MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 doanh nghiệp xăng dầu bị rút phép lớn cỡ nào, ảnh hưởng ra sao đến nguồn cung?

06-09-2022 - 14:32 PM | Doanh nghiệp

Cây xăng của Saigon Petro đối diện với nguy cơ đóng cửa vì bị rút giấy phép - Ảnh: Q.ĐỊNH

Cây xăng của Saigon Petro đối diện với nguy cơ đóng cửa vì bị rút giấy phép - Ảnh: Q.ĐỊNH

Mặc dù việc tước giấy phép là hình phạt bổ sung nhưng lại là đòn 'giáng' nặng với doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng tới cung cầu thị trường xăng dầu trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp bị rút giấy phép có thị phần và quy mô lớn ở miền Nam.

Bộ Công Thương chính thức công bố trên Cổng thông tin điện tử về việc xử phạt các doanh nghiệp xăng dầu vào tối muộn ngày 5-9, khẳng định việc xử lý vi phạm các doanh nghiệp là trên cơ sở biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31-8.

18 doanh nghiệp bị xử phạt, rút giấy phép 5 doanh nghiệp

Theo đó, chánh Thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu. Ngoài hình thức xử phạt tiền, quyết định của chánh Thanh tra còn áp dụng hình phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu đối với 5 thương nhân đầu mối.

Bao gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp (Petimex), Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro).

Bộ này cũng cho hay, hiện Thanh tra bộ đang tổng hợp xây dựng dự thảo kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu để trình lãnh đạo bộ, và dự kiến việc trình dự thảo ngay trong tháng 9-2022.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp cho biết hiện vẫn chưa nhận được quyết định và chưa rõ việc rút giấy phép là trong phạm vi nào, đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh từ xuất nhập khẩu đến phân phối lưu thông trên thị trường.

Trong đó, Saigon Petro là doanh nghiệp trực thuộc TP.HCM. Năm 2021, doanh nghiệp này sở hữu và đồng sở hữu 10 cửa hàng, một công ty cổ phần chiếm 40% vốn điều lệ, có 32 cửa hàng trực thuộc; có 73 thương nhân nhượng quyền bán lẻ và 47 thương nhân phân phối. Saigon Petro không có tổng đại lý và đại lý.

Đến nay, cơ bản hệ thống của Saigon Petro đều giữ ổn định, nhưng có thêm 45 thương nhân phân phối, tổng số cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống là trên 1.000 cửa hàng.

Hai ông lớn nhà nước, mạng lưới hàng nghìn cửa hàng

Bên cạnh TP.HCM là địa bàn chính, thị trường phân phối của Saigon Petro trải dài từ Ninh Thuận, Bình Thuận đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Doanh nghiệp có 2 kho chứa với quy mô 278.000m3, có sản lượng tiêu thụ toàn hệ thống từ đầu năm đến nay là 304.300m3 xăng dầu các loại.

Saigon Petro được xem là ông lớn xăng dầu phía Nam khi chiếm thị phần khoảng 7%, có quy mô tổng tài sản là 4.273 tỉ đồng, doanh thu có thời điểm lên tới trên 10.000 tỉ đồng và giảm còn trên 6.000 tỉ đồng vào năm 2021 do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Trong khi đó, ông lớn xăng dầu nhà nước khác là Petimex hiện đang chiếm tới 60% thị phần tại Đồng Tháp cũng sở hữu tới hàng nghìn cửa hàng. Theo đó, doanh nghiệp này trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp, có tổng tài sản lên tới 7.709 tỉ đồng.

Trong năm 2021, công ty sở hữu 30 cửa hàng trực thuộc và 5 đại lý, 4 tổng đại lý. Ngoài ra Petimex còn sở hữu 2 công ty con có tới 103 cửa hàng; quản lý 357 thương nhân nhượng quyền bán lẻ.

Đến nay, Petimex sở hữu 131 cửa hàng, gồm 28 cửa hàng của công ty mẹ và 103 cửa hàng của công ty thành viên. Vẫn duy trì 4 tổng đại lý, với số cửa hàng trực thuộc tổng đại lý là 21 cửa hàng và trực thuộc đại lý là 87 cửa hàng. Có 6 đại lý bán lẻ và 235 thương nhân nhượng quyền.

Ngoài ra, Petimex còn có một công ty cổ phần sở hữu 49% vốn với trên 600 cửa hàng và đại lý, có 30 thương nhân phân phối. Doanh nghiệp này phân phối chủ yếu ở Đồng Tháp, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và Bình Thuận, Đồng Nai.

Petimex còn có 1 công ty con vận tải xăng dầu với hàng chục sà lan, có 5 kho chứa, gồm 2 kho cảng quốc tế, có sản lượng bình quân tiêu thụ là 75.000 m3/tháng.

Ba doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ hơn, nhưng với địa bàn hoạt động rộng cũng có hệ thống lên tới hàng trăm cửa hàng. Đơn cử với Công ty Tín Nghĩa hoạt động chủ yếu ở địa bàn Đồng Nai, nhưng có mạng lưới ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng tới hàng trăm cửa hàng.

Công ty Xăng dầu Đông Phương có trụ sở chính tại Cần Thơ với mạng lưới tiêu thụ ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong khi Công ty Hùng Hậu có mạng lưới cây xăng, đại lý xăng dầu rộng khắp khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và TP.HCM.

Theo đánh giá, với hai doanh nghiệp nhà nước là Saigon Petro và Petimex đều chiếm thị phần lớn tại TP.HCM và các tỉnh miền Nam, thì mức độ ảnh hưởng của việc tước giấy phép, nếu bao gồm cả đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh trong nước, sẽ gây bất ổn lớn cho nguồn cung thị trường, đẩy tình trạng thiếu xăng dầu có thể nghiêm trọng hơn ở phía Nam.

Theo Ngọc An

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên