MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

35 tuổi, tôi ôm nỗi khổ thất nghiệp: Không dám kể với ai, giả vờ đi làm nhưng thực chất ngồi Starbucks gửi CV, dùng wifi 'chùa'

27-06-2023 - 11:10 AM | Lifestyle

Lao động sát ngưỡng tuổi trung niên quá khó xin việc!

35 tuổi, tôi ôm nỗi khổ thất nghiệp: Không dám kể với ai, giả vờ đi làm nhưng thực chất ngồi Starbucks gửi CV, dùng wifi 'chùa' - Ảnh 1.

Hình minh họa

“Mẹ, sau giờ làm nhớ về sớm nhé”, cô con gái sáu tuổi của Mia Fan nhẹ nhàng dặn mẹ trước khi đến lớp. Đáp lại, Fan gật đầu và nở một nụ cười thật tươi trước khi rời khỏi nhà vào khoảng 8h30 sáng - một cảnh tượng thường thấy tại rất nhiều các hộ gia đình Trung Quốc.

Tuy nhiên, thay vì đến cơ quan, người phụ nữ 35 tuổi này dành cả buổi sáng ngồi Starbucks để gửi sơ yếu lý lịch xin việc. Đến chiều, chị trốn vào một hiệu sách nào, vẽ tranh, rồi quay trở về nhà lúc 5h30 như mọi ngày.

Bắt chước thói quen làm việc cũ để che giấu việc mình vừa bị sa thải, Fan cho biết cô không muốn nói ra sự thật vì sợ xấu mặt nhà chồng.

“Điều này gần như đã trở thành thói quen cố định hàng ngày. Tôi không muốn mọi người lo lắng. Tôi sợ rằng việc cứ nằm lì ở nhà cả ngày có thể để lại ấn tượng tiêu cực với con gái tôi”, Fan nói vừa thừa nhận bản thân cảm thấy xấu hổ vì mất việc trong khi hầu hết người thân của mình đều có điều kiện kinh tế ổn định.

Chia sẻ với SCMP, Fan nói chị đã ứng tuyển hơn 70 vị trí trên nhiều cổng thông tin tìm kiếm việc làm khác nhau, song không có kết quả. Một số từ chối vì tuổi tác, khẳng định rằng họ chỉ muốn những người trẻ dưới 35 tuổi.

“Tôi không hiểu tại sao thị trường việc làm ở Trung Quốc lại không thân thiện với lao động trung niên. Không ai cho tôi biết lý do thực sự của việc sa thải. Họ chỉ nói với tôi rằng chỉ tiêu nhân sự đã đầy. Tôi nghĩ có một mối liên hệ nào đó giữa tình trạng thất nghiệp quy mô lớn và suy thoái kinh tế”, Fan nói.

Nền kinh tế hậu đại dịch đã thách thức nỗ lực của giới chức Bắc Kinh trong việc tạo ra đủ việc làm cho người lao động. Đây vốn được coi là yếu tố tiên quyết giúp duy trì đà tăng trưởng và ổn định xã hội.

Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 25-59 tuổi tại Trung Quốc giảm xuống 4,1% trong tháng 5, song tỷ lệ thất nghiệp nhóm 16-24 lại tăng dần kể từ năm 2020, thậm chí chạm mức kỷ lục 20,8% vào tháng trước. Con số kỷ lục 11,58 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học cũng đặt ra một thách thức lớn đối với giới chức.

35 tuổi, tôi ôm nỗi khổ thất nghiệp: Không dám kể với ai, giả vờ đi làm nhưng thực chất ngồi Starbucks gửi CV, dùng wifi 'chùa' - Ảnh 2.

Thị trường việc làm ở Trung Quốc không thân thiện với lao động trung niên.

Chính phủ Trung Quốc hoàn toàn nhận thức được vấn đề này. Hồi tháng 4, Bắc Kinh đã công bố chi tiết một loạt chính sách nhằm kích thích thị trường việc làm, trong đó có trợ cấp cho các công ty thuê cử nhân thất nghiệp. Chính phủ muốn các doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng 1 triệu thực tập sinh vào năm 2023 và đặt mục tiêu tạo ra 12 triệu việc làm ở thành thị trong năm nay, tăng từ mức 11 triệu vào năm 2022.

Ước tính, số người trong độ tuổi từ 35-49 rơi vào khoảng 430 triệu, tức gần một nửa dân số trong độ tuổi lao động, theo Li Changan, một nhà nghiên cứu của Đại học Kinh tế và Kinh doanh Quốc tế ở Bắc Kinh. “Họ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm việc làm hậu sa thải”, Li nói. “Chính sách việc làm và xã hội nên được đặc biệt quan tâm”.

Fan, do đó, không đơn độc. Cô chỉ là một trong số rất nhiều người Trung Quốc thất nghiệp đổ xô đến các quán cà phê mỗi ngày để sạc máy tính xách tay và ngồi điều hòa miễn phí. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng việc làm vốn đã diễn ra dai dẳng trước đó.

Từ tháng 2 đến tháng 9/2020, số người tìm việc từ độ tuổi 35 trở lên đã tăng 14,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Zhao Dejun, 41 tuổi, người đàn ông chuyển sang làm tài xế công nghệ sau khi bị công ty xây dựng sa thải nói: “Tôi cứ nghĩ mọi thứ sẽ tốt hơn sau đại dịch vì người dân sử dụng dịch vụ gọi xe nhiều. Tuy nhiên, do quá nhiều người thất nghiệp chuyển sang làm tài xế công nghệ, cạnh tranh ngày càng khốc liệt”.

Theo Bộ Giao thông vận tải, tính đến tháng 4, tổng số 5,4 triệu giấy phép lái xe đã được cấp trên toàn quốc, tăng 3,4% so với tháng 3 trước đó. Tuy nhiên, số lượng các đơn đặt xe lại giảm 1,4% xuống còn 706 triệu lượt.

35 tuổi, tôi ôm nỗi khổ thất nghiệp: Không dám kể với ai, giả vờ đi làm nhưng thực chất ngồi Starbucks gửi CV, dùng wifi 'chùa' - Ảnh 3.

Tỷ lệ thất nghiệp của nhóm 25-59 tuổi tại Trung Quốc giảm xuống 4,1% trong tháng 5, song tỷ lệ thất nghiệp nhóm 16-24 lại tăng dần kể từ năm 2020

“Ngày càng có nhiều người muốn một miếng bánh. Bản thân chiếc bánh sẽ lại càng nhỏ hơn”, Zhao nói thêm.

Chính quyền địa phương nhận thấy rõ sự bão hòa của thị trường gọi xe tại các thành phố lớn. Một số khu vực đã quyết định ngừng nhận đơn xin giấy phép kinh doanh gọi xe và giấy phép vận tải vào đầu tháng 5.

“Những người ở độ tuổi trung niên thường kỳ vọng được trả lương cao. Kinh nghiệm sống phong phú khiến họ khôn ngoan hơn và vì vậy, họ cũng sẽ có xu hướng không hài lòng với vị trí công việc mới”, Wang Chenxu, một công ty tuyển dụng có trụ sở tại Thẩm Dương, nói. “Ngược lại, những người trẻ tuổi có thể được thuê với mức lương thấp hơn”.

Cũng theo Wang, trừ khi những ứng viên trung niên thực sự xuất sắc, nếu không, các công ty nên chọn những ứng viên trẻ. “Những người trên 35 tuổi thường được tuyển nhờ khảo sát nội bộ thay vì công khai”, Wang nói thêm.

Những năm gần đây, nhiều người kêu gọi giới chức Bắc Kinh xóa bỏ giới hạn về độ tuổi. Tình trạng phân biệt đối xử trong công việc sau đó có được xem xét, song không đạt được nhiều tiến bộ.

“Nhiều công ty nói lời từ chối vì tuổi tác của tôi. Số khác mất hứng thú ngay khi biết tôi đã kết hôn nhưng chưa có con”, Zheng Yinghua, một dược sĩ 43 tuổi thất nghiệp, nói, đồng thời cho biết cô buộc phải chuyển sang lĩnh vực thương mại điện tử để bán livestream khăn giấy.

“Chúng tôi không có nhiều tiền, vì vậy, chưa sẵn sàng để có con”, Zheng Yinghua nói. “Chồng giục tôi đi làm mỗi ngày. Anh ấy thường xuyên mắng mỏ tôi vì những vấn đề liên quan đến công việc”.

Còn đối với Fan, tìm được một công việc lương thấp bây giờ cũng là đáng quý.

“Việc ra ngoài giao tiếp với mọi người vẫn tốt hơn là ở nhà. Nó giúp tôi bớt suy nghĩ và cảm thấy không bị xã hội ngó lơ”.

Theo: SCMP

Theo Vũ Anh

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên