5 triệu lao động Việt Nam bị mất việc do dịch COVID-19
Trong 4 tháng đầu năm 2020, có gần 5 triệu lao động tại Việt Nam bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập; trên 80% lao động trong khu vực phi chính thức, đa số là những nhóm yếu thế, không có việc làm do các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh…
Chiều 10/6, tại Hội nghị trực tuyến của các Bộ trưởng ASEAN phụ trách Phúc lợi xã hội và Phát triển nhằm giảm thiểu tác động của COVID-19 đến các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đại dịch COVID-19 đã lan rộng trên toàn cầu từ đầu năm 2020 với những thách thức chưa từng có tiền lệ về kinh tế, xã hội, y tế với tất cả các quốc gia.
Tại Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã nhận thức sớm về dịch bệnh và có sự chỉ đạo quyết liệt. Bên cạnh đó, quá trình chống dịch còn nhận được sự đồng lòng của nhân dân. Đại dịch Covid-19 đã sớm được đẩy lùi và kiểm soát tốt.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, tính đến ngày 9/6, Việt Nam đã trải qua 54 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng. Cả nước có 332 ca mắc Covid-19 trong đó số ca đang được điều trị chỉ còn 16, không có trường hợp tử vong nào.
“Trong 4 tháng đầu năm 2020, có gần 5 triệu lao động tại Việt Nam bị mất việc, giãn việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập; trên 80% lao động trong khu vực phi chính thức, đa số là những nhóm yếu thế, không có việc làm do các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh khoảng 1 tháng để thực hiện các quy định về giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19...”, ông Đào Ngọc Dung nói.
Sau thời gian giãn cách xã hội, từ ngày 1/4-23/4, Việt Nam đã mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội với trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, dịch bệnh đã để lại không ít những tác động bất lợi lên các nhóm dễ bị tổn thương, lao động trong khu vực phi chính thức trong đó có rất nhiều người nghèo, người khuyết tật, ảnh hưởng tới việc làm của người lao động và an sinh xã hội của gia đình họ.
Đại dịch COVID-19 tác động đến tất cả người dân trong xã hội, trong đó người lao động, người nghèo, người yếu thế là những nhóm bị tổn thương nhiều nhất.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để kịp thời hỗ trợ, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra một gói hỗ trợ an sinh xã hội chưa từng có trong tiền lệ với tổng kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ Đô la Mỹ), hỗ trợ khoảng 20 triệu người thuộc 7 nhóm đối tượng.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã áp dụng nhiều giải pháp tăng cường các dịch vụ xã hội để ứng phó với dịch bệnh như giáo dục trực tuyến được thúc đẩy; cải cách thủ tục khám chữa bệnh để rút ngắn thời gian chờ đợi và tiếp xúc, tránh nguy cơ lây nhiễm tại các cơ sở khám chữa bệnh.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các nước ASEAN tiếp tục nỗ lực thực hiện Tuyên bố Tăng cường ASXH trong ASEAN và Kế hoạch hành động thực hiện Tuyên bố này; tăng cường hợp tác liên ngành ở cấp quốc gia và khu vực, đặc biệt là giữa các lĩnh vực phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, và tài chính, tăng cường các thảo luận chính sách về an sinh xã hội, ứng phó sẵn sàng với những khủng hoảng, thảm hoạ và dịch bệnh để đảm bảo những người dễ bị tổn thương và bị thiệt thòi không ai bị bỏ lại phía sau.
Tiền phong