5 tháng giá xăng tăng gần 5.000 đồng/lít: Áp lực lạm phát đè nặng
Giá xăng tiếp tục tăng gần 1.000 đồng/lít trong kỳ điều chỉnh mới nhất, ngày 2.5. Điều này đang đè nặng lên mục tiêu lạm phát dưới 4% đã đề ra.
- 26-04-2019Chủ tịch Quốc hội trả lời cử tri về giá xăng, giá điện
- 19-04-2019Cẩn trọng lạm phát tăng cao theo giá xăng dầu
- 19-04-2019Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại Petrolimex âm 240 tỷ đồng
Giá xăng tiếp tục tăng, cước vận tải sẽ lên
Chiều 2.5, liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu gồm xăng E5RON92 tăng 985 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 956 đồng/lít.
Sau khi điều chỉnh tăng, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường không cao hơn mức giá: Xăng E5RON92: không cao hơn 20.688 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 22.191 đồng/lít.
Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng gần 5.000 đồng/lít đối với xăng E5RON92 và RON95.
Việc xăng tăng giá mạnh từ đầu năm đã khiến cho các doanh nghiệp vận tải không khỏi lo lắng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc giá xăng tăng mạnh sẽ phần nào tác động đến các doanh nghiệp vận tải. Theo thông số chung, xăng dầu chiếm 35-40% chi phí vận tải.
Song ông Quyền khẳng định, giá cước vận tải cho đến thời điểm này vẫn được giữ nguyên. Việc điều chỉnh giá xăng tăng là điều không ai mong muốn nhưng giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Điều này buộc các doanh nghiệp vận tải phải có những phương án, kế hoạch để đối phó.
"Khi xây dựng phương án giá cước, các doanh nghiệp vận tải phải dự báo được giá cao nhất và thấp nhất để tính toán mức giá phù hợp trong chu kỳ 3-6 tháng hay 1 năm. Giá thực tế dao động lên xuống nhưng vẫn nằm trong phạm vi tối thiểu và tối đa. Khi giá cước vượt qua biên độ đó và ổn định trong thời gian dài thì các doanh nghiệp mới tính toán đến chuyện điều chỉnh", ông quyền cho biết.
Cũng theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM, dù hiện tại các doanh vận tải chưa tăng giá cước nhưng nếu giá xăng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới thì "đây là việc khó tránh khỏi".
Áp lực đè nặng mục tiêu lạm phát 4%
Chuyên gia kinh tế, TS Ngô Trí Long cho rằng, điện và xăng là 2 yếu tố quan trọng quyết định đến nhiều lĩnh vực của đời sống. Nên việc tăng giá 2 mặt hàng này, chắc chắn sẽ có tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nền kinh tế. Tác động như thế nào, tác động đến đâu thì chúng ta cần có tính toán cụ thể.
"Trong bối cảnh giá điện tăng 8,36%, xăng cũng liên tục tăng giá sẽ ảnh hưởng đến 2 chỉ số là CPI và GDP, trong khi GDP giảm thì CPI sẽ tăng", TS Long phân tích.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, so với tháng trước, CPI tháng 4.2019 tăng 0,31%, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm hàng tăng giá: Nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, tăng 4,29%; nhà ở, điện nước và vật liệu xây dựng tăng 0,6%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,15%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,1%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,08%; may mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,06%; giáo dục tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.
Phân tích về các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 4.2019, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh vào nguyên nhân chính của 2 đợt tăng giá xăng dầu trong tháng 4.2019.
Theo chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực, trong bối cảnh giá điện tăng cao 8,36% trong tháng 3 và giá xăng cũng liên tục tăng trong các kỳ điều chỉnh vừa qua, việc giữ mục tiêu lạm phát dưới 4% là một điều không dễ dàng.
"Điều này đòi hỏi sự phối hợp chính sách nhịp nhàng, đặc biệt chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và chính sách giá cả. Theo đó, các mặt hàng do nhà nước quản lý trong lộ trình tăng giá năm nay cần được điều hành hết sức khôn khéo để tránh dồn dập cùng lúc, tránh tạo tâm lý kỳ vọng lạm phát cũng như hiện tượng “té nước theo mưa”", TS Lực nói.
Lao động