4 công trình sắp khởi công: Thêm sức bật phát triển
Vành đai 3 TP HCM và các tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sau khi hoàn thành sẽ mang lại giá trị rất lớn, không chỉ về giao thông.
- 06-06-2023Bình Dương chuẩn bị khởi công dự án vành đai 3 TPHCM với trên 13.500 tỷ đồng đền bù GPMB
- 01-06-2023Điều chỉnh vốn dự án đường Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương
- 28-05-2023Vành đai 3: Đảm bảo tiến độ khởi công trước ngày 30/6
Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã báo cáo kế hoạch khởi công dự án đường Vành đai 3 TP HCM cùng 3 tuyến cao tốc kết nối các địa phương trong ngày 18-6 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây sẽ là sự kiện đánh dấu cột mốc mới trong quá trình hoàn thiện hệ thống giao thông, phát triển kinh tế - xã hội.
Lan tỏa cách làm mới
Chiều 8-6, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (gọi tắt Ban Giao thông) xác nhận dự án xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua TP HCM sẽ được khởi công vào ngày 18-6.
Đến nay, 335/410 ha đất cần thu hồi đã được TP Thủ Đức và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh thực hiện để bàn giao cho chủ đầu tư (đạt tỉ lệ 81,5%), cao hơn so với mục tiêu đặt ra là 70%. Địa phương có tỉ lệ bàn giao đất rất cao, vượt chỉ tiêu là Hóc Môn (93%), Bình Chánh (86%).
Tỉnh Bình Dương đã chủ động xây dựng hơn 15,3 km đường Vành đai 3 Ảnh: NGUYỄN THẢO
Trong tâm trạng hồ hởi, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông, cho hay sau khi khởi công, công tác thu hồi đất cho dự án tiếp tục được các địa phương triển khai, bảo đảm 100% mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư trước ngày 31-12-2023.
"Như vậy, khâu quan trọng nhất của dự án cơ bản hoàn tất. Kết quả này có được là từ sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp - từ trung ương đến bộ, ngành; sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo TP HCM, các sở, ngành và 4 địa phương. Đặc biệt là sự chia sẻ, đồng thuận của người dân trong vùng triển khai dự án. Đây là kết quả của cách làm mới, cách tiếp cận mới, tâm thế mới. Trong tương lai, khi TP HCM triển khai những dự án trọng điểm khác thì cách làm này sẽ được phát huy, nhân rộng" - ông Phúc nhấn mạnh.
Ngoài chuẩn bị mặt bằng khởi công dự án, theo ông Phúc, chủ đầu tư cùng các địa phương sẽ hoàn tất hạ tầng các khu tái định cư để sớm giao suất tái định cư cho người dân đủ điều kiện ổn định cuộc sống.
Đường Vành đai 3 dài 76,34 km, đi qua TP HCM, tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Long An. Dự án dự kiến hoàn thành cơ bản vào năm 2025, hoàn thành toàn bộ năm 2026. Ngoài TP HCM, 3 địa phương còn lại cũng đang rốt ráo thực hiện các đầu việc. Trong đó, với hơn 26 km đi qua, tỉnh Bình Dương chủ động xây dựng được 15,3 km do trùng một phần với đường Mỹ Phước - Tân Vạn.
Tỉnh Bình Dương cũng thông báo phát hành hồ sơ mời thầu đối với dự án thành phần 5 (xây lắp). Dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) đã phê duyệt đơn giá đất. Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng được các địa phương trong tỉnh xây dựng. Riêng TP Thủ Dầu Một đã chi trả đợt 1 tiền bồi thường.
Cao tốc "tăng tốc"
Là 1 trong 4 công trình lớn của kế hoạch khởi công ngày 18-6, dự án tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1 dài 53,7 km (qua địa bàn tỉnh Đồng Nai khoảng 34,2 km, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 19,5 km) đang gấp rút các bước chuẩn bị.
Ở dự án này, tỉnh Đồng Nai muốn sử dụng 1.824 lô đất tái định cư sân bay Long Thành để phục vụ xây dựng. Ban Quản lý dự án 85 (chủ đầu tư) khẳng định dự án khởi công vào sáng 18-6, cùng thời điểm với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Công trình dự kiến hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác đồng bộ năm 2026.
Trong khi đó, theo Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đến nay, địa phương đã cơ bản thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thông tin sẽ đầu tư 2 con đường nối Quốc lộ 55 và Quốc lộ 56 vào tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu với tổng mức đầu tư dự kiến gần 12.000 tỉ đồng. Mục tiêu của việc đầu tư 2 dự án này là để ngay khi tuyến cao tốc hoàn thành sẽ kết nối với quốc lộ, tạo thuận lợi phát triển kinh tế địa phương.
Dự án đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột những ngày này cũng đang gấp rút các phần việc. Đây là công trình có tổng chiều dài trên 117 km, nối 2 tỉnh Khánh Hòa - Đắk Lắk, được chia làm 3 dự án thành phần. Thứ tự dự án thành phần lần lượt tương ứng với 3 cơ quan chủ quản, gồm UBND tỉnh Khánh Hòa, Bộ GTVT và UBND tỉnh Đắk Lắk.
Ngày 8-6, một lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết địa phương đã sẵn sàng cho lễ khởi công dự án. Công tác đo đạc, trích lục địa chính đã hoàn thành 100% kế hoạch. Về thông báo thu hồi đất, huyện Krông Pắk và huyện Cư Kuin đạt 100%, huyện Ea Kar đạt 97%. UBND tỉnh Đắk Lắk đã bố trí hơn 1.300 tỉ đồng cho việc bồi thường.
Với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, TP Cần Thơ từ tháng 3-2023 đã quyết định bố trí vốn địa phương là 1.000 tỉ đồng trong năm 2023 cho đoạn 37 km qua địa bàn. Đến thời điểm này, Cần Thơ đã cơ bản bảo đảm tiến độ bàn giao mặt bằng để khởi công.
Tại An Giang (điểm đầu của dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng), ông Lê Văn Thanh Tùng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, cho biết đơn vị hạ quyết tâm đến ngày 15-6 hoàn thành chi trả bồi thường đủ cho 1.080 hộ dân, giải phóng hơn 311 ha - chiếm khoảng 80% tổng diện tích mặt bằng bàn giao cho chủ đầu tư.
4 đầu cầu trong sự kiện
Theo kế hoạch của Bộ GTVT, TP HCM là điểm cầu chính tổ chức khởi công dự án đường Vành đai 3. TP HCM chủ trì, 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An là cơ quan chủ quản các dự án thành phần cùng tham dự.
Tại điểm cầu Đắk Lắk, Bộ GTVT chủ trì tổ chức lễ khởi công dự án thành phần cao tốc đường bộ Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Hai tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng lần lượt do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Sóc Trăng chủ trì lễ khởi công.
Kỳ vọng từ người dân
Nhận tiền bồi thường cho hơn 6.000 m2 đất bị thu hồi từ giữa tháng 5-2023, ông Nguyễn Văn Mái - ấp 3, xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP HCM - cho biết đã bất ngờ vì từ lúc nhận thông báo đến khi nhận tiền bồi thường chỉ trong 1 tháng. Đến nay, đọc thông tin trên báo, ông càng vui hơn khi biết ngày 18-6 dự án sẽ khởi công.
Khu nền tái định cư cho người dân tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM đã sẵn sàng phục vụ người dân có đất bị thu hồi đủ điều kiện tái định cư Ảnh: THU HỒNG
"Ban đầu, chúng tôi có lo lắng nhưng khi thấy phương án bồi thường với giá hợp lý, các thành viên trong gia đình đều đồng thuận, nhận bồi thường sớm để bàn giao đất cho dự án khởi công đúng tiến độ. Rất mong với đà này, dự án sẽ về đích vào cuối năm 2025 như kế hoạch để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội" - ông Mái kỳ vọng.
Người lao động