6 bài học trên thị trường chứng khoán nhìn từ kinh nghiệm của một Fn
Tôi không có khái niệm “mất hàng” như nhiều người hay tiếc nuối. Với tôi, điều cuối cùng là mình kiếm được bao nhiêu tiền và hàng hóa hay cổ phiếu, vàng bạc v.v.. cũng chỉ là phương tiện kiếm tiền mà thôi
Phiên giao dịch hôm nay, VnIndex đã có lúc mất 75 điểm-giảm sâu nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt. Trong phiên giảm điểm hôm nay, chúng tôi nhận thấy dấu ấn lớn nhất đó là sự hoảng loạn của nhà đầu tư-đặc biệt là những nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, chưa từng trải qua những "đòn đau" của chứng trường.
Để giúp nhà đầu tư hiểu được hơn về thị trường chứng khoán, chúng tôi xin đăng tải lại một bài viết được ông Nguyễn Trung Du chia sẻ cách đây 6 năm trong cuộc thi viết TÔI ĐẦU TƯ do chúng tôi tổ chức. Ông Du là một người có tên tuổi trên thị trường chứng khoán và 6 bài học được ông chia sẻ có thể sẽ là kinh nghiệm giúp nhà đầu tư vững vàng hơn.
6 bài học trên thị trường chứng khoán nhìn từ kinh nghiệm của ông Nguyễn Trung Du:
1. Thành công nhỏ tôi có được tới ngày hôm nay phần nào nhờ chịu khó tự mình trau dồi kiến thức. Nhưng những thứ tôi có được như tiền bạc, nhà, xe, chức vụ không quý bằng kiến thức và kinh nghiệm tôi đang có
2. Thị trường vận hành theo quy luật giá trị. Khi nào vượt quá giá trị nó sẽ xuống và khi nào dưới giá trị nó sẽ lại bật lên (giống như quả bóng và mặt nước)
3. Quy luật cung cầu là rất quan trọng nhưng nó chỉ là quy luật ngắn hạn, tạo ra các biến động ngắn hạn và nên dùng PTKT để ứng xử với nó
4. Chỉ các cổ phiếu cơ bản mới sản sinh ra dòng tiền dương cho thị trường và xứng đáng để lên giá về dài hạn. Nhóm này cũng sẽ giúp Index về dài hạn là mãi mãi tăng. Trong khi đó nhóm cổ phiếu nhỏ và đầu cơ bản chất không sản sinh ra dòng tiền cho thị trường mà chỉ làm hao mòn dòng tiền bởi chi phí giao dịch, tăng vốn, kinh doanh thua lỗ, hủy niêm yết v.v…
5. Mỗi khi mọi người bi quan ở vùng giảm giá sâu, tôi thường làm ngược lại đám đông là suy nghĩ lạc quan và đi tìm các lý do để làm căn cứ cho sự lạc quan đó với tâm thế sẵn sang để Mua bởi lúc ấy phần lớn người bi quan là người thua lỗ. Họ không nhận ra ở phía ngược lại luôn có những người chiến thắng đã bán trước đó và đang sẵn sang mua khi hoảng loạn thoái trào bởi họ biết mọi thứ đang xuống sâu quá giá trị thực của nó. Ngược lại, mỗi khi đám đông hưng phấn tôi lại đi tìm những lý do xấu sâu xa nào đó để kìm mình lại và sẵn sàng vị thế Bán với suy nghĩ đơn giản “Sau đợt sóng tăng mạnh nào cũng là một đợt sóng giảm mà thôi” và khi nào mọi thứ vượt quá giá trị tôi sẽ bán dần cho tới khi nó gãy sóng.
6. Đừng cố kiếm tiền từ những gì mình không biết. Phần đó xứng đáng thuộc về người khác giỏi hơn mình hoặc nhiều thông tin hơn mình v.v... Do đó, với tôi không có khái niệm “mất hàng” như nhiều người hay tiếc nuối. Với tôi điều cuối cùng là mình kiếm được bao nhiêu tiền và hàng hóa hay cổ phiếu, vàng bạc v.v.. cũng chỉ là phương tiện kiếm tiền mà thôi
Trong giới hạn bài viết này tôi không có đủ thời gian để trình bày sâu và chi tiết hơn nhiều quan điểm và phương pháp của mình nhưng tôi tin rằng mỗi nhà đầu tư hay mỗi người làm ngành chứng khoán nếu hiểu và biết tôn vinh quy luật giá trị sẽ luôn nhận được những thành quả xứng đáng. Nên kết hợp phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phương pháp quản lý danh mục trong đầu tư. Trong phương pháp đầu tư cũng như trong công việc, cuộc sống tôi luôn tâm niệm với câu nói “Tôi đi chậm nhưng không bao giờ giật lùi” của Abraham Lincoln và tôi nhận thấy mỗi tháng sau, năm sau tôi đều tốt hơn năm trước về mọi mặt. Tôi yêu thích Slogan của Habubank “Giá trị tích lũy niềm tin” và với tôi thì “Giá trị tích lũy niềm tin, Niềm tin sẽ gia tăng giá trị”.