6 bộ ngành, địa phương giải ngân vốn đầu tư công dưới 10%
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 6/29 bộ, ngành, địa phương thuộc tổ công tác số 2 của Chính phủ có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt chưa đến 10%.
- 21-09-2023Diễn biến mới tại 3 khu công nghiệp hơn 1.500 ha tại Thanh Hóa
- 21-09-2023Tàu du lịch cao cấp chở 4.000 khách quốc tế tới Nha Trang
- 21-09-2023Thái Lan đề nghị Việt Nam mở thêm đường bay thẳng
Chiều 21/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp của tổ công tác số 2 của Chính phủ làm việc với 29 bộ, ngành, địa phương về tình hình giải ngân vốn đầu tư công.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao cho 29 bộ, ngành, địa phương thuộc tổ công tác số 2 là trên 241.088 tỷ đồng. Số vốn đã phân bổ chi tiết là 234.394 tỷ đồng, đạt 97,22%.
Theo số liệu giải ngân của Bộ Tài chính, tổng số vốn đã giải ngân của 29 cơ quan là hơn 104.915 tỷ đồng đạt 43,52% (cao hơn mức bình quân cả nước là 39,41%). Trong đó, 10 cơ quan giải ngân trên mức bình quân của cả nước; 13 cơ quan giải ngân thấp (10-39,41%); 6 cơ quan giải ngân rất thấp (dưới 10%).
Tại cuộc họp, một số vướng mắc đã được các bộ, ngành, địa phương nêu ra như công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư tại một số địa phương còn chậm, phát sinh nhiều vấn đề vượt thẩm quyền. Việc triển khai các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chậm giao kế hoạch vốn, thời gian giải ngân kế hoạch vốn ngắn.
Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án còn chậm, chất lượng chưa cao. Vẫn còn tình trạng dự án được dự kiến bố trí vốn nhưng đến nay chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư nên chưa thể phân bổ hết kế hoạch vốn được giao và có khối lượng để giải ngân.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị các cơ quan phân loại những dự án có thể tăng tốc với các giải pháp quyết liệt từ nay đến cuối năm, còn những dự án chuẩn bị chưa đầy đủ, chưa sát yêu cầu thực tiễn, thiếu khả thi thì làm rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị đề xuất, đăng ký vốn.
Về hướng tháo gỡ khó khăn đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ODA, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương làm việc với đối tác quốc tế để thống nhất cơ chế đền bù, đơn giản hoá thủ tục điều chỉnh dự án, đề xuất kéo dài dự án gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan…
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, xem xét gia hạn thời gian thực hiện, điều hoà các nguồn vốn đầu tư công trung hạn hoặc Chương trình phục hồi dành cho các dự án có tiến độ thực hiện tốt.
"Các bộ, ngành, địa phương phải phát huy tinh thần trách nhiệm với đất nước, nhân dân trong giải ngân vốn đầu tư công. Cùng cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhưng có nơi làm tốt, có nơi gặp khó khăn thì các đồng chí chủ động trao đổi, áp dụng những bài học, kinh nghiệm hiệu quả trong tháo gỡ vướng mắc của bộ, ngành, địa phương mình", Phó Thủ tướng nói.
Tiền Phong