MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 thói xấu “tiếp tay” cho bệnh tiểu đường nhưng càng trẻ tuổi càng dễ mắc

20-10-2023 - 10:16 AM | Sống

Một trong những lý do khiến bệnh tiểu đường trẻ hóa nhanh là những thói quen xấu trong cả ăn uống lẫn sinh hoạt hàng ngày.

Rất nhiều người trẻ tuổi vẫn có quan điểm sai lầm rằng bệnh tiểu đường thường chỉ gặp ở những người trung niên và cao tuổi. Thậm chí còn không nắm bắt được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này.

Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, trên thế giới cứ khoảng 10 người lớn thì có một người mắc bệnh tiểu đường. WHO cũng cảnh báo bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính gây mù lòa, suy thận, đau tim, đột quỵ và cắt cụt chi dưới… cùng các biến chứng gây tử vong khác. Từ năm 2000-2019, tỷ lệ tử vong do bệnh tiểu đường tăng 3% theo độ tuổi.

Bệnh tiểu đường có thể xuất hiện ngay ở cả trẻ sơ sinh nhưng có xu hướng tăng mạnh về số ca mắc ở thanh niên. Theo Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế, vào năm 2021, số ca mắc bệnh tiểu đường ngày càng trẻ hóa và tăng nhanh ở độ tuổi từ 20 đến 79. Một trong các yếu tố quan trọng gây ra tình trạng này là lối sống chưa lành mạnh. Đặc biệt là 5 thói quen xấu đang “tiếp tay” cho bệnh tiểu đường mà người càng trẻ tuổi càng thích làm sau đây:

1. Ăn uống không lành mạnh

Chế độ ăn uống tác động rất lớn tới nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Trong khi đó, người trẻ tuổi thường thích ăn uống theo sở thích hoặc theo “trào lưu” mà ít quan tâm tới cân bằng dinh dưỡng hay chăm sóc sức khỏe.

5 thói xấu “tiếp tay” cho bệnh tiểu đường nhưng càng trẻ tuổi càng dễ mắc - Ảnh 1.

Không chỉ đồ ngọt, ăn quá nhiều muối, chất béo… cũng làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường (Ảnh minh họa)

Nhắc tới thói xấu khi ăn uống gây bệnh tiểu đường thì không thể nào bỏ qua tiêu thụ quá nhiều đường. Bao gồm các món đồ ngọt như bánh ngọt, kem, nước ngọt… Nhiều người còn cho đây là kiểu ăn uống giúp giải tỏa tâm trạng mà không hay nó khiến mình tăng cân, tiểu đường.

Tương tự, tiêu thụ quá nhiều chất béo hay tinh bột cũng dễ “tiếp tay” cho tiểu đường. Ăn thừa muối làm tăng huyết áp, hơn nữa còn làm tăng hàm lượng glucose trong máu nên nếu kéo dài cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường tinh chế và chất béo không lành mạnh cũng cần hạn chế nếu muốn phòng tiểu đường.

2. Bỏ bữa sáng

Đương nhiên, muốn khỏe mạnh thì việc ăn đủ 3 bữa 1 ngày, ăn đúng giờ là vô cùng quan trọng. Bỏ bữa ăn nào trong ngày cũng không tốt cho cơ thể nhưng bữa sáng được xem là bữa ăn quan trọng nhất trong phòng chống tiểu đường. Nhưng thực tế, người càng trẻ tuổi thì lại càng dễ bỏ bữa sáng hoặc ăn sáng quá loa. Có thể là do quá bận rộn, thói quen ngủ nướng, giảm cân tiêu cực hoặc đơn giản là không biết tầm quan trọng của bữa sáng.

Các nghiên cứu cho thấy bỏ bữa sáng thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2. Bởi nhịn bữa sáng và chờ cho đến khi ăn trưa tạo ra một phản ứng dây chuyền gây ảnh hưởng đến lượng insulin và sự kiểm soát lượng đường trong máu.

Do đó, hãy sắp xếp thời gian để ăn một bữa sáng đơn giản và cân bằng, như vậy sẽ giúp giảm cân và kiểm soát lượng đường trong máu. Trứng, trái cây tươi, sữa chua, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt là lựa chọn lý tưởng cho bữa sáng tốt cho sức khỏe, đẩy lùi tiểu đường.

3. Hay thức khuya, thiếu ngủ

Thức khuya có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều vấn đề sức khỏe mạn tính như béo phì, tiểu đường, các vấn đề về khả năng sinh sản, rối loạn tiêu hóa và bệnh tâm thần. Nhưng đây có thể nói là một trong những thói quen khó bỏ của người trẻ tuổi.

5 thói xấu “tiếp tay” cho bệnh tiểu đường nhưng càng trẻ tuổi càng dễ mắc - Ảnh 2.

Dù vì lý do gì thì thức khuya cũng là thói quen “tàn phá” sức khỏe rất nhanh (Ảnh minh họa)

Tạp chí của Hiệp hội Bác sĩ Hoa Kỳ (American College of Physicians, viết tắt là ACP) vừa công bố thói quen thức khuya làm tăng 19% nguy cơ bị tiểu đường. Nghiên cứu này được thực hiện trên 63.676 điều dưỡng trong độ tuổi 45 – 62 tuổi không có tiền sử ung thư, bệnh tim mạch và tiểu đường trước đó. Bởi thức khuya có thể khiến khả năng đề kháng insulin của cơ thể sẽ bị tổn hại, sử dụng glucose bị giảm sút, cơ thể sử dụng đường trong máu không hiệu quả, chất béo tích tụ nhiều hơn gây ra bệnh tiểu đường type 2.

Tương tự, ngủ không đủ giấc mỗi đêm có thể làm giảm lượng đường trong máu. Bởi trong khi bạn ngủ, cơ thể sẽ sửa chữa các mô bị tổn thương, hình thành ký ức và thực hiện các chức năng trao đổi chất. Khi thiếu ngủ, cơ thể không thể chuyển hóa glucose hiệu quả và độ nhạy insulin giảm.

4. Tâm trạng tiêu cực, căng thẳng kéo dài

Với sự phát triển của xã hội, nhịp sống của chúng ta ngày càng nhanh, áp lực cuộc sống, công việc, học tập của những người trẻ tuổi cũng ngày càng tăng. Khi đối mặt với áp lực từ mọi mặt, chúng ta chắc chắn sẽ đẩy mình vào trạng thái chán nản, cáu kỉnh trong cảm xúc. Nếu tâm trạng không tốt kéo dài, não sẽ kích thích cơ thể tiết ra một số hormone gây cản trở quá trình chuyển hóa insulin, dễ gây ra bệnh tiểu đường.

Đặc biệt là nếu căng thẳng kéo dài thì nguy cơ tiểu đường sẽ tăng lên đáng kể. Bởi căng thẳng đẩy cortisol (hormone gây căng thẳng do tuyến thượng thận tạo ra) lên cao, có thể cản trở các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, khiến chúng tạo ra ít insulin hơn. Khi insulin ít, cơ thể xử lý glucose (đường) kém hiệu quả, dẫn đến có quá nhiều đường trong máu. Đồng thời, nó có thể phá vỡ thói quen hàng ngày và nhịp sinh học bình thường của cơ thể, gây béo phì, kháng insulin và cuối cùng là bệnh tiểu đường.

Bên cạnh đó, căng thẳng hoặc các cảm xúc tiêu cực khác còn dễ gây ra rối loạn ăn uống, tăng cân và béo phì - những yếu tố nguy cơ cao của tiểu đường.

5. Lười vận động, ngồi lâu một chỗ

Lười tập thể dục và thường xuyên ngồi lâu hơn 30 phút là những yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tiểu đường, nhất là tiểu đường type 2.

Ngồi lâu và lười vận động còn dẫn đến béo phì, do trong cơ thể có quá nhiều tế bào mỡ, không nhạy cảm với insulin nên tuyến tụy cần sản xuất nhiều insulin hơn để chuyển hóa đường, làm tăng áp lực công việc lên tuyến tụy. Nếu tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin kịp thời sẽ gây rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể con người , dẫn đến bệnh tiểu đường.

5 thói xấu “tiếp tay” cho bệnh tiểu đường nhưng càng trẻ tuổi càng dễ mắc - Ảnh 3.

Dù chỉ là những bài tập thở, giãn cơ đơn giản tại nhà cũng có thể giúp giảm nguy cơ tiểu đường (Ảnh minh họa)

Lối sống ít vận động không chỉ làm tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) và vòng eo hơn mức bình thường mà còn làm giảm độ nhạy của hormone insulin. Do đó, các tế bào ít có khả năng tiếp nhận glucose hơn và lượng đường dư thừa lưu thông trong máu có thể làm hỏng các mạch máu và các cơ quan.

Điều này gây ra những thay đổi về độ nhạy insulin, tăng tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính. Thay đổi tiêu cực chức năng trao đổi chất cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Trong khi tim mạch cũng là bệnh lý nền làm tăng nguy cơ hình thành - tiến triển của bệnh tiểu đường.

Nguồn: Sohu, webMD, Aboluowang

Theo Ngọc Ái

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên