5 sai lầm phổ biến khi deal lương khiến nhiều freelancer mãi nghèo
Không giống các công việc khác, thu nhập của các freelancer thay đổi theo từng đầu việc và thường theo mức deal lương của chủ dự án. Tuy nhiên, nếu có chiến lược đúng, freelancer hoàn toàn có thể thương lượng được mức thù lao mong muốn.
- 08-12-20215 sai lầm khiến bạn không thể deal được lương cao dù giỏi đến đâu, sửa nhanh còn kịp!
- 24-11-2021Bí kíp ‘deal’ lương cao hơn 5000 USD so với mức ban đầu của anh chàng 26 tuổi: Hỏi đồng nghiệp tương lai xem lương của họ là bao nhiêu?
- 07-10-2021Cô gái nhận thêm 10.000 USD nhờ kịch bản deal lương xuất sắc, đây là chính xác những gì cô đã nói
- 17-08-2021Câu hỏi kinh điển "Em muốn lương bao nhiêu?" và tiết lộ của chàng trai deal được lương gấp đôi, đi làm 6 năm lên Giám đốc
- 14-04-2021Liệu có phải thất nghiệp càng lâu, deal lương phải càng thấp?
Freelancer (làm việc tự do) đang trở thành một lựa chọn nghề nghiệp hấp dẫn trong giới trẻ hiện nay. Không cần bó mình trong văn phòng 8 tiếng mỗi ngày, không cần tốn thời gian di chuyển xa gần, cũng không bị giám sát bởi bộ máy rườm rà, trở thành một freelancer đem đến cho nhiều người sự tự do và lối sống linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, định giá và deal lương (thỏa thuận lương) khi làm freelancer là một trong những việc quan trọng nhưng cũng là khó nhất đối với người làm việc tự do. Đôi khi do vấn đề kiêng nể, “giữ mối” nên freelancer cũng không muốn đặt vấn đề thù lao với khách hàng. Trên thực tế, mỗi đầu việc mà freelancer nhận làm đều khác nhau về tính chất, mức độ khó - dễ… nên mức thù lao cũng cần được chú trọng và tính toán kỹ.
Dưới đây là 5 sai lầm phổ biến nhất khi deal lương khiến các freelancer không đạt được mức thu nhập tương xứng với giá trị của bản thân.
Sai lầm 1: Sợ mang tiếng kén cá chọn canh
Đây là một lối suy nghĩ rất sai lầm mà nhiều freelancer hay mắc phải. Bạn không cần phải cảm thấy lo lắng khi từ chối một công việc không phù hợp, chỉ vì sợ mang tiếng "khó tính" hay "kén chọn".
Khi bạn chấp nhận làm những công việc đi ngược lại với mong muốn của bản thân, thì bạn đang tự ôm lấy sự mệt mỏi, áp lực tinh thần, cũng như bào mòn tính sáng tạo của bản thân. Do vậy đừng lo sợ khách hàng sẽ lặn mất, đừng bận tâm liệu họ có đủ sức chi trả cho bạn hay không.
Hơn ai hết, bạn là người biết rõ chính giá trị chính của mình nhất. Nếu khách hàng cũng hiểu được điều đó, họ sẵn sàng cộng tác với bạn. Còn không, chỉ đơn giản là "chúng ta không thuộc về nhau" mà thôi.
Hơn ai hết, bạn phải là người hiểu rõ giá trị của mình nhất. Ảnh minh họa
Sai lầm 2: Không biến cuộc thương thảo thành "cái chợ"
Khi bắt đầu thương thảo tiền nhuận bút với khách hàng, bạn nên chuẩn bị tâm lý về khả năng bị họ từ chối và sẵn sàng "quay xe" nếu khách hàng không đồng ý với mức giá đó.
Ví dụ: bạn đưa ra mức giá 300đ/từ, khách hàng trả giá 200đ/từ, tốt nhất bạn nên từ chối thẳng là không hợp tác. Vì nếu bạn chấp nhận mức giá khách hàng đưa ra, vô hình trung bạn làm giảm đi hình ảnh và sự chuyên nghiệp của mình trong mắt khách hàng. Họ sẽ nghĩ vì cần tiền, bạn chấp nhận bất cứ giá nào mà họ đưa ra, thậm chí họ sẽ có cảm giác "bị hớ" vì mức giá đưa ra vẫn còn hơi cao.
Đó chính xác là cảm giác khi chúng ta đi chợ, cho dù trả giá ở mức nào đi chăng nữa thì nếu người bán hàng vẫn chấp nhận, khi đó, chúng ta sẽ nghi ngờ về chất lượng sản phẩm cũng như nghĩ rằng mình mua hàng bị đắt.
Còn khi bạn vẫn nhất quyết giữ ở mức giá mình đưa ra ban đầu, họ sẽ cảm thấy tin tưởng hơn về chất lượng dịch vụ và tùy vào sự tự tin, khả năng thuyết phục của bạn mà có thể khách hàng sẽ chấp nhận với mức giá đó.
Sai lầm 3: Việc gì cũng nhận, không có tiền thì có thêm kinh nghiệm cũng tốt
Nhiều người cho rằng kinh nghiệm là một thứ đáng giá đến mức chấp nhận làm không công với lý do viển vông trên. Thế nhưng, kinh nghiệm không phải là thứ duy nhất bạn có. Để có thể trở thành một freelancer, ai cũng đã có một kĩ năng nhất định. Đó có thể là kĩ năng viết lách, dịch thuật, nhiếp ảnh... Kinh nghiệm chỉ giúp bạn làm việc hiệu quả hơn, chứ không thể thay thế kĩ năng được.
Do đó, nếu bạn đáp ứng các kĩ năng mà dự án đòi hỏi, tức là bạn hoàn toàn có khả năng hoàn thành công việc, cũng như xứng đáng được nhận mức lương tương ứng. Số tiền bạn nhận được là để trả cho kĩ năng mà bạn đã dùi mài luyện tập, cũng như công sức lao động bạn đã bỏ ra, chứ không thể được trả bằng "kinh nghiệm".
Sai lầm 4: Không xem xét lượng khách hàng đang có
Trước khi quyết định đưa ra mức nhuận bút, trước tiên bạn nên nhìn lại xem hiện tại mình đang có bao nhiêu khách hàng, sau đó đánh giá phần trăm khách hàng từ chối. Nếu họ từ chối, bạn còn những khách hàng khác đang chờ không? Bạn có thực sự cần khách hàng này không? Công việc có ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của bạn không?
Sau đó, đánh giá tiềm năng của công việc này sẽ mang đến cho bạn. Liệu nó có nhiều lợi ích cho sự nghiệp viết lách của bạn không (khách hàng uy tín, có thể làm đẹp portfolio)? Thời gian bạn và họ hợp tác dài nhất có thể là bao lâu? Nếu hợp tác với họ giúp bạn tăng độ nhận diện thương hiệu cá nhân, bạn có thể cân chỉnh lại mức giá cho hợp lý.
Giá trị bạn đặt ra cần dựa trên nhiều yếu tố. Ảnh minh họa
Sai lầm 5: Đừng cảm thấy có lỗi khi đưa ra mức nhuận cao
Khi đàm phán lương với khách hàng, hãy loại bỏ hết cảm xúc hoặc vốn từ liên quan đến từ "cảm thấy có lỗi". Bạn nên nhớ rằng, bạn là một cây viết chuyên nghiệp. Bạn phải học và rèn luyện mỗi ngày mới có được thành quả như ngày hôm nay nên cần được đền bù xứng đáng. Bạn làm việc tự do, tức là đang kinh doanh và sản phẩm là chất xám của bạn. Bạn còn có nhiều chi phí cần phải chi trả để duy trì công việc kinh doanh. Do đó, bạn không cần phải cảm thấy có lỗi khi đưa mức giá cao.
Bạn cũng không nên giải thích quá nhiều về mức giá đưa ra. Người ta thường có câu: "nói dài nói dai thành ra nói dại". Bạn nói càng nhiều, người ta càng dễ dàng bắt lỗi và sẽ hạ thấp sự chuyên nghiệp của bạn. Tốt nhất, hãy giữ cuộc đối thoại ở mức độ đơn giản nhất có thể và giữ vững lập trường ban đầu.
Kết luận
Tóm lại, đừng bao giờ nghĩ mình là người mới, mình "sao cũng được" để rồi không dám tự tin deal lương với khách hàng. Hãy hành động như thể bạn đã làm việc lâu năm và có nhiều kinh nghiệm nếu bạn cảm thấy mình thực sự xứng đáng với điều đó.
Thể thao văn hóa