MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 kiểu ăn uống âm thầm “phá hủy” dạ dày nhưng nhiều người trẻ thích làm

25-04-2023 - 20:01 PM | Sống

4 kiểu ăn uống âm thầm “phá hủy” dạ dày nhưng nhiều người trẻ thích làm

Theo đúng đặc điểm tuổi tác, những người trẻ sẽ thường có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, rất ít gặp vấn đề về dạ dày. Nhưng do lối sống hiện đại có nhiều thay đổi, nhất là thói quen ăn uống lại khiến bệnh dạ dày trở thành vấn đề sức khỏe phổ biến của người trẻ tuổi.

Bị cuốn theo nhịp sống hối hả, công việc bận rộn với nhiều áp lực khiến rất nhiều người trẻ không còn thời gian để chú tâm tới ăn uống. Số khác thì lại coi ăn uống là một cách để hưởng thụ hoặc cách thức giải tỏa tâm trạng, vì vậy mà ăn uống vô tội vạ, ăn uống theo sở thích. Cũng từ đây, rất nhiều vấn đề dạ dày ra đời.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng không chỉ nằm ở lựa chọn thực phẩm, có những hành vi khi ăn tưởng chừng nhỏ nhặt, ít ai để ý nhưng lại có thể âm thầm “phá hủy” dạ dày.

1. Ăn quá nhanh

Hành vi ăn nhanh bao gồm cả việc rút ngắn tổng thời gian ăn uống và nhai không kỹ, nuốt vội vàng. Lúc này, thức ăn sẽ chuyển đến dạ dày khi vẫn còn ở dạng thô để tiếp tục quá trình tiêu hóa. Điều này sẽ trực tiếp làm hại niêm mạc dạ dày, tăng gánh nặng và thời gian làm việc cho dạ dày, làm mệt mỏi cơ bắp dạ dày và giảm nhu động dạ dày. Lặp lại lâu ngày dạ dày khó tránh khỏi suy giảm chức năng, mắc bệnh.

Nhai không kỹ, nuốt vội vàng khiến cho thức ăn khó di chuyển hơn qua đường tiêu hóa, không hấp thu dinh dưỡng cần thiết và tăng cảm giác khó chịu cho dạ dày.

Từ đó gây ra các cơn đau dạ dày, khó tiêu hóa, táo bón… Ăn nhanh trong một thời gian dài còn có thể khiến dây thần kinh vị giác vẫn ở trạng thái hưng phấn, ảnh hưởng xấu đến vị giác.

Khi ăn nhanh chúng ta còn khó kiểm soát lượng thức ăn, dẫn tới dễ ăn quá nhiều, tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và nhiều bệnh khác. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị chúng ta nên dành ít nhất 20 phút cho mỗi bữa ăn. Hãy nhai ít nhất 12 lần trước khi nuốt thức ăn và không lập tức ăn miếng khác khi chưa nuốt hết hoặc vừa nuốt xong.

2. Thích thêm muối, đồ chấm khi ăn

Không khó để bắp gặp những người trẻ có thói quen hoặc sở thích dùng nhiều loại gia vị ăn kèm khi ăn uống. Hoặc một số người cảm thấy đồ ăn sẵn, mua ngoài tiệm luôn nhạt hơn nên phải thêm muối, ăn cùng nước chấm. Thậm chí nhiều món ăn hoàn toàn không cần thiết dùng thêm gia vị nhưng vẫn thích chấm để ngon miệng hơn như một thói quen riêng. Cứ như vậy, họ hình thành thói quen tăng lượng muối vào bữa ăn một cách khó kiểm soát hoặc không cần thiết và gây hại cho dạ dày.

Ăn mặn, ăn thừa muối có thể gây viêm dạ dày, về lâu dài là cả ung thư dạ dày. Bởi thừa muối là thủ phạm thúc đẩy hoạt động của vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét niêm mạc dạ dày dẫn tới ung thư.

photo-2

Ảnh minh họa

Theo một nghiên cứu của tác giả D’Elia và cộng sự thực hiện trên 270 nghìn người trong 6 - 15 năm cho thấy: những người ăn nhiều muối có nguy cơ ung thư dạ dày tăng 68% so với những người bình thường. Chưa kể tới, thói quen này còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cao huyết áp, ảnh hưởng tới dây thần kinh vị giác.

3. Không tập trung khi ăn

Với nhiều người trẻ, nhất là dân văn phòng thì bữa ăn còn là thời gian thư giãn, cập nhật tin tức, giải trí… Còn với các gia đình, đây còn là lúc các thành viên kết nối với nhau, trò chuyện hoặc xem vô tuyến. Tuy nhiên, cái giá mà chúng ta phải trả cho thói quen này chính là sức khỏe dạ dày của mình!

Không tập trung vào bữa ăn khiến bạn bị giảm cảm giác ngon miệng, không nhai kỹ thức ăn nên không tốt cho tiêu hóa. Đồng thời, điều này gây ảnh hưởng đến quá trình tiết axit và enzim để tiêu hóa thức ăn và khiến dạ dày của bạn gặp nhiều rắc rối, dễ mắc bệnh hơn.

Ngoài ra, việc không tập trung vào bữa ăn có thể khiến bạn ăn nhiều hơn mà không biết. Những người không tập trung khi ăn cũng thường ăn vặt nhiều hơn sau bữa chính. Điều này có thể là do bản thân họ không nhận ra rằng mình đã ăn nhiều bao nhiêu trong suốt bữa ăn. Như vậy không những làm dạ dày quá tải, suy yếu mà còn làm tăng nguy cơ tăng cân, béo phì.

photo-1

Ảnh minh họa

4. Chan canh với cơm hoặc uống nước khi ăn

Có lẽ không ít người sẽ bất ngờ khi biết rằng hành vi chan canh vào cơm hoặc uống nước trong khi ăn lại gây hại cho dạ dày. Không chỉ người trẻ tuổi phải ăn vội vàng, đây thực chất là thói quen xấu nhiều thế hệ từ trẻ nhỏ đến người già đều mắc phải.

Các chuyên gia tiêu hóa giải thích, nước canh hoặc nước uống sẽ làm loãng dịch vị, khiến thức ăn ở trong dạ dày chưa kịp tiêu hóa đã vào ruột non. Nếu duy trì lâu dài, làm cho hệ tiêu hóa, hoạt động của thành ruột, dạ dày trở nên lười biếng, ít tiết dịch để co bóp gây ra các bệnh liên quan đến tiêu hóa như: đau dạ dày, tá tràng, rối loạn tiêu hóa.

Chưa kể tới, thói quen này còn dễ tạo ra cảm giác no ảo. Khiến dạ dày nói riêng và cơ thể nói chung dễ bị thiếu dinh dưỡng. Đồng thời cũng khiến lượng cơm và thức ăn trôi tuột vào dạ dày mà chưa được nhai kĩ, khiến dạ dày phải làm việc nhiều hơn, dễ suy yếu và mắc bệnh hơn.

Ngoài ra, kiểu ăn uống này còn làm chúng ta lười nhai, giảm tiết enzyme từ miệng dẫn tới khó tiêu hóa hơn. Hoặc khi chan cơm với canh, uống nước cùng cơm sẽ khó phát hiện dị vật, dễ vô tình nuốt chúng xuống và làm tổn thương thực quản, dạ dày.

Theo Ngọc Ái

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên