MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn

19-08-2019 - 07:59 AM | Thị trường

Cảnh đẹp, tha hồ check-in sống ảo, thử thách lòng can đảm với cầu kính,... cùng giá tour hợp lý và cách làm du lịch chuyên nghiệp, Phượng Hoàng cổ trấn - Trương Gia Giới thu hút hàng nghìn khách du lịch Việt Nam mỗi tuần.

Kéo khách nhờ biết làm du lịch

Phượng Hoàng Cổ trấn là một thành cổ nhỏ bé 1.300 năm tuổi thuộc tỉnh Hồ Nam - Trung Quốc, nằm trải dài hơn 2km dọc theo dòng Đà giang. Gọi là nhỏ bé, nhưng thực tế diện tích và quy mô của nó lớn gấp nhiều lần phố cổ Hội An - Quảng Nam. Nơi đây được ví như một bảo tàng sống về văn hóa các dân tộc, với thành quách, những dãy phố, nhà cổ, gia trang, văn miếu, đền chùa mang đậm dấu ấn của người Trung Quốc.

Điểm đặc biệt, Phượng Hoàng cổ trấn có những cây cầu nối hai bờ sông như Hồng Kiều, cầu gỗ, cầu đá nhảy,... rất nổi tiếng, là điểm check-in sống ảo của phần lớn du khách, trong đó tất nhiên có khách Việt Nam.

50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 1.

Phượng Hoàng cổ trấn nhìn từ cầu Hoa Nam đẹp như một bức tranh thủy mặc

Nếu ban ngày, Phượng Hoàng cổ trấn trầm mặc, e lệ, hiền hòa với những nếp nhà rêu phong cổ kính nép bên sông, thì ban đêm, nơi đây như lột xác với ánh đèn lung linh, sầm uất. Những quán bar, cà phê, cửa hàng, quán ăn,... có ca sĩ biểu diễn nhạc sống, với đủ âm thanh náo nhiệt vang vọng hai bờ. “Cứ như cả dãy cổ trấn thức suốt đêm để đón tiếp, phục vụ khách du lịch chủ yếu là giới trẻ ấy”, chị Hà - một du khách đến từ Hà Nội, nhận xét.

50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 2.

Những ngôi nhà rêu phong với mái ngói cổ âm dương đặc trưng làm nên một Phượng Hoàng trấn cổ kính


50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 3.

Đêm xuống, thị trấn cổ rũ bỏ vẻ trầm mặc suy tư trở nên lung linh sắc màu


50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 4.
Các quán bar với âm thanh sôi động là một phần không thể thiếu vào ban đêm ở Phượng Hoàng cổ trấn, thu hút rất đông khách du lịch trẻ

Ngoài điểm nhấn Phượng Hoàng cổ trấn, trước khi đến đây, du khách được ghé qua Phù Dung trấn, cũng là một thị trấn cổ tọa lạc trên thượng nguồn một dòng thác lớn; hay sau đó ngồi thuyền ngắm hồ Bảo Phong trong xanh, lắng nghe điệu ca du dương bày tỏ lòng hiếu khách của các chàng trai cô gái dân tộc Dao Trì,...

50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 5.

Phù Dung trấn với những dãy nhà cổ ẩn hiện bên thác nước và cây cối xanh tươi


Ai yêu nghệ thuật, muốn tìm hiểu sâu về lịch sử địa phương thì không nên bỏ qua vở nhạc kịch nổi tiếng Thiên Môn Hồ Tiên của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Ai ham khám phá hãy trải nghiệm 99 khúc cua tay áo hiểm trở dài 11km rồi thử sức leo 999 bậc lên cổng trời Thiên Môn Sơn, nếu không đủ sức thì hệ thống 12 thang cuốn trong lòng đất sẽ giúp khách lên tận đỉnh.

50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 6.

Đường lên Thiên Môn Sơn với 99 khúc cua hiểm trở


Ai muốn thử thách lòng can đảm, có thể tản bộ trên cầu kính rộng 6m, dài 430m, bắc qua 2 vách đá ở độ cao 300m nhìn toàn cảnh bên dưới; nếu sợ quá thì đi một đoạn ngắn hơn là vách kính nằm cheo leo bên núi cao nghìn mét,...

Các địa danh nổi tiếng trên đều nằm ở 2 quận Vĩnh Định và Vũ Lăng Nguyên thuộc thành phố Trương Gia Giới (Hồ Nam, Trung Quốc). Với vẻ đẹp thiên nhiên, bề sâu văn hóa lịch sử vốn có, các điểm đến này còn rất biết làm du lịch thu hút khách.

50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 7.

Để lên tới cổng trời, khách có thể thử sức bằng cách leo bộ 999 bậc


Anh Phạm Kim Thương, hướng dẫn viên công ty du lịch Vietravel, cho hay, thủ tục nhập cảnh tại đây rất thuận tiện, nhanh chóng. Tại các điểm đến, mặc dù khách rất đông lên tới cả ngàn người nhưng hiếm cảnh chen lấn nhờ cách sắp xếp thời gian, bố trí đường zíc zắc, phương tiện chuyên trở khách... một cách chuyên nghiệp. Nơi tham quan xanh sạch ít khi thấy có rác. Ấn tượng nhất là không có cảnh chèo kéo du khách hay hiện tượng ăn xin. Điểm trừ duy nhất có lẽ là khách nội địa quá đông nên hơi ồn ào.

50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 8.

Vách kính nằm cheo leo ở độ cao nghìn mét, từ đây có thể ngắm toàn cảnh Thiên Môn Sơn

 

Mỗi tuần đón hàng nghìn khách Việt

Theo lời Đường Tổ Dịch, một hướng dẫn viên địa phương, khách từ Việt Nam đi Phượng Hoàng cổ trấn nếu theo đường bộ mất rất nhiều thời gian. Cụ thể, từ Hà Nội khách sẽ mất 4 tiếng đi ô tô lên Lạng Sơn; qua cửa khẩu Hữu Nghị ngồi tàu hỏa 14 tiếng nữa mới đến tỉnh Nam Ninh, từ đó thêm 4 tiếng đi xe về Trương Gia Giới, tổng cộng là 22 tiếng di chuyển nên rất mệt mỏi.

Du khách có thể đi máy bay từ Hà Nội tới Trường Sa (Hồ Nam), nhưng cũng mất 6 tiếng đi ô tô về Trương Gia Giới.

Gần đây, do nhu cầu khách Việt Nam đi Phượng Hoàng cổ trấn và Trương Gia Giới tăng cao, đã có chuyến bay charter (thuê cả chuyến) từ Nội Bài tới sân bay quốc tế Hồ Hoa Trương Gia Giới. Tuần 3 chuyến vào thứ Hai, Tư, Sáu, chiếc A321 gần như kín khách. Nghỉ đêm ở Trương Gia Giới, từ đây về Phượng Hoàng cổ trấn rút ngắn còn 250km, nhờ hệ thống giao thông thuận tiện và hiện đại nên chỉ 3 tiếng rưỡi là đến nơi.

50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 9.

Du khách Việt tranh thủ từng phút để tạo dáng chụp ảnh tại cầu đá nhảy lúc nào cũng chen chúc người qua lại


Nhờ chuyến bay charter từ Hà Nội và một chuyến khác từ Hàn Quốc, sân bay vốn chỉ phục vụ khách nội địa này đã được nâng cấp thành sân bay quốc tế. Trung bình, mỗi tuần Trương Gia Giới đón trên 600 khách đi máy bay, chưa kể khách du lịch đường bộ hoặc khách bay từ Đà Nẵng tới Trường Sa.

Với mức giá tour khá hợp lý, từ 10-12 triệu đồng/khách nếu đi máy bay (tour 6 ngày 5 đêm), hoặc đi đường bộ chỉ 6-7 triệu đồng, nên rất đông khách Việt Nam đến Phượng Hoàng cổ trấn.

Mùa du lịch cao điểm, có khoảng 50.000 du khách Việt Nam ghé thăm địa điểm này. Cùng với khách du lịch địa phương, các điểm tham quan nổi tiếng tại đây luôn trong tình trạng đông đúc quá tải.

50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 10.

Khách du lịch ở Phượng Hoàng cổ trấn đông nghịt vào buổi tối


Anh Phạm Kim Thương cho biết, cùng với nông nghiệp, du lịch là ngành kinh tế chủ đạo ở Trương Gia Giới nên địa phương này có chính sách để thúc đẩy phát triển.

Chẳng hạn, họ quy định khách Việt Nam khi nhập cảnh không được mang theo bất cứ loại thực phẩm nào (hoa quả, thịt cá,... ), trong khi đó nếu từ Trương Gia Giới về Hà Nội du khách được mang thoải mái nên khi về ai cũng thùng to thùng nhỏ các loại hoa quả, từ đào, mận, kiwi đỏ, lê,... đến các loại thực phẩm khác. Việc đó không chỉ giúp kích cầu thị trường nông sản địa phương mà còn thu được nguồn ngoại tệ lớn từ khách du lịch.

50 ngàn khách Việt, nhẵn túi khi đến Phượng Hoàng cổ trấn - Ảnh 11.

Các cửa hàng bánh kẹo, hoa quả, lưu niệm rất biết cách bán hàng để khách du lịch tiêu đến đồng tiền cuối cùng


Ngoài ra, với kỹ xảo nghệ thuật bán hàng, các điểm mua sắm trong tour cũng khiến du khách Việt móc ví rất nhiều.

Chị S., một du khách Quảng Ninh, kể rằng trong đoàn chị có người bỏ 3 triệu mua thìa bạc, 20 triệu mua cả bát bạc về cho cháu ăn để chống… độc; còn hầu hết ai cùng mua nào đá quý, thuốc bôi, thuốc uống, tơ lụa,... từ vài triệu đến trên chục triệu là chuyện thường.

Chưa kể, nếu Phượng Hoàng Cổ trấn thức thâu đêm phục vụ du khách giải trí tiêu tiền thì tại Trương Gia Giới phố đi bộ Khê Bối và các siêu thị, cửa hàng cũng có đủ chiêu trò nên phần lớn khách du lịch khi về nước đều nhẵn túi.

Theo Ngọc Hà

Vietnamnet

Trở lên trên