MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

53 tỷ đồng cho 24km cắt tỉa cây xanh: Buốt ruột với ngân sách cho những lãng phí vô lý

Việc sử dụng có trách nhiệm tiền thuế của người dân chỉ thực sự có hiệu quả khi các bộ, ngành và địa phương cùng mạnh tay ngăn chặn sự lãng phí, kém hiệu quả như câu chuyện dừng cắt tỉa cây để tiết kiệm 700 tỷ đồng của Hà Nội.

Không dễ đối với một lãnh đạo khi thẳng thắn chỉ ra những vô lý, bất cập tồn tại ngay trong chính nội bộ thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Song tại buổi tiếp xúc cử tri cách đây 2 ngày, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã thẳng thắn khi đưa ra thông tin Hà Nội chi ngân sách lên tới 700 tỷ đồng mỗi năm cho việc cắt tỉa và trồng các loại cây hoa cảnh.

Dẫn chứng thêm về sự vô lý này, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: chỉ riêng việc cắt cỏ và tỉa cây trúc đào, hoa dâm bụt trên đại lộ Thăng Long với chiều dài 24km, mà mỗi năm hết tới 53 tỷ đồng, là “không thể chấp nhận được”. Vì vậy, vị chủ tịch này đã yêu cầu dừng và chỉ để duy trì tại một số vườn hoa xung quanh khu vực trung tâm và các điểm quan trọng.

Khoản chi vô lý phải dừng ngay

Quyết định dừng ngay hoạt động cắt tỉa cây làm tiêu tốn ngân sách là hợp lý và hợp lòng dân. Còn nhớ, tại buổi nhậm chức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong bài phát biểu của mình thì một trong những nội dung được Thủ tướng luôn nhấn mạnh, đó là: “Phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của người dân”.

700 tỷ đồng mà Hà Nội chi ra để phục vụ cho hoạt động trồng và cắt tỉa cây xanh, hoa, cỏ đều được lấy từ nguồn ngân sách của thành phố do đây là lĩnh vực hoạt động công ích. Tuy nhiên, không phải chỉ đến khi vị Chủ tịch Thành phố thẳng thắn thông tin chi tới 700 tỷ đồng mỗi năm để phục vụ cho hoạt động này, thì trước đó cũng đã có không ít những khoản chi vô lý.

Hồi đầu năm, Hà Nội từng khiến dư luận băn khoăn về việc cử một số cán bộ quản lý đi học kỹ thuật tỉa cây, trồng cây xanh tại các nước như Singapore và Trung Quốc. Chi phí cho hoạt động tập huấn ngắn hạn của các cán bộ ngành này cũng được lấy từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, không ít chuyên gia đã lên tiếng phản đối khi cho rằng không hợp lý và phải cân nhắc kỹ lưỡng bởi việc này sẽ ảnh hưởng đến ngân sách Nhà nước.

Và câu chuyện chi ngân sách vô lý, kém hiệu quả không chỉ diễn ra ở Hà Nội, mà có rất nhiều tỉnh thành, địa phương khác. Điều đáng nói, việc sử dụng chi tiêu ngân sách lãng phí không chỉ ở những lĩnh vực công ích, mà ở mọi hoạt động chi thường xuyên, chi đầu tư các công trình, thì sự lãng phí còn tới hàng chục nghìn tỷ đồng.

Chỉ một tuần trước, chuyện Đà Nẵng dự định rời trụ sở mới được đưa vào sử dụng trong ba năm, có vốn đầu tư lên tới hơn 2.000 tỷ đồng để xây dựng trung tâm hành chính mới đã đặt ra nhiều băn khoăn. Việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội là cần thiết, nhưng sử dụng ngân sách, những đồng tiền thuế của người dân không đúng cách, hay thậm chí là lãng phí và kém hiệu quả, thì đáng phải suy ngẫm.

Hay cũng mới đây thôi, Hà Nội lùm xùm với dự án xe buýt nhanh thí điểm đầu tiên, có vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Được đưa vào khởi công, xây dựng từ cách đây ba năm nhưng cho đến nay dự án này vẫn chưa hoàn thành và hiện nhiều nhà chờ đang bỏ hoang, xuống cấp, gây lãng phí trong sử dụng ngân sách. Rồi không ít tỉnh thành đề nghị xây dựng trung tâm hành chính, nhà văn hóa, tượng đài… trong khi ngân sách thì hạn hẹp.

“Sờ” tới những công trình, dự án kém hiệu quả để truy trách nhiệm

Báo cáo của Chính phủ mới đây đưa ra cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn xảy ra việc chấp hành pháp luật, kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Đó là tình trạng vi phạm quy định và sử dụng kinh phí ngân sách sai mục đích, không đúng tiêu chuẩn, định mức…; sử dụng tài sản công, điển hình là sử dụng xe công lãng phí; hay việc chấp hành kỷ luật đầu tư công còn chưa nghiêm khi phát hiện tới hơn 32.000 khoản chi chưa đúng và chưa đủ điều kiện.

Từ những công trình nghìn tỷ được xây dựng không phù hợp, sử dụng tiền ngân sách một cách lãng phí, vô lý, cho đến những dự án đầu tư lên tới hàng trăm triệu USD “đắp chiếu”, đã khiến cho chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây, đã phải thẳng thắn nói rằng với những công trình, dự án nghìn tỷ đắp chiếu, kém hiệu quả, nếu không ai chịu trách nhiệm thì Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng sẽ “sờ” tới. Quốc hội cũng sẽ giám sát cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra lãng phí.

Trong bối cảnh thu chi ngân sách căng thẳng, bội chi và nợ công vẫn rất nan giải, tinh thần mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu, là sử dụng có trách nhiệm với từng đồng thuế của dân rất cần được thực hiện. Những việc cần làm ngay như yêu cầu dừng cắt tỉa cây xanh của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung là cần thiết, song lời nói và hành động đó phải thấm nhuần và được bộ, ngành và địa phương, ở từng cán bộ công chức, những người trực tiếp sử dụng tiền thuế của dân thực hiện, thì mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên