thực trạng rằng họ sẽ nghèo hơn và khó có thể nhận được mức lương cao.
Với việc chi phí đi vay tăng, các nhà kinh tế châu Âu cho rằng thuế có thể sẽ tăng theo và gây ra áp lực cho người tiêu dùng. Thuế ở châu Âu đã cao hơn so với thuế ở các nước giàu có khác, tương đương khoảng 40-45% GDP - cao hơn 27% ở Mỹ. Nghĩa là người lao động Mỹ mang về nhà gần 3/4 số tiền lương của họ, trong khi công dân Pháp và Đức chỉ giữ một nửa.
Ngoài ra, nhiều người lao động tại khu vực này có xu hướng chọn công việc có nhiều thời gian rảnh hơn thay vì tiền lương cao. Gần một nửa số nhân viên trong ngành y tế của Đức chọn làm việc khoảng 30 giờ mỗi tuần thay vì toàn thời gian.
Kristian Kallio, một nhà phát triển trò chơi ở miền bắc Phần Lan, gần đây đã quyết định giảm 10% lương để đổi lấy giảm 1/5 tuần làm việc của mình xuống còn 30 giờ. Bây giờ anh kiếm được khoảng 2.500 euro mỗi tháng (khoảng 66 triệu đồng). “Ai lại không muốn làm việc trong thời gian ngắn hơn?”, Kallio nói.
Hiện anh làm việc từ 10 giờ sáng đến 4 giờ 30 chiều. Anh sử dụng thời gian rảnh của mình cho các sở thích, nấu những món ăn ngon và đạp xe đường dài. Và xu hướng này cũng đã phần nào ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế.
Tham khảo WSJ
Nhịp sống thị trường