4 đề xuất để du lịch Việt Nam hút khách quốc tế
Thị trường du lịch Việt Nam được du khách quốc tế biết đến chủ yếu bởi cảnh đẹp, thức ăn ngon. Nhưng bấy nhiêu chưa đủ để thu hút thêm lượng khách có các nhu cầu khác.
- 20-08-20226 bài toán cần giải để thu hút khách du lịch quốc tế giai đoạn cuối năm 2022
- 15-08-2022Khách quốc tế ít đến Việt Nam: Nghẽn ở đâu?
- 09-08-2022Vì sao khách quốc tế ít đến Việt Nam?
Trong những ngày cuối cùng của đợt cao điểm hè 2022, ngành du lịch và hàng không của chúng ta đầy vui mừng trước những con số mang tính hồi sinh sau hai năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã đón xấp xỉ một triệu khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa thấm vào đâu so với con số khoảng hai triệu khách quốc tế ở thời điểm cùng kỳ của năm 2019 - thời điểm chưa xuất hiện dịch Covid-19.
Anh Dy Khoa, tác giả bài viết.
Doanh thu du lịch, lữ hành 7 tháng của năm 2022 ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2021 do hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên phần lớn doanh thu này đến từ nhóm khách du lịch nội địa.
Nhìn ra khu vực, đầu tháng 8, Chính phủ Thái Lan đặt kỳ vọng nước này thu hút được khoảng 10 triệu lượt du khách quốc tế trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức dự báo 6,1 triệu lượt khách được đưa ra hồi tháng 4.
Đồng thời, họ dự kiến lượng khách quốc tế sẽ tăng lên 30 triệu lượt khách vào năm sau, thấp hơn một chút so với mức 40 triệu lượt khách quốc tế tới Thái Lan trong năm 2019, trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Với kỳ vọng và mục tiêu như vậy, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đã triển khai nhiều chương trình đồng bộ và quyết liệt. Cụ thể, họ đơn giản hóa, cắt bỏ đến mức tối thiếu thủ tục nhập cảnh. Đồng thời tiếp tục đưa ra chiến lược liên quan đến kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao hình ảnh trong mắt du khách quốc tế và nhất là tăng cường liên kết du lịch với các quốc gia trong khu vực...
Du lịch của Thái Lan chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nền kinh tế - biến ngành này trở thành ngành công nghiệp không khói với hàng triệu lao động. Việt Nam cũng là nước có thế mạnh rất lớn về du lịch và cũng kỳ vọng nâng cao giá trị thu được từ ngành này. Năm 2019, du lịch Việt Nam đạt 755 nghìn tỷ đồng (tương đương 32,8 tỷ USD), trong khi năm 1990 chỉ đạt 1.340 tỷ đồng.
Hội An (Quảng Nam). Ảnh: Dy Khoa.
Để du lịch Việt Nam thật sự cất cánh
Để thật sự cất cánh, nhất là trong bối cảnh một số nước còn kiểm soát dịch bệnh, vấn đề xung đột và lạm phát toàn cầu, du lịch Việt Nam cần phải có những thay đổi mạnh mẽ về cả tư duy lẫn cách làm du lịch hiện hữu.
Thứ nhất, từ góc độ một người làm trong lĩnh vực tư vấn truyền thông, du lịch Việt Nam cần thay đổi các thông điệp truyền thông, câu chuyện truyền thông, hình ảnh quảng bá theo hướng tiệm cận với thế giới. Trong hoàn cảnh thế giới luôn chuyển động nhưng đâu đó các sản phẩm truyền thông cho du lịch nước nhà ra quốc tế còn khá cũ, chưa theo kịp thời đại so với các quốc gia khác.
Khách quốc tế đôi khi đến một quốc gia không vì mong muốn du lịch mà họ có những nhu cầu khác rồi sau đó mới là du lịch. Vì vậy, thứ hai, ngành du lịch nên tăng cường phối hợp các lĩnh vực kinh tế khác như tiểu thủ công nghiệp, thể thao, văn hóa - nghệ thuật - giải trí... tạo lập các sản phẩm du lịch mang tính quốc gia mới. Chúng ta biết rất rõ về Tour de France, Mumbai Marathon... Đây là các sản phẩm thể thao, tuy nhiên chúng lại là cơ hội cho du lịch phát triển song hành. Phải chi Việt Nam có một cuộc thi thể thao của chính người Việt, được nâng tầm thành thương hiệu quốc gia và được đầu tư truyền thông ra quốc tế bài bản.
Rất nhiều du khách có đam mê thể thao, chọn một quốc gia để leo núi và trekking chẳng hạn. Địa hình Việt Nam đáp ứng được điều kiện này. Tuy nhiên, chúng ta chưa thật sự đầu tư và khai thác bài bản các tiềm năng này.
Nói về nghệ thuật - giải trí, ngành du lịch gần như bỏ rơi mối quan tâm này. Khoảng một năm trở lại đây, một ca sĩ Việt Nam trở thành thần tượng tại Thái Lan. Anh được rất nhiều người dân đất nước này quan tâm, ủng hộ. Một số fan đã đến Việt Nam, đi Đà Lạt xem nam ca sĩ biểu diễn. Nếu anh ấy trở thành một đại sứ du lịch thì quá tốt cho du lịch nước nhà.
Chợ Đông Ba (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Ảnh: Dy Khoa.
Thứ ba, cần tăng cường kết nối du lịch liên quốc gia, nhất là các nước trong khu vực. Chúng ta có thể chấp nhận Singapore là nước hút nhiều du khách quốc tế vì đây là trung tâm hàng không toàn cầu hay Thái Lan vì họ quảng bá du lịch rất tốt. Nhưng chúng ta không thể ngồi yên để khách đến hai nước này lại không tiếp tục đến Việt Nam. Khách châu Âu thường có kỳ nghỉ dài. Một số có thể đi đến 1-2 tháng liên tục. Bài toán đặt ra là cần kết hợp với hàng không giảm giá đường bay từ các nước tiềm năng trong khu vực kết hợp nới lỏng chính sách thị thực.
Giá vé hàng không rẻ nhất kết nối đến thủ đô một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á hiện là hành trình đến Kuala Lumpur (Malaysia). Một phần nhờ vé bay rẻ mà đất nước này đã hút được lượng khách quốc tế rất lớn.
Thứ tư, nâng cao giáo dục, tăng cường ý thức và nhận thức "Khách quốc tế là bạn, không phải mỏ vàng". Qua trải nghiệm cùng bạn bè quốc tế đến một số điểm du lịch trong nước, chúng ta đã làm rất tốt trong việc thể hiện tinh thần mến khách, hiếu khách. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn trông chờ đón khách ngoại với mong muốn họ chi nhiều hơn hoặc người cung cấp dịch vụ sẽ áp giá cao hơn khách nội địa. Với cá nhân tôi, khi ra nước ngoài du lịch, bị đối xử phân biệt đã rất không thích và mong muốn Việt Nam xóa bỏ được suy nghĩ này.
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, một người làm trong lĩnh vực truyền thông có đam mê xê dịch.
Trí thức trẻ