40 năm sống mông lung, không định hướng, 41 tuổi khởi nghiệp, trở thành ‘ông hoàng lò vi sóng’ nổi tiếng toàn thế giới: Mỗi ngày làm 16 tiếng ‘bù’ thời gian nhởn nhơ trước kia!
40 năm cuộc đời sống trong mông lung, mất vỏn vẹn vài năm để tạo nên đế chế kinh doanh của riêng mình, Lương Khánh Đức dùng trải nghiệm của mình để nói với mọi người rằng, “đời người, độ tuổi nào cũng là khởi điểm”!
- 28-05-2024Lò vi sóng dùng xong nên rút điện hay vẫn cắm điện? Thì ra bấy lâu rất nhiều người làm sai
- 12-05-2024Sau 1 năm dùng lò vi sóng, người đàn ông nhận chẩn đoán ung thư dạ dày, bác sĩ chỉ ra 2 sai lầm
- 28-02-2024Đặt đồ lên nóc lò vi sóng có sao không? Việc quan trọng nhưng rất nhiều người chủ quan
Lương Khánh Đức sinh ra tại một ngôi làng nhỏ tại huyện Thuận Đức, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trước tuổi 40, ông làm đủ các công việc tại hầu hết các công xưởng tại quê nhà, từ đúc rèn, in ấn tới bán hàng… Việc gì cũng đều từng làm qua, nhưng vẫn luôn vật lộn với cái nghèo.
Năm 1978, ở tuổi 41, Lương Khánh Đức tập hợp hơn 10 đồng nghiệp từng làm việc với mình lại, dựng vài chiếc lán, bắt đầu sự nghiệp sản xuất chổi lông gà.
Tuy nhiên, lợi nhuận trong ngành này không nhiều, khi đó, một câu hỏi xuất hiện trong đầu ông: Làm sao mới có thể kiếm được nhiều hơn?
Sau khi công ty đi vào hoạt động ổn định, Lương Khánh Đức chuyển trọng tâm của mình sang áo lông vũ. Cùng là kinh doanh lông vũ, nhưng bán áo lông vũ tạo ra được nhiều lợi nhuận hơn so với chổi lông gà. Nghĩ là làm, Lương Khánh Đức cắn răng vay 30 vạn tệ (khoảng 970 triệu đồng) thành lập xưởng áo lông vũ.
Lần này, ông đã cược đúng. Chỉ trong vài năm, công ty thu được lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Sau đó, Lương Khánh Đức phát hiện vải lông trong nước đều được giặt bằng tay, rất dễ thu hút côn trùng, điều này khiến một lượng lớn thành phẩm không thể mang ra bán. Nhận thấy thương cơ, ông gom góp hơn 400 vạn tệ (khoảng 13 tỷ đồng) nhập thiết bị giặt tiên tiến của Nhật về nước, đồng thời mua lại sản phẩm hỏng của các công ty khác trong ngành với giá thấp, sau đó tiến hành gia công lại, cứ như vậy, ông nhanh chóng hoàn được lại vốn đồng thời thu được lợi nhuận khổng lồ. Tới năm 1988, lợi nhuận của công ty nhanh chóng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Năm 1991, trong một lần đi du lịch Nhật Bản, ông bị lò vi sóng thu hút, ông chắc chắn rằng món đồ nhỏ có ngoại hình kém thu hút này nhất định tạo ra được thị trường rất lớn tại Trung Quốc.
Sau khi về nước, Lương Khánh Đức nhanh chóng cử ra hai đội tới Thượng Hải và Tây An khảo sát. Kết quả, một đội nói họ không tìm được thị trường của lò vi sóng, đội còn lại nói không tìm được linh kiện lắp ráp lò vi sóng. Nghe xong báo cáo của hai nhóm nhân viên, Lương Khánh Đức cảm thấy mình "thấy được triển vọng".
Ông nói, "Vì sao người tiêu dùng không mua lò vi sóng, đó là bởi vì họ không đủ khả năng kinh tế, nếu đặt giá của lò vi sóng ở mức độ hợp lý, có lý gì họ lại không muốn mua một món đồ tiện dụng như vậy?"
Cứ như vậy, ở tuổi 54, Lương Khánh Đức quyết định chuyển thị trường sang kinh doanh lò vi sóng.
Tục ngữ nói, "đổi ngành nghèo 3 năm", từ kinh doanh lông vũ chuyển sang kinh doanh công nghệ, đây không phải chuyện đơn giản. Rất nhiều người xung quanh đều khuyên ông nên ổn định, đây không phải độ tuổi để liều lĩnh, nhưng Lương Khánh Đức không phục. Ông đem hết tích lũy hàng chục năm của doanh nghiệp hiện tại đầu tư vào lò vi sóng. Điều này cũng có nghĩa là nếu thua, ông sẽ mất tất cả những gì mình đã gây dựng được trước đó.
Năm 1993, thương hiệu lò vi sóng Galanz chính thức đi vào sản xuất. Vì không có cơ sở kỹ thuật, chất lượng của lò vi sóng khá kém, thương hiệu khi đó cũng chưa có độ phủ sóng. Trong 1 năm, lượng tiêu thụ chỉ dừng lại ở mức chưa tới 10.000 chiếc.
Rất nhiều người tranh thủ dịp này để mỉa mai ông, cho rằng "một nông dân đang bán áo lông, làm sao đủ trình độ bước vào ngành kỹ thuật"… Lương Khánh Đức khi đó đã làm một việc không ai ngờ, ông viết tất cả những lời mỉa mai của mọi người xung quanh lên một chiếc bảng, sau đó treo nó trong công xưởng để nhắc nhở bản thân.
Để thắng trận này, ở tuổi đã gần 60, Lương Khánh Đức vẫn ngày ngày bàn bạc trực tiếp công việc với các nhân viên kỹ thuật, ông cũng tham gia vào quá trình bán hàng, truyền đạt tới người tiêu dùng lợi ích cũng như cách dùng của lò vi sóng.
Cường độ công việc cao, Lương Khánh Đức kiên trì làm việc 15,16 tiếng mỗi ngày. Ông nói rằng, giống như 'quy luật bù', làm nhiều và ham làm, bù cho quãng thời gian mông lung trước đây.
Chưa kể, ông cũng đích thân tới Thượng Hải, năm lần bảy lượt, kiên trì chiêu mộ các chuyên gia trong nước gia nhập công ty của mình.
Dưới sự nỗ lực không ngừng nghỉ của ông, nửa năm đầu năm 1994, sản lượng tiêu thụ lò vi sóng tăng lên con số 30.000 chiếc, công việc kinh doanh cuối cùng cũng có bước đầu khởi sắc.
Tháng 6 năm 1994, huyện Thuận Đức xảy ra lũ lụt lớn nhất trong suốt hơn 100 năm, chỉ trong vài phút, nước trong công xưởng sản xuất của Galanz dâng lên 3m, cơn lũ lụt kéo dài 15 ngày khiến các thiết bị trong công xưởng rơi vào tình trạng hỏng hóc nghiêm trọng.
Trong khi rất nhiều người cho rằng đây là cái kết của Galanz thì sự việc sau đó khiến mọi người phải kinh ngạc. Lương Khánh Đức đi vay tiền, phát cho nhân viên 3 tháng tiền lương, đảm bảo nhân viên sẵn sàng ở lại cùng công ty khắc phục hậu quả lũ lụt, những người không muốn ở lại, đợi công xưởng tái hoạt động, công ty vẫn sẽ hỗ trợ tiền đi đường. Các nhân viên cảm động bởi hành động của Lương Khánh Đức, tất cả đều lựa chọn ở lại, cùng nhau khắc phục hậu quả lũ lụt. Công ty chia làm hai nhóm, một nhóm khắc phục, sửa chữa máy móc, một nhóm tiếp tục thúc đẩy tiếp thị sản phẩm. 3 ngày sau khi lũ rút, dây chuyền sản xuất đầu tiên của Galanz hoạt động trở lại. 3 tháng sau, toàn bộ dây chuyền sản xuất khôi phục vận hành. Cuối năm đó, lượng tiêu thụ sản phẩm vượt mốc con số 100.000 chiếc, giúp Galanz trở thành công ty có số lượng lò vi sóng bán ra lớn nhất Trung Quốc lúc bấy giờ.
Tuy nhiên, Lương Khánh Đức, khi đó đã 59 tuổi, chưa có ý định dừng lại.
Bắt đầu từ năm 1996, Galanz tiến hành một cuộc cải cách về giá cả, chỉ trong vòng 7 năm, công ty tiến hành giảm giá lò vi sóng tới 9 lần, những chiếc lò vi sóng có giá hàng ngàn tệ có những giai đoạn được bán với giá chỉ vài trăm tệ.
Lương Khánh Đức cũng thực hiện được lời hứa của mình năm xưa, thông qua việc giảm giá, biến một chiếc lò vi sóng, một thứ từng là một xa xỉ phẩm, trở thành sản phẩm quốc dân, thứ mà ai cũng có thể sở hữu.
Năm 1998, lượng tiêu thụ sản phẩm của Galanz bùng nổ, hiện tại, công ty nắm vững trong tay 50% thị phần thị trường lò vi sóng tại Trung Quốc và cả thế giới, trở thành nhà cung cấp lò vi sóng lớn nhất thế giới.
40 năm cuộc đời sống trong mông lung, mất vỏn vẹn vài năm để tạo nên đế chế kinh doanh của riêng mình, Lương Khánh Đức dùng trải nghiệm của mình để nói với mọi người rằng, "đời người, độ tuổi nào cũng là khởi điểm"!
Đời sống và pháp luật