MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 đặc điểm của người dễ mắc đái tháo đường: Biết sớm tránh hại thân

06-12-2023 - 17:36 PM | Sống

Theo chuyên gia nội tiết, việc phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ sẽ giúp tránh được nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và giảm nguy cơ biến chứng khi mắc bệnh.

Đừng chủ quan đái tháo đường thai kỳ

46 tuổi nhưng chị L (tại Bình Dương) phải điều trị đái tháo đường 3 năm nay. Chị L cho biết, lúc mang thai chị bị đái tháo đường thai kỳ, gia đình cũng có người nhà mắc đái tháo đường. Bác sĩ có dặn chị L sau khi sinh xong phải đi kiểm tra lại đường huyết, tuy nhiên chị không theo dõi. Do chị L nghĩ là cơ thể sẽ tự điều chỉnh được đường huyết về mức bình thường sau khi sinh xong.

Với việc không theo dõi đường huyết sau sinh và không kiểm soát được cân nặng, chỉ 1 năm sau khi sinh con, chị L đã bị đái tháo đường type 2 khi mới 43 tuổi. Khi bác sĩ thông báo mắc đái tháo đường type 2, chị L đã rất bất ngờ.

Sau 3 năm điều trị đái tháo đường bằng cách uống thuốc, thay đổi chế độ ăn, lối sống, kiểm soát cân nặng, gần đây chị L được chỉ định tiêm insulin để kiểm soát đường huyết.

Tuy nhiên do tâm lý sợ kim tiêm, chị L không thực hiện đúng thao tác, liều lượng dẫn đến đường huyết không được kiểm soát tốt. Chị L thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khát nước và sụt cân nhanh.

Tái khám tại Phòng khám Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, chị L được chẩn đoán bị tăng đường huyết nặng. Bác sĩ điều chỉnh liều insulin, kết hợp phương pháp theo dõi đường huyết liên tục nhằm điều chỉnh liều insulin cho phù hợp. Sau 1 tuần theo dõi và tuân thủ điều trị, đường huyết của người bệnh được duy trì ở mức ổn định.

4 đặc điểm của người dễ mắc đái tháo đường: Biết sớm tránh hại thân - Ảnh 1.

4 đặc điểm của người dễ mắc đái tháo đường

BSCKI. Hoàng Khánh Chi, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM lưu ý, với người mắc đái tháo đường việc tuân thủ điều trị là chìa khóa quan trọng giúp người bệnh kiểm soát đường huyết hiệu quả. Người bệnh có thể tránh được những cơn tăng đường huyết đột ngột, giảm rủi ro bệnh lý tim mạch và các biến chứng nguy hiểm của bệnh.

Tiêm insulin là phương pháp điều trị đái tháo đường phổ biến hiện nay. Khi tự tiêm insulin tại nhà, người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Trước tiên, cần kiểm tra và tiêm đúng theo liều lượng insulin mà bác sĩ đã kê. Thời gian tiêm insulin cần được tuân thủ để tránh nguy cơ hạ đường huyết.

Việc tiêm insulin đúng sẽ giảm được nguy cơ biến chứng do đường huyết tăng cao gây ra.

Theo BSCKI. Mã Tùng Phát, Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, bệnh đái tháo đường có những yếu tố nguy cơ nhất định. Với một số người có yếu tố nguy cơ sẽ dễ mắc bệnh đái tháo đường hơn người khác. Theo đó, những người dễ mắc đái tháo đường có các đặc điểm sau: 

- Người trên 45 tuổi;

- Gia đình có người thân bị đái tháo đường (bố, mẹ, anh chị em ruột);

- Người có chế độ ăn uống giàu carbohydrate tinh chế hoặc đường hấp thu nhanh;

- Người ít vận động.

Bác sĩ Tùng Phát cho hay, những người có các bệnh đồng mắc như: tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, thừa cân – béo phì, người mắc bệnh lý buồng trứng đa nang, đái tháo đường thai kỳ, tiền đái tháo đường, người có bệnh lý tim mạch do xơ vữa động mạch… cũng thuộc nhóm nguy cơ cao.

TS.BS Trần Quang Nam, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết thêm mối quan hệ giữa tăng huyết áp và đái tháo đường không chỉ là một mối liên kết nhân quả đơn thuần, mà là sự tương tác phức tạp giữa các yếu tố nguy cơ.

Nghiên cứu cho thấy, khi tăng huyết áp xuất hiện ở người cao tuổi thường đi kèm với sự phát triển của đái tháo đường. Nguy hiểm hơn, tăng huyết áp cũng liên quan đến các tình trạng khác như tăng mỡ máu, tạo ra một chuỗi nguy cơ đối với sức khỏe tim mạch.

"Để giảm thiểu nguy cơ các biến cố tim mạch như đột quỵ và nhồi máu cơ tim, cần kiểm soát chặt chẽ cả tình trạng tăng mỡ máu, tăng huyết áp và đái tháo đường", bác sĩ Nam nói.

Theo Ngọc Minh

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên