MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

38 giờ căng thẳng của người làm cha: Con có biết hậu quả của việc điền YES vào tờ khai y tế Covid-19 không hả?

23-03-2020 - 09:20 AM | Sống

Tôi không biết cháu viết Yes trên tờ khai báo y tế nhập cảnh là đúng hay sai, cũng không biết cháu thật sự là vì chính trực hay vì không biết nên không sợ, ông Lư Nham chia sẻ.

Dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới ( Covid-19) tiếp tục bùng phát mạnh mẽ ở châu Âu, trong khi tại tâm dịch Trung Quốc, tình hình đã được khống chế ở mức độ nhất định.

Gần đây, trước tình hình này, rất nhiều du học sinh Trung Quốc đã chọn trở về nước nhưng những hành vi gây tranh cãi của bộ phận sinh viên trong quá trình này đã vấp phải sự chỉ trích của người dùng mạng.

Trong vòng xoáy của dư luận, một người cha của một du học sinh đã lên tiếng nhằm mong người dân Trung Quốc có cái nhìn khác của cuộc tranh luận này.

Người cha tên Lư Nham có con trai là sinh viên năm nhất tại Mỹ cho biết, vào ngày 15/3 vừa qua, con trai anh bắt đầu lên đường và về đến Bắc Kinh thành công vào ngày 17/3. Từ lúc con trai lên máy bay đến khi được cách ly vào sáng ngày 19, Lư Nham nói rằng, anh đã trải qua quãng thời gian lo lắng nhất kể từ khi làm cha. Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) ngày 20/3 đã đăng tải tâm thư của người cha này.

---

38 giờ

Tôi vừa trải qua 38 giờ có thể coi là lo lắng nhất kể từ khi làm cha. Con trai là sinh viên năm nhất tại Mỹ. Dịch bệnh lan rộng trong hai tuần qua khiến các trường đại học lần lượt ngừng dạy, bắt đầu yêu cầu sinh viên rời trường. Đoán rằng sẽ không thể tiếp tục kỳ học trước nghỉ hè, vì vậy tôi cho cháu về nhà. Các chuyến bay thẳng đã ngừng khai thác, chỉ có thể chuyển chặng từ Nhật Bản.

Con trai phải nuôi dạy nghiêm khắc, từ lúc đi học cấp ba, đây là lần đầu tiên cháu ngồi ghế hạng thương gia và cũng là lần duy nhất trước khi cháu tự lập, bởi an toàn phải được ưu tiên trong giai đoạn đặc biệt này.

Trên máy bay có wifi, ngay sau khi cất cánh, cháu đã gửi tin nhắn WeChat nói rằng, một bạn cùng lớp - cùng ăn tối ba ngày trước khi rời trường - đã bị sốt đêm qua, không rõ lý do. Tất cả các bạn đều rất lo lắng. Các phụ huynh Trung Quốc trong nhóm chat đã sớm bùng nổ về sự việc này.

Tôi trằn trọc cả đêm, sáng sớm ngày hôm sau, con trai tôi đã đến Nhật Bản. Cháu nhắn trong WeChat rằng, bạn cùng lớp đã hạ sốt và không ho, có lẽ là cảm lạnh thông thường. Lúc này, huyết áp của tôi mới khôi phục trở lại. Tôi nói với cháu, phải chuẩn bị sẵn sàng xếp hàng đợi kiểm tra 5,6 giờ đồng hồ sau khi xuống máy bay.

Thuận lợi xuống sân bay Bắc Kinh nhưng ba giờ trôi qua, tôi không thấy bất kỳ động tĩnh nào của cháu. Tôi lại gọi điện thoại, cháu nói, "con vẫn đang đứng đợi, cùng xuống máy bay với con giờ chỉ còn mình con và một người nữa. Tôi hỏi tại sao, cậu chàng mới nói: "Con vừa điền vào tờ khai y tế, bên trong có thông tin hỏi gần đây có tiếp xúc với người có biểu hiện sốt hay không, con đã trả lời là "Yes!".

Yes!Yes!

Lúc này, huyết áp của tôi lên đến 250, tức giận quát: "Con có biết hậu quả của việc này không? Đang yên đang lành mua việc vào người! Lúc con ăn cơm với cậu ta, cậu ta còn chưa sốt! Nếu máy bay không có wifi thì con sẽ không biết cậu ta sốt! Khi con xuống máy bay, cậu ta đã hạ sốt rồi. Con có biết hậu quả của việc con điền mẫu tờ khai như vậy là gì không hả?".

"Nhưng con biết bạn ấy sau đó đã bị sốt mà bố...", cháu nói.

Dòng người chật chội ở sân bay đã chờ đợi trong bảy hoặc tám giờ đồng hồ. Trời tối rất lâu rồi thì cháu và một người khi nãy cùng chuyến bay được đưa lên xe cứu thương áp lực âm mà không biết đi đâu. Rất lâu sau mới gọi lại.

"Bọn con đến nơi rồi, bệnh viện Địa Đàn, còn đợi xếp hàng kiểm tra bên ngoài lều. Hàng trăm người đang xếp hàng. Con không biết khi nào mới đến lượt. Con đói nữa. Bố có thể mang lều cắm trại đến cho con không? Ở trong này không có nơi để ngủ ...".

Bệnh - viện - Địa - Đàn --- Trải qua hai tháng phong ba bão táp này, bốn chữ Bệnh viện Địa Đàn có thể thiêng liêng và bất khả xâm phạm như Tiểu Thang Sơn và Kim Ngân Đàm trong tim tôi.

Tôi nhảy lên xe và mang theo thức ăn vừa nấu vội, lều, đệm, túi ngủ, đèn pin và những trang bị hồi đi khám phá sa mạc Gobi với cháu mấy năm trước và nhấn ga. Trong tâm trí tôi toàn là hình ảnh lan truyền trên wechat, tình trạng bi thảm của bệnh viện ở Vũ Hán, bệnh nhân khắp nơi, bụi bẩn, già yếu bệnh tật, kêu khóc om sòm.... Ở những nơi như vậy, người bình thường cũng sẽ bị viêm phổi.

Khi đến cửa bệnh viện, tôi thấy rằng nó rất khác xa trong tưởng tượng. Nếu đó không phải là một bác sĩ mặc quần áo bảo hộ, thì rất giống như trường trung học Maotanchang đóng cửa luyện thi đại học. Bên trong đều là những người trẻ tuổi, sau đó tôi mới biết, chúng đều là học sinh sinh viên từ các nước về nước nhân kỳ nghỉ xuân hoặc tránh dịch.

Ở cổng, các ông bố bà mẹ lo lắng gửi đồ ăn và quần áo, bên trong đứa nào đứa nấy lộ rõ vẻ mặt mệt mỏi. Chỉ có hai bảo vệ làm việc, "Cháu, cháu, các cháu, không được ra ngoài"...." Anh chị, phụ huynh, không được vào trong".

Tôi gửi cơm cho cháu, tuy trong lòng đã có phần nhẹ nhõm nhưng vẫn trách cháu vì đã quá "trung thực", nhưng cháu vẫn không cho [tôi] là đúng.

Bên cạnh, một anh chàng đeo kính trượt tuyết đang tranh luận với người thân. Dì của cậu yêu cầu cậu mang theo thảm vào để qua đêm nhưng cậu ta thề sống thề chết không nghe. Người dì chỉ biết thở dài nhượng bộ.

Chúng tôi hỏi, cậu bé vào đây như thế nào. "Ôi giời ơi, nó là cháu bên ngoại, đi học ở Hanover, phải bay hơn mười tiếng. Để bảo vệ, suốt chặng đường cháu đều đeo kính trượt tuyết, không ăn cũng chẳng ngủ. Nhân viên kiểm dịch hỏi cháu có khó chịu không, và cháu nói ... chóng mặt".

Cùng ngồi máy bay với con trai tôi còn có cậu sinh viên đi học đại học ở Sydney. Do chuyến bay thẳng bị hủy, nên chuyển chặng ở Bangkok, Tokyo hơn 30 tiếng mới về đến Bắc Kinh. Và cậu ta khai với nhân viên kiểm dịch rằng cậu bị sổ mũi.

Hôm qua, nhóm chat của phụ huynh còn chia sẻ câu chuyện về bệnh viện Địa Đàn của một du học sinh từ Anh về. Du học sinh này kể vì mười mấy tiếng không uống nước nên tại phần thông tin sức khỏe, cậu/cô đã viết là "khô họng".

Trong chia sẻ, cậu/cô cũng nói lên tiếng lòng của nhiều người: "Hành vi xấu xí của một vài người tuyệt đối không đại diện cho cộng đồng du học sinh...", "Trên chuyến bay có nhiều sinh viên học ở các nước Mỹ, Pháp, Italia..., khi xuống máy bay, mọi người đều thực hiện đo thân nhiệt một cách có trật tự, và sau đó điền thông tin sức khỏe cá nhân. Không ai che giấu tình hình".

Bên cạnh đó, có hàng trăm sinh viên trong Bệnh viện Địa Đàn. Thỉnh thoảng, xe cứu thương giội còi và đưa một hoặc hai người từ sân bay về. Nghe nói, chỉ có hai bác sĩ chịu trách nhiệm cho tất cả các cuộc kiểm tra (do sự thiếu hụt hiện tại của lực lượng y tế trong nước).

Mãi đến 5h sáng, con trai tôi mới hoàn thành tất cả các bước kiểm tra, ban đầu được nhận định là [sức khỏe] bình thường và được đưa vào một phòng cách ly tạm thời trong bệnh viện Địa Đàn.

Xét nghiệm axit nucleic có kết quả vào lúc 17h chiều ngày hôm sau, âm tính. Xe cách ly của quận Triều Dương đến vào lúc 23h và cuối cùng cháu được đưa đến địa điểm cách ly là một khách sạn của tập đoàn Hanting vào lúc 1h sáng.

Lúc này, đã là 38 giờ kể từ khi máy bay của cháu hạ cánh xuống sân bay quốc tế Bắc Kinh.

Niềm tin non nớt nhưng không thể lay chuyển

Trong 38 giờ này, ngoài sự lo lắng, còn là suy tư. Tôi là một du học sinh thuộc thế hệ thập niên 70. Tôi đã thấy những điểm khác biệt của du học sinh các thế hệ qua 20 năm phát triển của Trung Quốc.

Sự khiêm tốn siêng năng của du học sinh thế hệ thập niên 60

Sự phấn đấu miệt mài của du học sinh thế hệ thập niên 70

Sự thẳng tiến vô ưu của du học sinh thế hệ thập niên 80

Sự cất cánh bản ngã của du học sinh thế hệ thập niên 90

Đối với thế hệ du học sinh sinh sau năm 2000, những cô cậu chưa từng nếm trải bất kỳ khó khăn nào. Chúng sẽ như thế nào đây? Bây giờ có thể rất khó rút ra kết luận. Nhưng lần này, tôi biết ít nhất rằng, chúng không phải là thế hệ được nuông chiều mà chúng ta từng lo lắng.

38 giờ căng thẳng của người làm cha: Con có biết hậu quả của việc điền YES vào tờ khai y tế Covid-19 không hả? - Ảnh 2.

Chúng sẽ không lừa dối người khác để bảo vệ chính mình. Chúng có niềm tin còn hơi non nớt nhưng không thể lay chuyển. Chúng dành sự ủng hộ kiên định cho tổ quốc. Chúng gần như đều có kế hoạch trở về nước làm việc sau khi tốt nghiệp...

Tự hỏi bản thân thì đây là điều mà du học sinh thế hệ trước như chúng tôi đến nghĩ cũng không dám nghĩ thời còn đi du học.

Tôi hy vọng những bạn trẻ này đại diện cho tương lai của Trung Quốc, trung thực, chính trực, can đảm, sáng tạo và không biết cúi đầu. Hiện nay, trên mạng xã hội, có người so sánh chúng với nữ giám đốc điều hành công ty nước ngoài đã uống thuốc hạ sốt để về nước, cho rằng, khi hưởng phúc thì chúng ra nước ngoài, đến khi hoạn nạn mới nhớ về nhà.

Trong nhóm chat bạn học cấp hai của tôi, có người còn đề xuất trực tiếp chuyển du học sinh về nước đến thẳng bệnh viện cabin vuông ở Vũ Hán. Tôi hoàn toàn không đồng ý.

Khi con trai tôi học tiểu học, một giáo viên chủ nhiệm đã điện thoại cho tôi, để khen ngợi cháu đã phát hiện sai phạm của bạn cùng lớp và nói đây là biểu hiện của chính nghĩa. Vào lúc đó, thật khó khăn để cân bằng lời khen của giáo viên với tính cách cá nhân của cháu. Tôi và cháu đã cùng xem Scent of a Woman với câu nói tuyệt vời của Al Pacino ở phần cuối của bộ phim.

"Tôi không biết sự im lặng của Charlie hôm nay là đúng hay sai... nhưng tôi có thể nói với bạn rằng anh ấy không bao giờ phản bội người khác vì tương lai của mình. Và điều này được gọi là chính trực (Integrity), còn là can đảm ..."

Năm năm sau đó, con trai tôi đã chọn một trường trung học dành riêng cho nam sinh ở Mỹ với phong cách rất giống với phim. Trong trường, học sinh ăn mặc lịch sự và đeo cà vạt, trong kiến trúc ngói đỏ trăm năm là phương châm của nhà trường, Brotherhood (Cùng chí hướng), Scholarship (Uyên bác), Integrity (Chính trực), Sportsmanship (Thượng võ/Thẳng thắn).

Tôi không biết cháu viết Yes trên tờ khai báo y tế nhập cảnh là đúng hay sai, cũng không biết cháu thật sự là vì chính trực hay vì không biết nên không sợ nhưng tôi biết, nếu là tôi, dù 20 năm trước, khi không thể dự đoán trước tương lai, tuyệt đối không có can đảm để làm điều đó.

Hy vọng rằng ba mươi năm sau, thế hệ các con tôi, sau khi lăn lộn nếm trải trong xã hội, hãy suy ngẫm và vẫn thẳng thắn điền vào tờ khai y tế: YES!

38 giờ căng thẳng của người làm cha: Con có biết hậu quả của việc điền YES vào tờ khai y tế Covid-19 không hả? - Ảnh 3.

38 giờ căng thẳng của người làm cha: Con có biết hậu quả của việc điền YES vào tờ khai y tế Covid-19 không hả? - Ảnh 4.

Theo An An - Thiết kế: Bạch Quả

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên