MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 bẫy chi tiêu “chôn vùi” tuổi xuân, khiến bạn mãi không thể thoát nghèo

21-02-2024 - 19:00 PM | Lifestyle

Thử kiểm tra xem mình đang “chôn chân” trong bao nhiêu trên 5 bẫy chi tiêu này?

Kiếm chác cũng ổn mà cứ đến cuối tháng là hết tiền, chẳng tiết kiệm được đồng nào và thi thoảng còn nợ nần? Nếu cũng đang trong tình trạng ấy, rất có thể bạn đang mắc phải 1 trong 5 bẫy thu nhập mà Youtuber Namanhsuit đã chia sẻ trong một video cách đây chưa lâu.

Namanhsuit tên thật là Lê Nam Anh, chủ kênh youtube @namanhsuit với 39.000 người theo dõi. Hiện tại, công việc chính của Nam Anh là chuyên viên tư vấn tài chính, một giáo viên và một nhà sáng tạo nội dung trong lĩnh vực tài chính và đầu tư.

5 bẫy chi tiêu “chôn vùi” tuổi xuân, khiến bạn mãi không thể thoát nghèo- Ảnh 1.

Lê Nam Anh

Trong một vlog khai xuân mừng năm mới, Nam Anh đã chỉ ra 5 bẫy thu nhập mà không ít bạn trẻ đang mắc phải, trong đó từng có bản thân Nam Anh, khiến sức khỏe tài chính bị suy giảm đáng kể.

1 - "Trả lương" cho bản thân cuối cùng

Nam Anh quan niệm tiền tiết kiệm mới là khoản "tiền lương" dành cho bản thân về lâu về dài, chứ không phải là tiền dành để mua sắm hay đi du lịch. Giống như nhiều người trẻ khác, chính cậu bạn này cũng từng tiêu tiền lương vào hằng hà sa số các thú vui, sở thích khác trước khi "trả lương" cho bản thân.

Nói cách khác, Nam Anh chi tiêu trước, tiết kiệm sau. Chắc hẳn chúng ta đều biết thói quen chi tiêu như vậy là kẻ thù của tiết kiệm. Các nhà đầu tư, tỷ phú nổi tiếng trong đó có "sói già" phố Wall đều khuyên chúng ta nên chi tiêu những gì còn lại sau khi đã tiết kiệm, thay vì làm theo cách ngược lại, để việc tiết kiệm không phải là câu chuyện "nay có mai không".

2 - Không có quỹ an toàn

Khi còn trẻ, chúng ta có xu hướng tự tin khẳng định mình chẳng bao giờ ốm nặng được. Đương nhiên, đau ốm là việc không ai mong muốn nhưng còn trẻ không đồng nghĩa với việc luôn khỏe. Ốm đau, tai nạn, thất nghiệp,... có thể "ghé thăm" bất cứ lúc nào.

5 bẫy chi tiêu “chôn vùi” tuổi xuân, khiến bạn mãi không thể thoát nghèo- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Trong hoàn cảnh ấy, quỹ an toàn hay còn có tên gọi khác là quỹ khẩn cấp chính là chiếc phao cứu cánh cho bạn. Số tiền nên có trong quỹ an toàn là 3-6 tháng tiền sinh hoạt phí (bao gồm tiền thuê nhà, ăn uống, di chuyển).

Nếu tiền tiết kiệm là khoản tiền đảm bảo cho bạn sự an tâm trong tương lai dài hạn thì quỹ an toàn chính là khoản tiền đảm bảo sự ổn định của bạn trong tương lai ngắn hạn trong vòng 6 tháng đổ lại. Đây là 2 khoản tiền riêng biệt, đừng nhầm lẫn.

3 - Thoải mái với nợ tiêu dùng

Giống như nhiều người trẻ khác, Nam Anh cũng từng cảm thấy "chẳng có vấn đề gì" với việc nợ tiêu dùng, mà cụ thể hơn là nợ thẻ tín dụng. Cậu bạn này dùng thẻ tín dụng cho những việc nhỏ nhất như đi siêu thị, mua sắm online tới mua trả góp những món đồ giá trị cao khác như điện thoại, laptop,... nhưng lại chẳng có kế hoạch chi trả rõ ràng.

Nợ nần sinh ra từ những khoản chi rất nhỏ như thế chứ cũng không phải do việc gì quá to tát. Nhưng đáng sợ hơn cả việc nợ tiêu dùng chính là thái độ xem nhẹ việc nợ nần.

Quá thoải mái với việc nợ tiêu dùng sẽ hình thành thói quen chi tiêu thiếu trách nhiệm, không cân nhắc kỹ càng. Từ đó, "kích thước khoản nợ" sẽ dần tăng lên, tương lai mất khả năng trả nợ không phải là điều quá xa vời nếu bạn vẫn tiếp tục xem thường những khoản nợ tiêu dùng.

4 - Mù mờ về các khoản chi của bản thân

Nam Anh gọi đây là một thói quen xấu mà bản thân từng mắc phải. Cậu bạn này từng không biết mình đã tiêu hết tiền lương vào việc gì. Thoạt nghe, việc này có vẻ phi lý nhưng nếu không có thói quen ghi chép lại chi tiêu trong ngày, bạn sẽ hiểu cảm giác "tiền cứ bay hết đi đâu mất" mà mình vẫn chẳng có gì mới hay đầu tư được thứ gì "thành tấm, thành món".

Để phân bổ được dòng tiền cá nhân một cách rõ ràng và hiệu quả, Nam Anh cho rằng việc làm rõ các khoản chi hàng ngày là vô cùng quan trọng. Bạn có thể ghi chép, tạo file excel hoặc dùng các ứng dụng quản lý tiền trên điện thoại,... Miễn sao xóa bỏ được tình trạng "chẳng hiểu vì sao mình hết tiền" là được.

5 - Chờ thời điểm "tốt" để đầu tư

Bản thân là một chuyên viên tư vấn tài chính, Nam Anh cho rằng việc chờ thời điểm "tốt" để đầu tư là suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Việc thị trường đầu tư có lúc lên, lúc xuống là việc hoàn toàn bình thường, dù đó là thị trường nào đi chăng nữa.

Nếu không bắt đầu đầu tư ngay bây giờ, bạn sẽ không có kinh nghiệm "vượt khó" và cũng không biết cách nhận định khi thị trường đi xuống, hoặc đi lên. Tất cả những gì bạn làm chỉ là đợi "thời điểm tốt" nhưng "thời điểm tốt" thực sự là như thế nào thì không ai biết và theo Nam Anh, cũng không nhà tư vấn tài chính nào dám khẳng định chắc nịch về một thời điểm được coi là tốt để đầu tư.

Thế nên, nếu chưa tự tin và chưa có nhiều kinh nghiệm, Nam Anh khuyên bạn nên đầu tư với số tiền nhỏ. Vừa đầu tư, vừa học hỏi mới là nước đi đúng, cứ không phải ngồi im và đợi "thời điểm tốt".

PV

Phụ nữ mới

Trở lên trên