MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 điều tâm đắc trong quan hệ xã giao của một người 40 tuổi: Cái gọi là EQ cao, chính là biết để ý tới “sự tồn tại” của người khác

27-09-2020 - 19:40 PM | Sống

Quan sát những người dành được nhiều thiện cảm từ người khác xung quanh mình, tôi nhận ra tất cả bọn họ đều có một EQ xử thế hơn người. Rất nhiều khi, EQ cao có thể giúp một người làm chủ sự cân bằng tinh tế trong giao tiếp với người khác. Chúng ta chỉ cần học một vài những quy tắc cơ bản là đã có thể khiến mình trở nên hòa hợp và được yêu mến hơn trong cả công việc và cuộc sống.

01

Trong giao tiếp xã hội, có thể điều mà bạn không chú ý tới, lại vô tình làm tổn thương người khác

Còn nhờ lần trước khi tham gia buổi tụ tập với mấy đồng nghiệp cũ từng làm với nhau ở cùng một công ty, đồng nghiệp A hỏi đồng nghiệp B: Giờ cậu đang làm việc gì rồi? B nói giờ mình đang mở một công ty phần mềm nhỏ, thu nhập cũng khá ổn.

Sau đó B hỏi ngược lại A: còn cậu, sao đến giờ cậu vẫn làm công việc cũ vậy?

A nói: Haizz, cũng biết sao được, tôi cũng chẳng biết mình có thể làm gì nữa…

B hỏi tiếp: Thế giờ đang chuyển tới đâu sống rồi?

A nhỏ giọng nói: Giờ tôi chuyển ra ngoại thành sống rồi.

B cảm thán: Sao phải chuyển ra ở xa vậy, nhớ ngày xưa cậu toàn ở chung cư cao cấp ở trong thành phố mà, thế thì đi làm đường xa vậy chắc vất vả lắm nhỉ…

A mặt tối xầm lại, liên tục nói không sao hết, giờ giao thông cũng tiện rồi…

Nói được một lúc, A bỗng nhiên nói mình có việc phải đi trước, B lúc này vẫn còn kịp bồi thêm vào rằng mình có đi ô tô đến, nói để mình đưa A đi… Lúc này, một đồng nghiệp khác ngồi kế bên không nhịn được nữa, mắng B, "vừa rồi cậu làm người ta xấu hổ biết bao, mà bản thân cậu lại không ý thức được."

"Ngày xưa cả bọn cùng nhau là nhân viên cấp dưới với nhau, A ngày xưa còn từng dẫn dắt cậu, giờ cậu phát đạt rồi, người ta vốn dĩ đã thấy bối rối rồi, lúc nói chuyện, làm ơn hãy để ý tới cảm nhận của người khác, đừng động một tý là khoe mẽ ra được không!"

Lần tụ tập này khiến tôi nhận ra rằng, EQ cao hay không chẳng liên quan gì tới tính cách hướng nội hay hướng ngoại cả, bởi lẽ B vốn dĩ là một người hướng ngoại, biết ăn nói, nhưng giờ thì tôi đã hiểu ra, người nói nhiều, thích nói chuyện, chưa chắc tất cả mọi người đều sẽ thích anh ta, cũng chẳng nói lên được rằng EQ của anh ta cao, có thể nói càng nhiều, càng khiến người khác thấy phiền.

Thực ra, người EQ cao đều là những người biết nói chuyện. Nói chuyện chính là một hình thức góp mặt, tham gia, để mỗi người trong cuộc nói chuyện đều thấy mình tồn tại, thấy mình được tôn trọng. Ai chẳng muốn người khác để ý tới sự tồn tại của mình trong một cuộc nói chuyện, nhưng thực tế lại cứ luôn là khi cảm giác tồn tại của anh lớn hơn, thì tôi sẽ trở nên mờ nhạt.

Vì vậy, người có EQ cao, người biết nói chuyện, suy cho cùng chính là: bớt thể hiện mình lại, để ý một chút tới cảm giác tồn tại và cảm xúc của đối phương. Trên thực tế 90% những cuộc nói chuyện thất bại đều là bởi vì bạn không để ý tới cảm xúc của người khác.

4 điều tâm đắc trong quan hệ xã giao của một người 40 tuổi: Cái gọi là EQ cao, chính là biết để ý tới “sự tồn tại” của người khác - Ảnh 1.

02

Không khoe mẽ, xem thường người khác, cũng là một loại bản lĩnh

Người thông minh luôn biết để ý tới cảm xúc, hoàn cảnh của người khác, họ không bao giờ khoe mẽ mình hơn người khác ra sao.

Đặc biệt là khi người khác đang "gượng gạo", "không biết phải làm sao", hãy học cách để ý tới cảm xúc của họ, người khác cảm thấy không có thành tựu trong công việc, bạn lại nói phúc lợi với đãi ngộ của mình tốt ra sao; người khác đang cãi nhau với nửa kia, bạn lại nói người yêu mình chu đáo ra sao!!! Bạn thấy như vậy là thích hợp à? Sống ở đời, ai chẳng có lúc thăng lúc trầm, chẳng ai đang lúc trầm lại muốn biết bạn đang "thăng" tới đâu cả, vì vậy, học cách để ý tới cảm xúc của người khác một chút, vui vẻ cả đôi bên.

Nhớ rằng, thăng trầm đều có lúc, hôm nay bạn có lợi thế, ai biết được sau này người ta còn vượt trội hơn bạn ra sao, vì vậy, tuyệt đối đừng xem thường bất kì ai.

4 điều tâm đắc trong quan hệ xã giao của một người 40 tuổi: Cái gọi là EQ cao, chính là biết để ý tới “sự tồn tại” của người khác - Ảnh 2.

03

Đừng tùy tiện đánh giá phương thức sống của người khác, càng phải biết khống chế cái "khát khao được làm Gia Cát Lượng" của mình

Bạn không phải họ hàng nhà người ta, thì đừng tùy tiện nói với người lựa chọn sống độc thân mấy lời kiểu "độc thân là không tốt, nên tìm ai đó đi"; người khác thích ở lại thành phố nhỏ làm việc, bạn cũng đừng nói "chỉ những thành phố lớn mới có cơ hội, ở chỗ này không ngóc đầu lên được đâu" … những chuyện này đâu có liên quan tới bạn đâu!

Trừ phi người khác đang lưỡng lự, do dự, tới tìm lời khuyên từ bạn, bạn có thể đưa ra ý kiến để họ tham khảo, bằng không tuyệt đối đừng chỉ là người ngoài cuộc, người ta còn chưa kịp hỏi, bạn đã nghe nọ nói kia, rồi tùy tiện bình luận, đánh giá, áp đặt quan điểm của mình cho họ, cho rằng họ làm như vậy là không được, phải như mình thì mới đúng…

Phương thức sống vốn dĩ không có đáp án tiêu chuẩn. Cái gọi là thành công của mỗi người, chính là làm sao có thể sống theo cách mà mình muốn. Mỗi người đều có quyền lựa chọn cách sống riêng, đừng đem giá trị quan của mình áp đặt lên người khác.

4 điều tâm đắc trong quan hệ xã giao của một người 40 tuổi: Cái gọi là EQ cao, chính là biết để ý tới “sự tồn tại” của người khác - Ảnh 3.

04

Lúc đùa, hãy đùa về mình

Trong một buổi liên hoan nọ, vì phần lớn mọi người đều chưa quen nhau, nên khi chụp ảnh hội trường, mọi người đều gượng gạo trong khoản đứng cạnh ai.

Lúc này tôi mới đùa nói: "Ai chà, mặt tôi to, ai đứng cạnh tôi mặt lập tức sẽ nhỏ nhắn lại ngay, mọi người không mau chớp lấy vị trí vàng này đi!", mọi người nghe xong ai nấy đều cười vui vẻ, không khí gượng gạo được xóa bỏ.

Câu chuyện này nói cho chúng ta một điều rằng, nếu muốn kéo gần khoảng cách giữa bạn và người lạ, trước tiên hãy để đối phương không còn đề phòng với bạn. Bởi lẽ mọi người đều là lần đầu gặp nhau, không biết đối phương là địch hay là bạn, về mặt sinh học, đại não sẽ nhắc nhở chúng ta luôn đề cao trạng thái cảnh giác, tương tự như kiểu cả hai đều đang giơ súng vậy.

Nếu bạn đùa vui một chút, đồng nghĩa với việc bạn hạ thấp thế bắn, bộc lộ điểm yếu cho đối phương thấy, là người bỏ súng xuống trước, lúc này, đối phương sẽ cảm thấy rằng "à, không còn nguy hiểm nữa". Bộc lộ khuyết điểm chỉ là chuyện nhỏ, quan trọng là nó giúp bầu không khí trở nên tự nhiên hơn, giao tiếp cũng sẽ trở nên thoải mái hơn.

Ngược lại, nếu bạn lấy người khác ra làm trò đùa, người khác chắc chắn sẽ không vui. Nhớ kĩ: đùa giỡn về mình, là hài hước; nhưng đùa giỡn mà đối tượng là người khác thì đấy gọi là công kích.

Tóm lại, EQ cao trong đối nhân xử thế, không nằm ở cảm nhận của bạn mà là nằm ở cảm xúc của đối phương. Có thể với bạn đó là một cuộc đối thoại hết sức bình thường, nhưng đối phương lại không thoải mái khi nghe. Thước đo cảm nhận của mỗi người là không giống nhau, cái gọi là EQ cao, chính là "để ý tới người khác!"

Theo Alexx

Báo Dân sinh

Trở lên trên