MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

4 lý do khiến ngành bán lẻ Mỹ khó có thể phục hồi như ở Trung Quốc

27-04-2020 - 11:34 AM | Tài chính quốc tế

Mặc dù ngành bán lẻ của Mỹ đang nhìn sang Trung Quốc để tìm hiểu cách người mua sắm trở lại sau đại dịch virus corona, nhưng có những thiếu sót trong việc sử dụng khu vực này như một kế hoạch chi tiết cho Mỹ.

"Ở Trung Quốc, người tiêu dùng đã trở lại với tâm thế ‘báo thù’. Có một nhu cầu bị dồn nén", Deborah Weinswig, giám đốc điều hành và nhà sáng lập của Coresight Research, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Tuy nhiên, sự trở lại của ngành bán lẻ ở Mỹ có thể sẽ diễn ra theo một cách khác, vì tình trạng thất nghiệp tiếp tục gia tăng, các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa trong thời gian dài hơn và du lịch quốc tế vẫn còn bị hạn chế.

"Chúng tôi có 50 tiểu bang, đóng vai trò như 50 quốc gia. Trung Quốc cũng chưa bao giờ xảy ra tình trạng thất nghiệp đến 11%", Weinswig nói về tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ.

Và đây là 4 lý do mà các nhà bán lẻ không nên tin rằng ngành bán lẻ ở Mỹ có thể phục hồi như ở Trung Quốc.

Những chiếc phong bì nhỏ màu đỏ

Phần lớn hoạt động chi tiêu sau đại dịch ở Trung Quốc có thể được cho là do nhiều người tiêu dùng đã trì hoãn chi tiêu quà tặng Tết của họ. Theo truyền thống, các gia đình ở Trung Quốc thường tặng nhau những phong bì màu đỏ chứa đầy tiền mặt để mừng năm mới. Nhưng đại dịch Covid-19 đã buộc nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc phải đóng cửa ngay khi lễ đón Tết Nguyên đán sắp bắt đầu.

Điều đó nghĩa là, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã phải ở nhà trong thời gian cách ly, chưa kịp tiêu số tiền đó cho đến khi các cửa hàng mở cửa trở lại, theo giám đốc điều hành AlixPartners, Jian Li. Người tiêu dùng đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ nên mua gì.

Còn ở Mỹ thì không phải vậy - ít nhất là đối với nhiều người tiêu dùng.

Du lịch Trung Quốc đang bị tạm ngưng

Các thương hiệu bán lẻ hàng xa xỉ đang mạnh mẽ hướng đến Trung Quốc sau thời gian phong tỏa.

Chủ sở hữu Louis Vuitton LVMH cho biết người mua sắm đã đổ xô đến các cửa hàng của mình ở Trung Quốc đại lục khi nhiều địa điểm mở cửa trở lại vào tháng trước. Doanh số bán hàng tại Trung Quốc của LVMH, như Dior và Fendi, đã chuyển biến tích cực so với một năm trước trong nửa cuối tháng 3, giám đốc tài chính Jean-Jacques Guiony cho biết hồi tuần trước.

Trong tháng này, một số thương hiệu của tập đoàn LVMH tại Trung Quốc đại lục đã tăng doanh số hơn 50%, Guiony nói thêm.

Tuy vậy, có thể mất nhiều thời gian hơn để ngành bán lẻ hàng xa xỉ phục hồi ở Mỹ, đặc biệt là du lịch quốc tế đang bị tạm hoãn. Lúc bình thường, du khách Trung Quốc thường chiếm số lượng và chi tiêu cao nhất trong doanh số của các công ty Mỹ - từ chuỗi cửa hàng bách hóa Macy đến thợ kim hoàn cao cấp Tiffany & Co. đều phụ thuộc nhiều vào du lịch Trung Quốc, đặc biệt là tại các địa điểm hàng đầu của họ ở thành phố New York . Tiffany đã nói rằng khách du lịch nước ngoài chiếm tỷ lệ hai chữ số trong doanh số bán hàng của họ tại Mỹ.

"Nhưng hiện tại, khách du lịch Trung Quốc đang không đi đâu cả", Weinswig nói.

Các cửa hàng ở Mỹ bị đóng cửa quá lâu

Ngành bán lẻ ở Mỹ đã ngừng hoạt động lâu hơn ở Trung Quốc. Và điều đó có thể có tác động lâu dài – như nhiều cửa hàng sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn hơn và người tiêu dùng quay sang mua hàng trực tuyến nhiều hơn.

Theo số liệu của Coresight Research, các cửa hàng ở một số khu vực của Trung Quốc chỉ đóng cửa bốn tuần. Lululemon, Apple và Uniqlo bắt đầu mở lại một số địa điểm ở Trung Quốc của họ vào ngày 16/02. Việc đóng cửa ở Trung Quốc bắt đầu vào ngày 19/01, khi nước này áp dụng lệnh phong tỏa đối với khu vực Vũ Hán từ ngày 23/01.

Trong khi đó, Mỹ đang ở giữa tuần thứ 6 của đợt đóng cửa nhiều cửa hàng bán lẻ bán các mặt hàng không thiết yếu như quần áo. Làn sóng đóng cửa bắt đầu vào ngày 13/03, khi Patagonia tuyên bố sẽ tạm thời đóng cửa tất cả các cửa hàng của mình.

Coresight đang ước tính nhiều cửa hàng sẽ vẫn đóng cửa ở Mỹ cho đến ít nhất là ngày 10/05, thời điểm mà nhiều người thậm chí cho là "lạc quan". Trong một kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn, Coresight cho rằng phần lớn các cửa hàng bán lẻ vẫn "tối đèn" cho đến tháng 6.

Thất nghiệp ở Mỹ tăng

Tại Mỹ, tất cả các công việc kiếm được kể từ cuộc Đại suy thoái đã bị xóa sổ, khi 26,45 triệu người Mỹ nộp đơn xin thất nghiệp trong 5 tuần qua.

Nếu không có tiền lương, nhiều người tiêu dùng sẽ miễn cưỡng hơn trong việc đến các trung tâm mua sắm. Doanh số bán lẻ đã giảm 8,7% trong tháng 3, mức giảm lớn nhất kể từ khi chính phủ bắt đầu theo dõi điều này vào năm 1992, theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Thương mại. Những con số này dự kiến sẽ tồi tệ hơn trong tháng 4.

Trong khi đó, ở Trung Quốc, khoảng 5 triệu người bị mất việc trong hai tháng đầu năm 2020. Mặc dù những con số này vẫn không "đẹp đẽ" gì, nhưng các nhà phân tích cho rằng nước này đã làm tốt hơn trong việc giữ cho mọi người có việc làm. Trong nhiều trường hợp, các công ty đang giảm lương trước khi thực hiện những biện pháp quyết liệt hơn như cho tạm nghỉ ngắn hạn, một nhà phân tích cho biết.

"Đã có một sự trở lại mạnh mẽ ở Trung Quốc", Jian Li nói.

4 lý do khiến ngành bán lẻ Mỹ khó có thể phục hồi như ở Trung Quốc - Ảnh 2.

Lê Thanh Hải

Trở lên trên