MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

305.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn trong 3 năm tới, CEO FiinGroup chỉ ra 4 thách thức của thị trường

09-06-2022 - 08:49 AM | Doanh nghiệp

305.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn trong 3 năm tới, CEO FiinGroup chỉ ra 4 thách thức của thị trường

5 năm gần đây quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh, mức tăng trưởng các năm gần đây ở mức 40%/năm, đạt quy mô 15% GDP. Các nội dung sửa nghị định 153 về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ theo hướng thắt chặt.

Maybank tổ chức hội nghị nhà đầu tư thường niên, Invest ASEAN 2022 vào hai ngày 8-9 tháng 6 năm 2022 tại 6 thành phố lớn ở khu vực Đông Nam Á (Kuala Lumpur, Singapore, Bangkok, Jakarta, Manila và TP. Hồ Chí Minh) với chủ đề “ASEAN - định hình tương lai".

Sau sự việc Tân Hoàng Minh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) giảm tốc và trải qua một đợt rà soát của cơ quan quản lý, có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng thị trường này quá rủi ro. Tại phiên thảo luận “Thị trường trái phiếu Việt Nam: Gạn đục khơi trong”, 3 khách mời là Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup, bà Lê Hồng Liên, Giám đốc phụ trách Quan hệ Nhà đầu tư, Ngân hàng Techcombank đã chia sẻ góc nhìn đa chiều về thị trường trái phiếu cũng như ý kiến thành viên thị trường về việc sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.

Huy động vốn qua kênh trái phiếu doanh nghiệp rất lớn

Chia sẻ về thực trạng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup, đơn vị được cấp phép dịch vụ xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp cho rằng, thị trường vốn Việt Nam gặp phải thực trạng bất cân xứng thông tin rất lớn.

Theo ông Thuân, trước đây, vốn của doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa vào ngân hàng, khi nền kinh tế phát triển nhu cầu vốn của thị trường rất lớn trong khi nguồn lực của ngân hàng không đủ, nên 5 năm gần đây quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng rất mạnh, mức tăng trưởng các năm gần đây ở mức 40%/năm, đạt quy mô 15% GDP.

Trong 5 năm qua, thị trường trái phiếu đóng vai trò rất lớn và nếu không có kênh này thì nền kinh tế không thể tăng trưởng như vừa qua. Trong 2 năm Covid, tổng quy mô 11 triệu tỷ tiền tín dụng ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu trung và dài hạn. Số liệu của FiinRatings cho thấy huy động vốn từ TPDN năm 2021 là 715.000 tỷ đồng trong khi giá trị cho vay mới trung và dài hạn của NHTM là 700.000 tỷ đồng còn huy động vốn cổ phần từ thị trường chứng khoán đạt 101.000 tỷ đồng.

Tổ chức phát hành trái phiếu chủ yếu là ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản, năng lượng và xây dựng. Trong quy mô 1,5 triệu tỷ đồng đang lưu hành, hệ thống ngân hàng chủ yếu phát hành trái phiếu để tăng vốn cấp 2, CTCK phân phối chiếm chưa đến 25%, nên theo ông Thuân vấn đề bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư cá nhân chuyên và không chuyên (khoảng 300.000 tỷ đồng) là vấn đề cần quan tâm chính.

Hoạt động phát hành đang kém sôi động trước những biện pháp "lành mạnh hoá"

305.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn trong 3 năm tới, CEO FiinGroup chỉ ra 4 thách thức của thị trường - Ảnh 1.

Theo ông Nguyễn Quang Tuân, thị trường TPDN đang gặp 4 thách thức.

Thứ nhất, các thay đổi pháp lý đang ở giai đoạn nhạy cảm, tất cả các thành viên thị trường, cơ quan quản lý đang đưa ra giải pháp nhằm phát triển hài hoà, dài hạn có lợi thị trường.

Thứ hai, ngành ngân hàng không siết tín dụng BĐS nhưng kiểm soát chặt chẽ hơn, thông điệp của ông Thuân là phải chọn lọc, ngành bất động sản có 7-8 phân khúc khác nhau thì nên siết đất nền, còn với thị trường căn hộ nếu người dân, người có nhu cầu thật thì có thể áp dụng mô hình như Trung Quốc, một gia đình có 3 con có thể mua 2 căn hộ, dữ liệu này có nên ông Thuân khuyến nghị nên áp dụng chuyển đổi số vào thị trường trái phiếu chứ không nên siết chung chung.

Thách thức thứ 3, năng lực vay nợ của các doanh nghiệp vẫn còn đặc biệt là các doanh nghiệp lớn niêm yết. Trong khi đó, các doanh nghiệp dự án lập nên để đi vay thì phải siết lại vì năng lực tín dụng rất yếu, hệ số khả năng trả nợ gốc 8 lần, tức là hệ số nợ gấp 8 lần năng lực tạo ra tiền trong khi đó kỳ hạn trái phiếu 3 năm nên mất cân đối nghiêm trọng, ông Thuân khuyến nghị cần phải chuẩn hóa điều kiện phát hành vì năng lực các DN chưa có hồ sơ là một vấn đề.

Thách thức thứ 4, việc sửa đổi phát hành trái phiếu để đáo hạn nợ. Nếu chặn lại thì theo ông Thuân, điều này giống như "đoàn tàu đang chạy khựng lại sẽ đổ hết". Bản chất của thị trường trái phiếu là cho phép tái cấu trúc nợ, khẩu vị nhà đầu tư mới theo kỳ hạn dài hơn hoặc lãi suất cao hoặc thấp hơn, vấn đề là doanh nghiệp phải minh bạch thông tin. Nợ đến hạn, doanh nghiệp hết tiền trong khi dự án vẫn triển khai vấn đề là nếu doanh nghiệp minh bạch thông tin thì nhà đầu tư mới sẵn sàng tham gia. Nếu chính sách thay đổi thì nợ đến hạn sẽ làm gánh nặng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến trái chủ mà ảnh hưởng đến hệ thống ngân hàng vì một doanh nghiệp vay thường 2 nguồn: 50% là tín dụng ngân hàng 50% TPDN nên khả năng vỡ nợ chéo là có, nên chính sách cần linh hoạt.

Theo số liệu của FiinRatings, quy mô TPDN của ngành BĐS khoảng 487.000 tỷ đồng vào thời điểm cuối tháng 4/2022 và khoảng 63% con số này với khoảng 305.000 tỷ đồng sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới (2022-2024).

305.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn trong 3 năm tới, CEO FiinGroup chỉ ra 4 thách thức của thị trường - Ảnh 2.

Cần siết quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp

Theo ông Nguyễn Quang Thuân, cơ quản quản lý có kế hoạch đề xuất Quốc hội thay đổi định nghĩa nhà đầu tư chuyên nghiệp theo hướng chặt chẽ hơn. "Nếu tôi được đề xuất thì tôi muốn thay đổi hẳn số tiền đầu tư trái phiếu, ví dụ muốn mua 1 tỷ trái phiếu thì nhà đầu tư phải có 10 tỷ, dự thảo đang để nhà đầu tư duy trì NAV 2 tỷ liên tục trong 2 năm cũng là một cách. Còn theo tôi đề xuất nhà đầu tư cá nhân rót tiền thông qua các quỹ trái phiếu là không thể vì đó là quyền của họ, họ chỉ rót tiền cho các quỹ làm ăn tốt", ông Thuân nêu ý kiến.

305.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp BĐS đáo hạn trong 3 năm tới, CEO FiinGroup chỉ ra 4 thách thức của thị trường - Ảnh 3.

Bà Tạ Thanh Bình, đại diện cơ quan quản lý cho rằng, hiện nay nhà đầu tư cá nhân đang nắm giữ trên 30% thị trường TPDN, nhưng con số đó nguy hiểm hay không?

"Quan trọng là trong số đó có đúng 30% là các nhà đầu tư chuyên nghiệp theo quy định nắm giữ hay không. Nếu có lẫn nhiều nhà đầu tư không chuyên tham gia thì mới là đáng lo, bởi mối lo của chúng tôi với trái phiếu phát hành riêng lẻ là tự vay, tự trả và để làm điều đó, nhà đầu tư khi mua phải hiểu được bản chất trái phiếu, có khả năng tự chịu trách nhiệm khi mua trái phiếu.

Tuy nhiên, do nhiều lý do, có thể ham lãi suất cao, các nhà đầu tư không đạt chuẩn họ tham gia mà không hiểu hết thì rủi ro cho chính họ, qua đó tác động nên rủi ro hệ thống.

Tôi cho rằng, tăng chuẩn điều kiện thành nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp chỉ là một phần, nếu chúng ta tăng lên 1 triệu USD mới làm nhà đầu tư chuyên nghiệp thì người ta vẫn có cách lách nếu ham lợi ích khác vì nhà đầu tư riêng lẻ có thể tập hợp nhau để nhờ người đứng tên mua hộ. Chúng tôi cho rằng phải xử lý nghiêm những đối tượng hỗ trợ cho các nhà đầu tư không chuyên này lách quy định pháp luật để tiếp cận sản phẩm và mua, như xử phạt CTCK và tổ chức phát hành mời chào không đúng bản chất sản phẩm", bà Tạ Thanh Bình nhận xét.

Theo bà Bình, trong quy định sắp tới, sẽ định hướng các nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia thì có thể tham gia qua các định chế đầu tư chuyên nghiệp, như các quỹ đầu tư, điều này giảm lượng nhà đầu tư cá nhân xuống, tăng nhà đầu tư chuyên nghiệp lên cũng là cách giảm thiểu rủi ro cho thị trường.

Giải pháp nữa chính là tổ chức thị trường thứ cấp. Trong quy định của nghị định 153 có nêu, các tổ chức phát hành trái phiếu riêng lẻ có thể lựa chọn tổ chức đăng ký, lưu ký là VSD hoặc thành viên lưu ý (là CTCK), thực tế đa số các tổ chức phát hành thực hiện qua CTCK, tỷ trọng đăng ký qua VSD rất thấp, vài %. Điều này làm cho thị trường giao dịch giữa các nhà đầu tư này không minh bạch, kiểm soát rủi ro khó hơn.

Một trong điểm sửa đổi trong Nghị định lần này là các tổ chức phát hành đưa trái phiếu lên giao dịch trên nền tảng giao dịch tập trung. Theo bà Bình, phương án tổ chức thị trường đã được Bộ Tài chính phê duyệt, chờ Nghị định sửa đổi 153 chính thức ban hành, còn hạ tầng thì đã chuẩn bị. Điều này sẽ giúp nhà đầu tư tham gia thị trường TPDN một cách bài bản, minh bạch, có giá giao dịch được yết công khai, giảm rủi ro.

Những nút thắt của dự thảo sửa Nghị định 153

Theo bà Lê Hồng Liên, do thị trường phát triển khá nóng nên cơ quan quản lý có khung hành lang pháp lý để các đơn vị tham gia phát triển bền vững. Đứng ở góc độ đơn vị tham gia, những quy định thay đổi liên tục khiến cho người chơi trên thị trường không có bước đệm để chuẩn bị. Các đơn vị phát hành trái phiếu phải chuẩn bị các bước tiến hành rất kỹ lưỡng, việc ban hành quy định nên có khoảng thời gian dài hơn từ bước xin ý kiến đến bước sửa đổi.

"Trong hơn 1 triệu tỷ trái phiếu hiện tại, ngân hàng chiếm hơn 30%, khoản này không cần lo lắng vì các ngân hàng chơi với nhau, việc sửa đổi Thông tư 153 khá chặt và áp dụng cứng cho tất cả các thành viên thị trường. Cần cân nhắc mặt bằng hiện tại, để có một khoảng thời gian và phân biệt giữa các thành phần tham gia để có quy định hợp lý hơn", đại diện Techcombank đề xuất.

Ông Nguyễn Quang Thuân kỳ vọng dự thảo sửa Nghị định 153 sẽ không cấm việc sử dụng vốn huy động trái phiếu để đầu tư cổ phần, cổ phiếu dưới mọi hình thức và M&A. Vì nếu làm như vậy thị trường trái phiếu sẽ tắc, lý tưởng nhất là mục đích sử dụng vốn nên được minh bạch.

Thứ hai, về điều kiện phát hành, doanh nghiệp lỗ không được phát hành trái phiếu. Thực tiễn hiện nay một trong 3 nhóm phát hành lớn nhất là năng lượng, các doanh nghiệp trong ngày này cần 12-13 năm mới hòa vốn, 3-5 năm sau đó mới có lãi, theo ông Thuân, có thể lỗ kế toán nhưng dòng tiền dương là trái chủ thích rồi sao phải lãi, nếu phân loại ra và áp dụng linh hoạt thực sự sẽ đảm bảo mục tiêu củaCchính phủ phát triển thị trường TPDN lành mạnh bền vững và lâu dài.

Bà Tạ Thanh Bình cho biết, mục tiêu của cơ quan quản lý xuyên suốt từ trước đến nay, chiến lược phát triển thị trường tài chính đến 2030 được Chính phủ phê duyệt tháng 3/2022 khẳng định chúng ta phải tiếp tục phát triển thị trường tài chính với mục tiêu cân đối thị trường trái phiếu và cổ phiếu. "Thời gian qua chúng ta phát triển thị trường trái phiếu chính phủ rất tốt, cấu phần trái phiếu DN mới phát triển các năm gần đây. Quan điểm chung của cơ quan quản lý là phát triển thị trường TPDN, coi đó là một cấu phần để lắp ghép vào thị trường vốn, động thái gần đây của cơ quan quản lý chấn chỉnh và điều chỉnh về mặt pháp lý không phải siết thị trường này lại mà phát triển một cách bền vững. Trong chiến lược phát triển, mục tiêu năm 2025 quy mô TPDN đạt tối phiếu 20% GDP, năm 2030 là 25% GDP. Cuối 2021 quy mô thị trường trái phiếu là 15% GDP và hết quý 1/2022 là 16% GDP, tốc độ tăng trưởng một vài tháng gần đây có thể chậm lại nhưng quan điểm của cơ quan quản lý là phải bền vững và mạnh".

https://cafef.vn/305000-ty-dong-trai-phieu-doanh-nghiep-bds-dao-han-trong-3-nam-toi-ceo-fiingroup-chi-ra-4-thach-thuc-cua-thi-truong-20220608223759017.chn

Châu Cao

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên