MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 dự án thua lỗ ngành hóa chất: Chỗ chết chìm, nơi lóe sáng

Báo cáo mới nhất về 4 dự án thua lỗ ngành hóa chất cho thấy một số dự án trong tình cảnh “vô phương cứu chữa” khi tiếp tục lỗ sâu, 2 dự án đã bắt đầu làm ăn có lãi, duy trì sản xuất đều đặn và có khả năng thoát lỗ trong thời gian tới.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Nguyễn Phú Cường cho hay, tập đoàn mới báo cáo Bộ Công Thương về tình hình hoạt động của 4 dự án đầu tư nghìn tỷ bị thua lỗ (Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình; Cty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc; Cty cổ phần DAP - Vinachem và Cty cổ phần DAP số 2 - Vinachem). Có hai đơn vị có nhiều tín hiệu khả quan, tăng trưởng về giá trị sản xuất công nghiệp, doanh thu và giảm lỗ so với cùng kỳ. Sáng sủa nhất là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng khi trong quí I/2018, tổng sản lượng của nhà máy ước đạt 60.164 tấn, giá trị doanh thu ước đạt 566,65 tỷ đồng, ước lãi 14,8 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018, dự án sản xuất 270.000 tấn DAP và có lãi 18,453 tỷ đồng.

Giảm lỗ

Cũng theo ông Cường, cả 4 đơn vị vẫn đang hết sức khó khăn trong việc vay vốn lưu động phục vụ sản xuất. Như Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đã tổ chức chạy lại máy thành công, thời gian chạy máy trong quý I là 57 ngày. Cả năm 2018, dự kiến Đạm Ninh Bình sản xuất đạt 300.000 tấn urê và lỗ khoảng 764 tỷ đồng.

“Hiện Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam không bán than chậm trả và yêu cầu phải thanh toán ngay khi nhận hàng. Từ đó dẫn đến sản xuất không ổn định gây lo ngại cho khách hàng khi ký hợp đồng mua sản phẩm”, ông Cường cho hay.

So với thời kỳ năm 2016, đầu năm 2017, tình hình sản xuất của Cty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) sáng sủa hơn nhiều khi sản lượng, doanh số cũng như giá bán sản phẩm của công ty liên tục tăng. Số ngày chạy dây chuyền cũng tăng cao hơn trước, đạt 91,96%. Dây chuyền sản xuất chạy đều, hàng tồn kho ít, lượng xuất bán tăng.

Tại Đạm Hà Bắc hàng tiêu thụ tăng; lương của người lao động tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017. Hiện tiền lương bình quân là 6,684 triệu đồng/người/tháng; trong khi tổng quỹ tiền lương người lao động của công ty đạt 25,2 tỷ đồng.

Phó tổng giám đốc Đạm Hà Bắc, Đỗ Doãn Hùng cho hay, so với mức lỗ kế hoạch 162 tỷ đồng đề ra cho 3 tháng đầu năm, công ty đã giảm lỗ 88,75 tỷ đồng chỉ còn lỗ 86,25 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, toàn công ty đã phải thực hiện rất nghiêm ngặt việc giảm định mức tiêu hao trong sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu 17,7 tỷ đồng. Giá bán tăng cũng đã giúp công ty giảm lỗ 19,1 tỷ đồng trong 3 tháng đầu năm.

Theo ông Hùng, dù nỗ lực nhưng công ty đang gặp rất nhiều khó khăn do gánh nặng chi phí tài chính vẫn cao. Chỉ tính tiền lãi quá hạn của Ngân hàng Phát triển đã tăng thêm 14,1 tỷ đồng khiến chi phí tài chính các tháng đầu năm lên đến 167,83 tỷ đồng.  Cùng đó, chi phí khấu hao tài sản cố định tăng gần 10 tỷ đồng lên mức 77, 4 tỷ đồng (chi phí bán hàng cũng bị đội thêm 6,9 tỷ đồng).

Phó Tổng giám đốc Đạm Ninh Bình, Bùi Văn Thắng cho biết, tình hình tài chính của công ty hết sức khó khăn, không có vốn lưu động ban đầu để thực hiện kế hoạch chạy máy vì các ngân hàng chưa giải ngân. Các ngân hàng chỉ giải ngân theo cam kết trả nợ trước cho vay sau bằng 90% nợ trả. Tuy nhiên, công ty đã dần tìm được lối thoát khi được các nhà phân phối cho vay vốn và nhà cung cấp cho nợ trả dần tiền hàng. Việc này đã giúp đơn vị chuẩn bị đủ nguyên nhiên liệu chạy lại máy.

Đại diện Đạm Ninh Bình cho biết, ước tính trong quý I, công ty lỗ khoảng 211 tỷ đồng. Trong đó lỗ tháng 1 là 102 tỷ đồng (do không chạy máy), lỗ tháng 2 là 63 tỷ đồng và mức lỗ của tháng 3 là 46 tỷ đồng. Khó khăn với dự án hiện nay là, có nhiều lao động, xin chấm dứt hợp đồng nên các xưởng đang thiếu người. Công ty đã phải chủ động sắp xếp linh hoạt nhân sự trong xưởng và giữa các đơn vị, đại diện Đạm Ninh Bình cho hay.

Theo ông Phùng Ngọc Bộ, Tổng giám đốc Cty CP DAP số 2 - Vinachem, để đạt được mức lợi nhuận khiêm tốn trong quý 1/2018 và giảm lỗ hơn 71 tỷ đồng, toàn công ty đã phải “thắt lưng buộc bụng toàn diện” trong quản lý chi phí sản xuất, tiền lương, sửa chữa bảo dưỡng thiết bị, tiêu hao vật tư.

Để tiết kiệm chi phí, ngoài việc giám sát chặt chẽ chất lượng nguyên nhiên liệu đầu vào, công ty còn tận dụng, thu hồi tối đa tái sử dụng nước róc từ bãi thạch cao để giảm tiêu hao quặng apatit và nước sản xuất. “Công ty cũng thực hiện kiện toàn, sắp xếp tinh gọn lại tổ chức để nâng cao năng suất lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng cho thực hiện chế độ làm việc 2ca/3 kíp trong điều kiện thiếu lao động để đáp ứng sản xuất, tăng thu nhập, không tăng quỹ lương”, ông Bộ nói.

Cũng theo ông Bộ, sau một thời gian dài tái cơ cấu, trong quý 1/2018, công ty đã tiêu thụ được 60.903 tấn DAP,  tăng 232,4% so với cùng kỳ năm trước. Dù nỗ lực nhưng gánh nặng tài chính, thua lỗ từ thời kỳ trước vẫn khiến công ty gặp nhiều khó khăn.

4 dự án thua lỗ ngành hóa chất: Chỗ chết chìm, nơi lóe sáng - Ảnh 1.

Ðìu hiu Nhà máy Ðạm Ninh Bình. Ảnh: Phạm Anh.

Tiếp tục hỗ trợ, không lại… chết

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, dù nỗ lực và có những tia hy vọng bước đầu nhưng khó khăn với các đơn vị vẫn chồng chất. Nếu không được tháo gỡ tiếp, các đơn vị sẽ khó có thể duy trì được việc cải thiện sản xuất như hiện nay. Như với Cty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, định mức tiêu hao thực hiện trong quý I vẫn còn cao hơn kế hoạch đăng ký vì tiêu hao than cám 4a /NH3 tăng do hiện tượng rò khí tổng hợp. Tiêu hao NH3/ure cao hơn kế hoạch cũng một phần do nhà máy phải dừng hoạt động 3 lần.

Theo Tổng giám đốc Cty CP DAP số 2 - Vinachem, công ty đã có văn bản gửi tập đoàn và Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13, đưa sản phẩm phân bón DAP thuộc đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất từ 0 đến 5% thay cho quy định đang có hiệu lực “không thuộc đối tượng chịu thuế VAT đầu ra”.

“Đối với 2 khoản vay cho đầu tư dự án, đề nghị Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Vietinbank và Ngân hàng Phát triển Việt Nam điều chỉnh giảm lãi suất từ 9,5% - 9,6%/năm hiện nay xuống mức ưu đãi nhất. Công ty cũng xin giãn thời gian trả nợ từ 10 năm lên 20 năm đồng thời được khoanh nợ tiền gốc và tiền lãi được trả dần từ năm 2019. Có như vậy công ty mới có thêm nguồn lực để tiếp tục vượt qua khó khăn”, ông Bộ đề xuất.

Theo ông Đỗ Doãn Hùng, nếu phương án cơ cấu trả lãi đối với các ngân hàng thương mại được chấp thuận, Đạm Hà Bắc sẽ phải chuyển nợ xuống nhóm 4 (nhóm nợ xấu) thử thách trong vòng 3 tháng và việc vay vốn lưu động tại các ngân hàng thương mại sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, mức lãi suất vay ngắn hạn của Ngân hàng Ngoại thương luôn dao động 5,8%-6%/năm và đến 28/2/2018 hợp đồng vay vốn lưu đông tại Ngân hàng Ngoại thương hết hiệu lực nên tình hình tài chính của đơn vị vẫn khó khăn.

Theo lãnh đạo Đạm Ninh Bình, tình hình tài chính của công ty trong quý II/2018 vẫn trong bối cảnh mất cân đối, dòng tiền để thanh toán các nghĩa vụ nợ tới hạn chưa chủ động được và phải phụ thuộc hoàn toàn vào doanh thu tiêu thụ. Hiện công ty đang phối hợp với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành để có cơ chế hỗ trợ, giải quyết các khó khăn.

"Công ty đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho giãn nợ, trả lãi suất 3%/năm cho 5 năm đầu từ 2018-2022. Từ năm 2022-2028 trả lãi 8,55%/năm. Hoặc khoanh nợ 5 năm, từ 2018 đến hết 2022 cho Công ty Đạm Ninh Bình để giảm khó khăn về dòng tiền và để công ty có thể tiếp tục chạy máy ổn định”, lãnh đạo Đạm Ninh Bình nói. Lãnh đạo đơn vị cũng cho biết, công ty đang phải làm việc với các đại lý để vay vốn với lãi suất bằng lãi đi vay tại các tổ chức tín dụng để mua than phục vụ chạy máy.

Theo Bộ Công Thương, đến nay, trong số 6 dự án có vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), 4 dự án bị phân vào nhóm 5 là nợ xấu có khả năng mất vốn (Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên; Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai và Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất).

Bộ Công Thương: Sẽ sớm xử lý các khó khăn

Về việc xử lý các tồn tại, yếu kém tại một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ ngành sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc để chấm dứt tình trạng thua lỗ, khắc phục tối đa thiệt hại cho nhà nước và xác định rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm minh đối với các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành, khai thác từng dự án, doanh nghiệp theo lộ trình. Theo đó, đến hết năm 2018 phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém đối với các dự án, doanh nghiệp. Và đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xử lý các tồn tại, yếu kém ở các dự án, doanh nghiệp.

Ðể thị trường quyết định số phận các dự án

Về xử lý các doanh nghiệp thua lỗ nghìn tỷ, TS .Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hậu quả để lại với các dự án đầu tư nghìn tỷ đồng đến nay hết sức nặng nề. Việc xử lý các dự án này về bản chất chính là cơ cấu lại tài chính và Nhà nước nên để thị trường xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, tránh tiếp tục rót vốn cho các dự án.

"Với dự án có thể cho phá sản nhưng nếu nhà đầu tư tiềm năng thấy tốt thì có thể cho để lại. Với những dự án mà thị trường, nhà đầu tư thấy không còn cơ hội để đầu tư nữa thì phải chấp nhận cho phá sản. Những nhà đầu tư chiến lược mới tham gia vào quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp thua lỗ sẽ quyết định chiến lược nhân sự và kinh doanh của các dự án. Việc tồn tại dự án hay không phụ thuộc vào việc có nhà đầu tư chịu rót vốn cho dự án hay không", ông Võ Trí Thành nói.


Theo Phạm Tuyên

Tiền phong

Trở lên trên